Sản xuất lúa gạo theo GAP lợi cả đôi đường

Thứ sáu, 11/05/2012, 16:45
Là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng trên 3.000 tấn gạo chất lượng cao để cung cấp cho các nhà hàng cao cấp và các công ty chế biến thực phẩm.

>>Ấn Độ tăng cường xuất khẩu gạo cạnh tranh với Việt Nam
>>Singapore ra tay bình ổn thị trường lúa gạo
>>ĐBSCL: Lúa gạo bất ngờ tăng giá



Sản xuất lúa theo GAP tại Long An.
 

Hiện nay, chất lượng gạo của VN so với Thái Lan giá luôn thấp hơn từ 7-20 USD/tấn và thấp hơn gạo của Mỹ đến 220USD. Vì vậy, việc tăng chất lượng, giá trị cho gạo Việt là đòi hỏi bức bách trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, Cty CP Đầu tư Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA (ITA Rice) – Cty con của Tập đoàn Tân Tạo đã được nhận Giấy chứng nhận hệ thống thực hành nông nghiệp tốt GAP cho sản phẩm lúa trên diện tích 60,3ha. Sản phẩm được đánh giá theo phương thức 1 và phù hợp với tiêu chuẩn: General regulation 4.0 – 1 FEB 12 và CPCC 4.0 – 1 FEB 12 của trung tâm chứng nhận Quacert. Chương trình được thực hiện tại 4 huyện của tỉnh Long An, gồm: Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức.

Sản phẩm khi thu hoạch, ITA Rice bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Đây là mô hình đầu tiên ở tỉnh Long An, và sẽ được nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới.

Được biết, năm 2007, ITA Rice đã đầu tư dự án trên 12.000ha đất trồng lúa theo quy trình GAP của Mỹ và châu Âu tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An), ngoài ra còn có các nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn HACCP, đạt công suất xay xát và đóng gói 50.000 tấn/năm, hệ thống cảng có khả năng tiếp nhận tầu đến 1.000 tấn; các khu nhà ở chuyên gia - căn hộ với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và văn hóa, xã hội (trạm y tế, cơ sở thương nghiệp, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, khu vui chơi) và nhà máy nước công suất 10.000-20.000 m3/ngày-đêm, dự án có tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng

Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Tạo cho biết Tổng vốn đầu tư toàn dự án lên tới hơn 4.414 tỷ đồng. Trong đó gần 1.668 tỷ đồng cho dự án 12.000 ha sản xuất lúa thơm; hơn 692 tỷ đồng cho xây dựng cảng, các nhà máy xay xát chế biến và hệ thống kho; hơn 1.938 tỷ đồng xây dựng khu đô thị, nhà ở và các công trình công cộng phục vụ chuyên gia, công nhân viên. Tất cả được phân kỳ đầu tư trong thời hạn 5 năm.

“Để phát triển dự án này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của GS.TS Võ Tòng Xuân và Đại học An Giang trong bốn năm qua, đồng thời tăng dần diện tích sản xuất lên từ 100ha trong năm đầu tiên thêm 500 ha vào năm thứ hai, thêm 2.000ha. Sau năm năm chúng thôi sẽ phát triển đủ 12.000ha lúa như quy hoạch của dự án”, ông Mến chia sẻ.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, đây là dự án mà ông tâm huyết nhất vì nó đem lại lợi ích thiết thực cho cả người nông dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần cho việc khẳng định thương hiệu lúa gạo của Việt Nam.

Với hơn 10.000ha sản xuất lúa thơm xuất khẩu, 200ha cụm dân cư cao cấp và 120ha cụm cảng – nhà máy, đây là dự án đầu tiên của Việt Nam có quy mô lớn nhất, áp dụng quy trình công nghệ hoàn chỉnh từ sản xuất – bảo quản – chế biến – xây dựng thương hiệu gạo ITA Rice phân phối đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng gạo cao cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Góp phần đưa ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam tham gia vào thị trường gạo chất lượng cao, nâng giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nâng cao đời sống người nông dân tại vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và của Việt Nam nói chung.



Theo Kinhtenongthon

Các tin cũ hơn