Ông lớn địa ốc khát vốn xây nhà thu nhập thấp

Thứ năm, 10/05/2012, 17:16
Thiếu vốn xây nhà thu nhập thấp, hàng loạt chủ đầu tư lớn như Vinaconex, Hud, Viglacera... xin vay ngân sách hằng trăm tỷ đồng để triển khai dự án.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo chương trình phát triển nhà ở thu nhập thấp, học sinh sinh viên... trên địa bàn thành phố. Theo đó hàng loạt dự án đang gặp khó khăn, phải xin vay vốn ngân sách.
 
Cụ thể, dự án CT02 do Công ty Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đang thi công với vốn đầu tư 565 tỷ đồng. Do thiếu vốn, chủ đầu tư xin vay 300 tỷ để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ bàn giao gần 900 căn hộ cho khách hàng.
 
Hàng loạt các ông lớn như Viglacera, Hud, Vinaconex cũng góp mặt trong danh sách này. Dự án Bắc An Khánh (Hoài Đức) do liên doanh Vinaconex và Handico làm chủ đầu tư có quy mô hơn 5.000 căn hộ dù có quỹ sạch từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Chủ đầu tư đề nghị ngân sách cấp 300 tỷ đồng và xin một phần xây dựng nhà ở thương mại, nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét.
 

Dự án nhà thu nhập thấp chỉ được hưỡng lãi 10%. Ảnh: Hoàng Lan.
 
Dự án khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh) do Handico đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công vào tháng 11 tới cũng xin vay 30 tỷ đồng từ ngân sách. Chủ đầu tư Handico 5, 3 cũng lần lượt xin vay 180 tỷ và 100 tỷ đồng triển khai dự án Sài Đồng (Long Biên). Nhà thu nhập thấp Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Từ Liêm) do HUD làm chủ đầu tư cũng có nhu cầu vay 100 tỷ đồng.
 
Không chỉ đói vốn mà một số trường hợp còn rơi vào tình cảnh ế ẩm. Nhà thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm) do Viglacera làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 560 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư chỉ có thể xoay được 460 tỷ đồng, còn lại 100 tỷ đồng phải vay ngân sách. Hiện công ty đã bán được 650 căn hộ, còn lại gần 400 căn chưa có người đăng ký mua do xa trung tâm.
 
Tại cuộc họp bàn chiều 9/5, bà Tô Thị Hạnh, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội nhận định, nhà ở thu nhập thấp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các chủ đầu tư chỉ dám rón rén thực hiện vì cơ chế chính sách hỗ trợ chưa nhiều, trong khi đó, thị trường lại bó hẹp.
 
Theo bà Hạnh, dự án nhà thu nhập thấp chỉ được miễn thuế trong năm 2009, được hưởng 10% định mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, mấu chốt vấn đề là cần phải đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn thuế, cho vay ưu đãi từ 80% hoặc có thể lên đến 100% thay vì 70% như hiện nay.
 
Còn Sở xây dựng đánh giá, chủ đầu tư không đăng ký quỹ nhà ở cho thuê, thuê mua do thiếu nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, giá nhà thu nhập thấp, tiến độ đóng tiền đang vượt quá khả năng chi trả do chính sách chưa hỗ trợ người mua nhà.
 
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Xây dựng kiến nghị cần tìm vốn vay ưu đãi, dài hạn và thành phố bố trí ngân sách để phát triển quỹ nhà, thuê, thuê mua cũng như cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố cần ban hành mẫu thiết kế, tiêu chuẩn áp dụng và thẩm định bắt buộc tổng mức đầu tư đối với dự nhà thu nhập thấp để kiểm soát giá thành đồng thời hỗ trợ tài chính cho người mua nhà.
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn