TS Lê Đăng Doanh: "Giá xăng có thể giảm nhiều hơn nữa"

Thứ năm, 10/05/2012, 16:58
“Dư luận nên tiếp tục theo dõi xem giá nhập khẩu xăng dầu là bao nhiêu để xem có thể tiếp tục giảm được nữa hay không”, ông Doanh nhấn mạnh.


>>Giảm giá xăng dầu “nhỏ giọt”, dư luận nói gì?
>>'Giá xăng lẽ ra giảm gần 830 đồng/lít'
>>Giá xăng dầu giảm 1 tăng 3

 


Trước động thái giảm giá xăng, dầu và tăng thuế nhập khẩu, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng: "Thực tế giá xăng còn có thể giảm nhiều hơn nữa vì một số nước trong khu vực, giá xăng đã giảm rất mạnh và rõ rệt".

Theo đó, giá bán lẻ xăng A92 giảm 500 đồng xuống còn 23.300 đồng một lít trong khi dầu diesel cũng giảm 300 đồng. Thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 0% lên 3%.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, việc giảm giá xăng sẽ giảm các chi phí đầu vào cho các hoạt động kinh doanh, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đối với người dân, tuy mức giảm thấp, chỉ 500 đồng/lít, nhưng vì giá xăng ảnh hưởng rất lớn đến các mặt hàng khác, nên phần nào đấy có tác dụng với tâm lý người mua.

“Lần này Bộ Tài chính đã rất “khôn ngoan” khi vừa giảm giá xăng, lại vừa tăng thuế nhập khẩu. Tức là “được lòng đôi bên”, vừa tăng thu cho nhà nước, vừa chia sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, ông Long nói.

Về mức giảm 500 đồng/lít xăng, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: "Thực tế giá xăng còn có thể giảm nhiều hơn nữa vì một số nước trong khu vực, giá xăng đã giảm rất mạnh và rõ rệt. Nhưng do nguồn thu ngân sách giảm mạnh nên Bộ Tài chính đã bù cả vào phần thuế nhập khẩu để tăng thu. Ở thời điểm này, đây là giải pháp có thể chấp nhận được".

Theo tính toán, kể từ lần điều chỉnh gần nhất (20/4) giá xăng dầu thế giới diễn biến theo hướng hạ nhiệt. Cụ thể, giá dầu thô trên thị trường New York giảm từ mức gần 103 USD một thùng về hơn 96 USD một thùng trong ngày 9/5.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, giá bán buôn mặt hàng xăng A92 tại thị trường Singapore hiện cũng giảm về mức 121,6 USD một thùng trong ngày 9/5, so với con số hơn 128,1 USD một thùng vào ngày 20/4.

“Dư luận nên tiếp tục theo dõi xem giá nhập khẩu xăng dầu là bao nhiêu để xem có thể tiếp tục giảm được nữa hay không”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đánh giá về mức hợp lý của lần giảm giá xăng này, ông Ngô Trí Long cho rằng cần dựa trên việc xem xét cách tính, giá cơ sở các chi phí cấu thành.

"Động thái giảm giá xăng dầu ngày hôm qua là tín hiệu tốt, tuy nhiên để giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, lên xuống đều nhịp với giá thế giới thì cần rút ngắn thời gian dự trữ lưu thông 30 ngày", ông Long kiến nghị.

Theo ông Long, đây chính là một trong những bất cập khiến cho giá xăng, dầu tăng và giảm đều khó, vì giá xăng, dầu trên thế giới biến động thường xuyên, thậm chí theo từng giờ, nên tính với thời gian như thế này rất khó, dễ để doanh nghiệp lợi dụng để giữ giá hoặc tăng giá.

“Giá không phải do người dân quyết định, nên việc tính theo giá cơ sở 30 ngày không phản ánh chính xác diễn biến liên tục của thị trường xăng dầu. Thí dụ, trong chu kỳ, 20 ngày giảm liên tục, nhưng 10 ngày tăng thì giá vẫn không giảm, như vậy phản ánh sai diễn biến thị trường. Theo tôi nên điều chỉnh xuống 15 ngày là hợp lý”, ông Long cho biết.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, khi tiến tới giá thị trường thì người dân cũng nên chấp nhận với cảnh xăng thường xuyên được điều chỉnh giá, nhưng nên điều chỉnh từ từ, mỗi lần một ít, để tránh gây sốc cho dân. Bên cạnh việc tăng giá cũng nên có giảm để trấn an xã hội.

Tuy nhiên đã nhiều lần, khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng giá trong nước vẫn đứng im, khiến người dân hoang mang và mất niềm tin.

“Cái khó hiện nay là nghị định 84 yêu cầu đảm bảo dự trữ 30 ngày nên phải tính giá xăng dầu bình quân 30 ngày. Vì vậy nhiều khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, nhưng giá trong nước chưa giảm ngay được”, ông Doanh nhấn mạnh.


Theo VTCNews

Các tin cũ hơn