Giải mã tham vọng của đại gia bơm tiền giải cứu Bianfishco
Thứ sáu, 11/05/2012, 08:34
Với khoản nợ ngân hàng gần 800 tỷ đồng, cộng với tình hình tài chính không mấy sáng sủa năm 2011, câu hỏi được đặt ra là liệu NTB có đủ năng lực để "giải cứu" Bianfishco không, và đằng sau câu chuyện giải cứu này thực chất là gì?
Ngày 9/5, ông Trần Văn Trí, quyền Tổng giám đốc công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfisco) chính thức công bố công ty cổ phần đầu tư và khai thác Công trình giao thông 584 (NTB) sẽ bơm 500 tỷ đồng để giúp công ty khôi phục lại hoạt động.
Theo ông Trần Kim Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NTB thì khoảng 30% vốn hỗ trợ cho Bianfishco (hơn 150 tỷ đồng) là từ nguồn vốn tự có của công ty, phần còn lại công ty sẽ vay của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ quý I/2012, lượng tiền mặt của NTB cũng không dồi dào khi chỉ có khoảng hơn 615 triệu đồng tiền mặt. Tài sản ngắn hạn của công ty đến 31/3 đạt gần 1.300 tỷ đồng, nhưng trong đó hơn 1.130 tỷ đồng (chiếm hơn 85%) là hàng tồn kho. Số hàng tồn kho này chưa phải là thành phẩm mà mới chủ yếu là những sản phẩm đang sản xuất dở dang.
Công ty NTB của ông Trần Kim Minh (đứng) đang nợ ngân hàng gần 800 tỷ và chỉ dư tiền mặt hơn 600 triệu đồng.
Đặc biệt, đến cuối quý I/2012, với vốn chủ sở hữu 360 tỷ đồng nhưng NTB mắc nợ các ngân hàng tới 770 tỷ đồng, cho thấy tài sản của NTB hiện cũng chủ yếu được tài trợ bằng nguồn vốn đi vay ngân hàng và công ty sẽ phải đối mặt với rủi ro khi lãi suất có nhiều biến động.Trước đó, đầu năm 2011, trong đại hội cổ đông thường niên của NTB, cổ đông công ty cũng đã phàn nàn về việc dư nợ vay ngân hàng của công ty quá lớn so với vốn chủ sở hữu.
Ngoài ra, tình hình sản xuất kinh doanh của NTB năm 2011 cũng có nhiều điểm đáng lo ngại. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2011, NTB lỗ gần 1,4 tỷ đồng, mà nguyên nhân lỗ chủ yếu do khoản chi phí kinh doanh bất động sản tăng tới 30% và khoản chi phí lãi vay lên tới hơn 113 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần năm 2010.
Với tình hình tài chính không mấy sáng sủa như trên, liệu NTB có dễ dàng thực hiện lời hứa bơm trực tiếp cho Bianfishco 150 tỷ đồng, cũng như sẽ có giải thích như thế nào với cổ đông để tiếp tục vay ngân hàng khoản tiền 350 tỷ đồng.
Tham vọng lấn sân sang lĩnh vực "được ưu tiên"
Trong tờ trình đại hội cổ đông thường niên năm 2012 được NTB công bố ngày 2/5, công ty đã trình cổ đông việc bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh như trồng điều, trồng cà phê, cao su, trồng trọt. Đặc biệt, HĐQT đề nghị bổ sung thêm ngành nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản (lĩnh vực kinh doanh chính của Bianfishco).
Việc "lấn sân" sang lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp sau khi đã lấy kinh doanh bất động sản làm ngành nghề chính trong những năm qua, có thể cho thấy tham vọng của NTB, muốn nắm lấy cơ hội từ chủ trương ưu đãi về vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Chính phủ. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản lại gặp nhiều khó khăn do thuộc đối tượng không khuyến khích.
Tại buổi họp báo ngày 9/5, Chủ tịch của NTB cũng cho biết, nguyên nhân khiến công ty quyết định "giải cứu" Bianfishco là do công ty này đang có lô hàng thủy sản tiềm năng ký với đối tác Mỹ, trị giá 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng) và sẽ giao hàng trong năm 2012. Trong khi đó, doanh thu thuần từ kinh doanh bất động sản của NTB trong năm 2010 và 2011 lần lượt chỉ đạt khoảng 320 tỷ đồng và 285 tỷ đồng.
Mặt khác, trong tháng 4, ông Trần Văn Trí, quyền Tổng giám đốc Bianfishco cho biết, có một ngân hàng và một tập đoàn trong nước đã nhận lời hỗ trợ vốn cho Binafishco để đưa nhà máy chế biến của công ty hoạt động trở lại. Tuy nhiên, những đối tác này yêu cầu Bianfishco phải giao lại các dự án bất động sản ở TPHCM, một số đất ở Cần Thơ, Sóc Trăng…
Giả sử có trường hợp những bất động sản này một phần được giao cho NTB thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để NTB gia tăng các chỉ tiêu tài chính trong thời gian tới. Năm 2012, công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 50,4 tỷ đồng, sau khi lỗ trong năm 2011.