Ngày 10-5, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có thông cáo giải thích về một số nội dung đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo Bộ GTVT, đề án trên là định hướng chung về công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay trong thời điểm hiện nay.
Nguồn kinh phí được dự kiến chủ yếu trên cơ sở nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn ngân sách chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng nguồn vốn triển khai đề án.
Phối cảnh trụ sở mới của Bộ GTVT.
Cũng theo Bộ GTVT, đề án dự kiến kinh phí hơn 223.000 tỉ đồng là kinh phí tổng hợp trên cơ sở đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Trong đề án có ghi rõ dự kiến vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho khối hành chính sự nghiệp, bao gồm các hạng mục: đầu tư phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý; nhà làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; đầu tư các công trình, dịch vụ công ích.
Ước tính chi phí chiếm khoảng 8,9% tổng nhu cầu vốn của đề án (số kinh phí này cấp theo kế hoạch, được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt).
Riêng trụ sở mới của Bộ GTVT, bộ cho biết đã xây dựng phương án và ý kiến của Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới.