Cách tính giá xăng: Bất cập nhưng vẫn phải chờ !

Thứ sáu, 11/05/2012, 10:09
Thừa nhận quy định về chu kỳ tính giá xăng 30 ngày, khoảng cách cũng như cách tính chi phí định mức 600 đồng/lít trong giá cơ sở hiện nay quá bất cập, nhưng người đứng đầu cơ quan quản lý giá nói “muốn sửa được vẫn còn phải chờ”.

>> TS Lê Đăng Doanh: 'Giá xăng có thể giảm nhiều hơn nữa'
>> Giảm giá xăng dầu “nhỏ giọt”, dư luận nói gì?



Giá xăng vẫn tăng nhanh - giảm chậm do chu kỳ tính giá quá dài.


Lần giảm giá xăng 500 đồng/lít này, một lần nữa chứng tỏ giá xăng trong nước đang tăng - giảm quá lạc điệu so với giá thế giới. Trao đổi với PV, các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu đều có ý lảng tránh và cho rằng việc giảm giá hay không và giảm bao nhiêu do liên bộ Tài chính - Công thương quyết định. Để làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - đã có cuộc trao đổi với báo chí ngày 10.5.
 
Xin ông cho biết, dựa vào cơ sở và các tính toán như thế nào, Bộ quyết định giảm 500 đồng/lít xăng ?
 
Khi tính toán giá xăng cơ sở phải căn cứ vào quy định của pháp luật về điều hành xăng dầu, ở đây là Nghị định (NĐ) 84/CP, tức cách tính giá bình quân 30 ngày gần nhất. Cụ thể, từ ngày 9.4 đến 8.5.2012 so với bình quân 30 ngày trước đó, giá các loại xăng dầu thành phẩm giảm từ 2,78% đến 4,69%. Để có cơ sở điều chỉnh giá, Cục đưa thêm cách tính thứ hai - bình quân 20 ngày, từ 20.4 đến 9.5, theo đó, bình quân các loại xăng dầu thành phẩm giảm 1,86% đến 5,18%.
 
Nếu tính bình quân gia quyền 30 ngày, giá cơ sở đối với xăng trước khi giảm đang thấp hơn giá bán lẻ 828 đồng/lít. Còn nếu tính 20 ngày, giá cơ sở thấp hơn 1.100 đồng/lít so với giá bán lẻ. Như vậy, trước khi giảm giá, DN có lãi 828 đồng/lít xăng so với giá cơ sở, con số lãi 1.600 đồng/lít theo cách tính của một số chuyên gia là chưa chính xác.
 
Vì sao không giảm 828 đồng/lít, khi trước đó giá xăng đã tăng rất mạnh, thưa ông ?
 
Theo nguyên tắc đã xác định, khi điều chỉnh phải khôi phục thuế và quỹ bình ổn, sau đó có điều kiện giảm giá bán. Tuy nhiên, lần này để đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên là nhà nước - DN - người tiêu dùng, quyết định giảm 500 đồng/lít xăng, khôi phục thuế suất thuế nhập khẩu 2% tương đương 300 đồng/lít, bởi trước đó mức thuế nhập khẩu kéo về 0% trong thời gian rất dài.
Ngoài ra, lần khôi phục này được tính toán và cân nhắc kỹ, bởi nếu không tăng thuế, ngân sách nhà nước tiếp tục phải bù khoản thuế 7% tại Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Nguyên do, trước đó nhà nước đã có cam kết bao tiêu sản phẩm tại nhà máy này với mức thuế nhập khẩu dầu 7%, suốt thời gian qua khi các DN khác được áp mức thuế 0%, nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra để bù cho khoản thuế 7% nhập dầu của nhà máy này.
 
 
 
EVN lên 3 phương án tăng giá điện
 
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, tính đến đầu tháng 5 các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng có nhiều biến động làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng/kWh.
 
Ngoài ra cũng phải tính đến việc phân bổ dần các khoản “treo” từ trước như lỗ do chênh lệch tỷ giá (15.463 tỉ đồng), chênh lệch do mua điện giá cao 8.040 tỉ đồng nên giá điện sắp tới sẽ tăng. EVN đang lên 3 phương án tăng giá gồm tăng trên dưới 5%, phương án hai khoảng 10% gồm thay đổi biến động đầu vào 3,29% và phân bổ 1/3 khoản lỗ; phương án còn lại nằm ở mức 5% đến 10%.
 
Nhiều ý kiến cho rằng với mức chênh lệch trên, vừa qua DN đã có lãi rất lớn, Bộ có biết mức này là bao nhiêu ?
 
Trong tính toán giá cơ sở có 2 yếu tố tạo cơ hội cho DN làm ăn lãi nhiều hay ít hoặc lỗ cao hay thấp gồm chi phí kinh doanh 600 đồng/lít và lợi nhuận 300 đồng/lít. DN nào tổ chức mạng lưới tốt, tiết kiệm được chi phí thấp hơn 600 đồng thì được lợi, còn DN nào quản lý kém, tổ chức mạng lưới không tốt vượt chi phí thì tự trang trải. Còn lợi nhuận 300 đồng/lít cũng vậy, DN nào mua được thời điểm có lợi nhất, giá có lợi thì lợi nhuận có thể trên 300 đồng, DN được hưởng, nhà nước không thu lại. Còn DN nào mua giá cao, chọn khách hàng không tốt, lợi nhuận thấp hơn phải chịu thiệt, nhà nước cũng không bù cho đủ lợi nhuận.
 
Với mức chênh lệch 828 đồng/lít xăng, nếu nhà nước không điều tiết thì sẽ biến thành lãi của DN, tuy nhiên nhà nước có xử lý giảm giá hay tăng thuế cũng chỉ trong mức này, không hơn được.
 
Thực tế quy định về cách tính 30 ngày tỏ ra quá chậm không theo được diễn biến của thị trường, tại sao cho tới nay vẫn chưa được sửa ?
 
Chúng tôi cũng đã nhận thấy những bất cập trong cách tính giá cơ sở không còn phù hợp, tuy nhiên, vì muốn sửa cùng lúc nhiều nội dung trong NĐ 84 nên vẫn chưa thực hiện. Hiện tại Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, sửa đổi bổ sung những điểm không phù hợp.
 
Về giá, phải xem xét lại công thức tính, trong đó giảm ngày tính giá xuống còn 20 ngày hay 10 ngày phải dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá lại. Đối với định mức kinh doanh 600 đồng/lít, gồm cả chi hoa hồng cho đại lý cũng phải sửa.
 
Đặc biệt, chi hoa hồng đại lý thời gian qua quá hỗn loạn, do Bộ Công thương quy định DN tự thỏa thuận, khiến các đơn vị đua nhau nâng phí để giành giật khách hàng, chiếm thị phần. Tới đây sẽ có mức trần - sàn để DN chỉ cạnh tranh trong khoảng này.


Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn