Hy Lạp trở lại là nhân tố quyết định của thị trường tài chính
Thứ năm, 10/05/2012, 16:26
Người đứng đằng sau cơn bán tháo của thị trường chứng khoán toàn cầu hôm thứ 3 (8/5) là Alexi Tsipras, vị lãnh đạo 37 tuổi của Đảng Liên minh cánh tả của Hy Lạp.
Alexi Tsipras, lãnh đạo Đảng Liên minh cánh tả của Hy Lạp
Khi được trao quyền thành lập chính phủ liên minh ở Hy Lạp, Alexi Tsipras gửi đi thông điệp với cả thế giới rằng thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp là vô dụng và biện pháp này nên được dừng lại. Sự kiện này khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo bởi có thể mở đường cho một loạt các sự kiện buộc Hy Lạp phải rời eurozone.
Ngoài việc từ bỏ gói cứu trợ, Tsipras còn muốn quốc hữu hóa các ngân hàng, khôi phục lại mức lương và trợ cấp lương hưu như trước kia, đồng thời cho thực hiện lại quyền thương lượng tập thể. Đây không phải là lần đầu tiên Tsipras tuyên bố thực hiện những điều này nhưng lại là lần đầu tiên vị lãnh đạo trẻ nhất Hy Lạp đến gần với vị trí quyền lực để có thể biến cam kết thành hiện thực.
Khi được hỏi về giải pháp giải quyết vấn đề của Hy Lạp, Alexi Tsipras cho rằng lối thoát cho Hy Lạp chính là thoát khỏi các chính sách mang tính chất tiêu cực đang được nhóm tam hùng (gồm IMF, EU và ECB) áp dụng.
Để nhận được gói cứu trợ dài hạn hơn 200 tỷ euro với lãi suất thấp, 3 tổ chức này yêu cầu Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu. Chính phủ Hy Lạp đã sa thải hàng ngàn công chức nhà nước, cắt giảm lương cũng như trợ cấp và lương hưu đồng thời vô hiệu hóa thỏa thuận thương lượng tập thể với mục đích tăng khả năng cạnh tranh của Hy Lạp trên thế giới.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng nâng thuế và phí đối với mọi loại hàng hóa dịch vụ khiến người dân Hy Lạp nổi giận và trừng phạt đảng ủng hộ các yêu cầu của ECB bằng cách dồn phiếu bầu cho Đảng Liên minh cánh tả của Alexi Tsipras.
Trả lời phỏng vấn của CNBC, Tsipra nhận định chính sách thắt lưng buộc bụng hoàn toàn phá hủy tầng lớp trung lưu. Vì vậy, điều cần thiết thực sự là cần phải có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách thắt chặt tài khóa phải được thực hiện theo cách khác như nâng thuế đối với người giàu chứ không phải đánh vào những người trung lưu và hạ lưu.
Tuy nhiên, Alexi Tsipras cũng cho rằng rời khỏi eurozone không phải là một điều khôn ngoan bởi Hy Lạp là một nước thành viên của eurozone và cần coi đó là một lợi thế cạnh tranh.
Nhưng Hy Lạp không thể có 2 điều đó cùng một lúc. Nếu không tuân thủ những điều kiện của gói cứu trợ, các khoản vay sẽ ngừng giải ngân và Hy Lạp sẽ không có tiền chi trả cho chính phủ, quân đội và người nghỉ hưu. Hàng trăm nghìn người sẽ bị sa thải ngay lập tức. Rời eurozone đồng nghĩa với Hy Lạp phải loại bỏ đồng euro, tự in tiền và sử dụng đồng tiền mới.
Thị trường vẫn nhận định kết quả cuộc bầu cử Pháp với chiến thắng của ông Hollande sẽ tạo nên bước ngoặt đối với tương lai của eurozone. Nhưng giờ đây, bầu cử Hy Lạp mới là nhân tố quyết định đối với thị trường tài chính.