Tại sao cổ đông VIP nội bộ "xả" mạnh cổ phiếu?

Thứ năm, 10/05/2012, 16:56
Thời gian qua, nhiều cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp lớn liên tục đăng ký bán ra một khối lượng lớn cổ phiếu, thậm chí có cổ đông lớn thoái vốn hoàn toàn mà trường hợp của Sacombank là một ví dụ điển hình.

>> Chồng Phó Chủ tịch Sacombank đăng ký bán hết cổ phiếu "ruột"
>> Gia đình 'ông chủ' Sacombank: Buông ngân hàng, bắt mía đường


Chỉ trong vòng tháng 4 và đầu tháng 5, nhiều lãnh đạo và người thân của lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank, mã CK: STB) đã bán dăm bảy chục triệu cổ phiếu STB. Mới đây, ông Chang Hen Jui, chồng bà Huỳnh Quế Hà, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng quản trị Sacombank, đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu STB còn lại mà ông này đang nắm giữ. 
 
Trước đó, ngày 12/4, Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal), Công ty CP đường Burbon Tây Ninh và ông Chang Hen Jui đăng ký bán tổng cộng hơn 58 triệu cổ phiếu. Trong đó, Sacomreal do ông Đặng Hồng Anh, con trai chủ tịch HĐQT STB Đặng Văn Thành, làm chủ tịch HĐQT, đăng ký thoái vốn toàn bộ 17,3 triệu cổ phiếu theo phương thức giao dịch thỏa thuận từ 17/4 đến 17/6.
 
Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) là tổ chức có bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Sacombank) làm Chủ tịch HĐQT đăng ký bán toàn bộ 7,5 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 16/4 đến 15/6.
 
Cùng ngày, Ông Chang Hen Jui cũng đăng ký bán 33.000.000 cổ phiếu, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 2 triệu đơn vị. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/4 (ngày người mua không được hưởng quyền họp ĐHCĐ và xin ý kiến bằng văn bản) đến 18/6.

Số cổ phiếu mà ông Chang Hen Jui đang nắm giữ được mua lại từ đợt Dragon Capital thoái vốn năm ngoái. Như vậy tổng lượng cổ phiếu mà 3 nhà đầu tư trên đăng ký bán là hơn 58 triệu cổ phiếu, tương đương gần 6% lượng cổ phiếu STB đang lưu hành. Tính theo thị giá ngày 12/4, lượng cổ phiếu này có giá trị thị trường gần 1.540 tỷ đồng.

 
Các cổ đông nội bộ và cổ đông lớn của Sacombank đang ồ ạt xả hàng

Sau đó vài ngày Công ty CP sản xuất thương mại Thành Thành Công cũng do bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành làm chủ tịch HĐQT đăng ký bán gần 22,04 triệu cổ phiếu STB, đưa số lượng cổ phiếu STB công ty này nắm giữ sau giao dịch còn 100.000 đơn vị. Giao dịch thực hiện từ 18/4 đến 18/6.
 
Các nhà đầu tư trên đều mua gom cổ phiếu STB từ trong năm 2011, khi giá STB sụt giảm còn trên dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Thử làm một bài tính lời lãi với một đơn vị đăng ký bán STB với số lượng ít nhất trong số các nhà đầu tư trên, là Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh với số lượng bán ra 7,5 triệu cổ phiếu, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên. 
 
Thuyết minh báo cáo tài chính của Bourbon Tây Ninh cho thấy, trong năm 2011, công ty mua 7,5 triệu cổ phiếu STB với tổng giá trị 106,79 tỷ đồng. Theo đó, đơn giá đầu tư 1 cổ phiếu STB khi đó là 14.239 đồng. Trong khi đó, thời điểm 12/4, khi Bourbon Tây Ninh thông báo bán STB, giá cổ phiếu này là 26.500 đồng.  
 
Giả sử Bourbon Tây Ninh bán cổ phiếu STB ở mức giá 26.500 đồng thì công ty sẽ ghi nhận khoản lãi hơn 90 tỷ đồng (ghi nhận vào doanh thu tài chính) và thu về gần 200 tỷ đồng tiền mặt, một con số không nhỏ. Với những nhà đầu tư khác có lượng thu gom cổ phiếu STB lên tới vài chục triệu đơn vị trong năm 2011 thì giờ xả hàng sẽ kiếm lời lớn.
 
Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự của việc xả hàng STB của gia đình ông Đặng Văn Thành lại là chuyển hướng từ ngân hàng sang một ngành khác.
 
Bởi trong một diễn biến cùng thời điểm, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Công ty Đường Biên Hòa (BHS) tổ chức vào ngày 20/4 vừa qua, vợ ông bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch Công ty Thành Thành Công, đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị BHS, thay cho bà Phạm Thị Sum.
 
Đặc biệt, ông Đặng Văn Thanh Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng có mặt tại đại hội này và đã chia sẻ sự quan tâm của ông về ngành mía đường và triển vọng của BHS.
 
Hiện, khó tính được tỷ lệ sở hữu thực sự của gia đình ông Thành hiện nay tại các công ty mía đường. Nhưng trước mắt, nhóm này đã hiện diện ít nhất ở 4 công ty mía đường niêm yết là SBT, BHS, NHS và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC). Theo báo cáo tài chính của 4 công ty trên, tính đến nay, sở hữu của nhóm ông Thành tại SBT là hơn 65%, BHS hơn 38%, NHS trên 41% và SEC hơn 21%.  
 
Tuy nhiên, theo thống kê của một chuyên viên phân tích tại một quỹ đầu tư trong nước, nhóm ông Thành đang nắm cổ phần tại 18/40 công ty mía đường trên cả nước. Trong đó, sở hữu trên 35% là ở 8 công ty.
 
Những diễn biến thoái vốn tại STB và đầu tư vào mía đường cho thấy có lẽ gia đình ông Thành đang muốn buông ngân hàng và dốc vốn vào mía đường. Khi doanh nghiệp dính thông tin mua bán, sáp nhập, cổ phiếu cũng theo đó tăng nóng hoặc giảm mạnh. Các nhà đầu tư dựa vào đó để gom hàng hoặc xả hàng. Sau thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thâu tóm Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (HBB) phát đi ngày 13/3 vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã xả mạnh cổ phiếu HBB. Chỉ trong 15 phút đầu phiên giao dịch ngày 13/3, 12 triệu cổ phiếu HBB đã bị bán ra.
 
Trước đó 1 ngày, Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội có thông báo giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Bà Vương Thị Vân, vợ Chủ tịch HĐQT HBB, khi đó nắm giữ 15 triệu cổ phiếu HBB, chiếm 3,7% vốn điều lệ đăng ký bán toàn bộ 15 triệu cổ phiếu này. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 13/3 đến 11/5 bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trong hơn 2 tuần trước đó, giá cổ phiếu HBB đã tăng 60%, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên đạt hơn 17 triệu cổ phiếu.
 
Trào lưu ăn theo cổ phiếu có tin đồn sắp bị sáp nhập đã tăng mạnh kể từ thương vụ Sacombank bị nhóm cổ đông Eximbank thâu mua lượng lớn. Với nhà đầu tư, xu hướng này có thể kiếm lời khá nhanh, nhưng biết dừng đúng lúc để bảo vệ thành quả mới là điều quan trọng nhất. Giá một cổ phiếu có lúc tăng, lúc giảm, nhưng vẫn sẽ xoay quanh giá trị nội tại. Và nguy cơ bị thâu tóm không thể là phép màu thay đổi giá trị của một doanh nghiệp, lại càng không phải là phép màu làm tăng giá trị của doanh nghiệp ấy.
 
Việc cổ đông nội bộ đăng ký bán mạnh cổ phiếu thường được họ công bố nguyên nhân là giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên, trừ một số ít người có nhu cầu giải quyết tài chính cá nhân thật, còn lại nếu các cổ đông nội bộ đồng loạt bán ra thì nhà đầu tư cần phải xem xét lại.
 
Thời điểm tháng 8/2009, thị trường chứng khoán gần như bội thực nguồn cung khi hàng loạt thông tin công bố đăng ký bán cổ phiếu của các cổ đông nội bộ và cổ đông lớn được tung ra. Đặc biệt, những cổ phiếu càng tăng giá thì càng có nhiều cổ đông nội bộ đăng ký bán ra.

Điển hình như cổ phiếu VIS của Công ty CP thép Việt Ý tăng hơn 100% trong vòng 3 tháng (từ tháng 6/2009 đến tháng 8/2009) nên từ Chủ tịch HĐQT đến Phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, Ủy viên HĐQT… đều thông báo bán hàng loạt. Hoặc các thành viên chủ chốt của Công ty CP FPT, Công ty CP mía đường Lam Sơn (LSS) cũng đăng ký bán ra liên tục. 

 
Trao đổi với PV, chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cho rằng, khi nhà đầu tư quyết định mua vào một cổ phiếu nào đó, ngoài các thông tin về hoạt động công ty thì cũng nên xem thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ. Bởi công ty nào có quá nhiều cổ đông nội bộ và cổ đông lớn đăng ký bán ra và giảm tỷ lệ sở hữu xuống thì cần phải thận trọng và xem xét lại. Có những trường hợp, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn xả hàng trong âm thầm, không công bố thông tin, làm ảnh hưởng tới nhiều nhà đầu tư khác.
 
Ngày 7/5, HoSE cũng thông báo việc vi phạm công bố thông tin của ông Lê Tấn Kiệt, một cổ đông lớn của Công ty CP tập đoàn Hoàng Long (mà chứng khoán: HLG). Theo đó, ông Kiệt đã mua 344.180 cổ phiếu HLG vào ngày 13/5/2011 nâng tỷ lệ sở hữu lên 2.452.010 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 5,54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện tại và trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Long nhưng không thực hiện báo cáo về sở hữu cổ đông lớn.

Ngoài ra, sau khi trở thành cổ đông lớn, ông Lê Tấn Kiệt đã mua tổng cộng 3.547.390 cổ phiếu HLG và bán tổng cộng 2.238.650 cổ phiếu HLG từ ngày 16/5/2011 đến ngày 21/12/2011 nhưng không công bố thông tin và báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn.

 

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích