Không bất ngờ trước thực trạng của Vinalines

Thứ sáu, 11/05/2012, 09:33
Sáng 10.5,TS Chu Quang Thứ - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết: Không bất ngờ trước thực trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư đội tàu thấp dẫn đến lãng phí của Vinalines.
 


Một con tàu của Vinalines được hạ thuỷ. Ảnh: Vĩnh Lộc.
 
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần trách nhiệm do năng lực của lãnh đạo Vinalines và sự tồn tại của cơ chế xin – cho. 

Vì sao ông không bất ngờ trước tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng của Vinalines? 

Tôi không bất ngờ trước thực trạng trên. Khi còn ở trong nhóm nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng, chúng tôi đã nhận thấy đây là hậu quả tất yếu của cơ chế xin cho. Hầu hết các đội tàu của Vinalines đã được cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn chiếm tỉ lệ lớn nên bản chất quản lý vẫn không thay đổi. Vẫn còn những dấu hiệu của cơ chế chỉ huy, kiểu như đặt mục tiêu về phát triển trọng tải đội tàu.

Chính vì vậy, có chuyện đội tàu tăng về cả số lượng, trọng tải nhưng khai thác thiếu hiệu quả. Trong khai thác kinh tế vận tải biển phải có tính linh hoạt, DN được quyền tự quyết hoạt động kinh doanh, gắn với trách nhiệm rõ ràng, mục tiêu là lợi nhuận chứ không phải là số lượng hàng và đoạn đường vận chuyển. 

Ông có nói đến trao quyền tự quyết kinh doanh cho DN gắn với trách nhiệm. Trên thực tế, Vinalines được trao rất nhiều tiền và đầu tư thiếu hiệu quả vào đội tàu, bây giờ phải tính toán trách nhiệm thế nào?

Quy luật vận tải rất khắc nghiệt, từ xưa đã cạnh tranh quốc tế. Theo quy luật kinh doanh, DN mua tàu cũ, thua lỗ thì phải bán cắt lỗ. Nhưng bây giờ ai dám cho bán tàu, vì bán ra là lỗ ngay. Như tàu Sông Gianh nằm bờ nhiều năm nay hay tàu Hoa Sen không khai thác được, nếu bán đi rõ ràng lỗ nhưng sẽ sạch sổ.

Nghĩa là chúng ta sẽ xác định được mua tàu đó lỗ bao nhiêu tiền, từ đó quy trách nhiệm trở lại ai đã duyệt thiết kế, kế hoạch khai thác, giám đốc Cty chịu trách nhiệm hay ai nữa. Trên thực tế, TCty lớn như Vinalines khi mua một con tàu thì đông người dự họp, cho ý kiến, đến khi truy trách nhiệm thì không ai nhận.

Những con tàu cũ, không phù hợp để khai thác phải bán đi để cắt lỗ, càng bỏ tiền vào càng hết hơi vì đội tàu không đúng chủng loại, đầu tư thêm tiền vào ai sẽ thuê. Chúng ta đã có danh sách những tàu cũ không khai thác được nữa, có những tàu mua giá cao nhưng giờ không bán được. Những trường hợp này giống như khối ung thư, càng để càng đau, phải chịu đau một lần để cắt đi. Có bán mới lộ rõ khoản lỗ và rõ được trách nhiệm. 

Thưa ông, như vậy DN có thể cho rằng do cơ chế hay suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng như hiện nay không?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư dàn trải, lãng phí như ở Vinalines, trong đó có yếu tố do cơ chế hay suy thoái kinh tế, cần phải nghiên cứu kỹ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, hai yếu tố rất quan trọng với DN là vốn và con người. Khi so sánh giữa hai DN thì vốn là quyết định, còn trong nội tại DN nhân lực là yếu tố then chốt.

Vinalines cầm vốn lớn nhưng khả năng quản lý không theo kịp, điều này phụ thuộc vào nhân sự quản lý, không có tài năng đã trải qua rèn luyện, thực tế chứ không phải nhảy cấp. Trước đây, Vinalines có những người tài nhưng sau này khác rồi. Do cung cách quản lý dẫn đến kém hiệu quả, nhất là nhìn vào các Cty con được “đẻ” ra sau này.

Tôi nhớ cũng trong Vinalines có những đơn vị truyền thống như Vinaship mua tàu cũ, thậm chí là mua lại của một đơn vị khác cũng trong Vinalines là Vosco, nhưng khai thác vẫn làm ra lãi và bán ngay khi đã đạt mức lãi cần thiết, lấy ngắn nuôi dài. Tóm lại là phải có bài toán kinh tế cụ thể. Còn những DN sau này không biết điểm dừng nên đã để lại hậu quả.
 
Tổng Công ty lớn như Vinalines khi mua một con tàu thì đông người dự họp, cho ý kiến, đến khi truy trách nhiệm thì không ai nhận. Những con tàu cũ, không phù hợp để khai thác phải bán đi để cắt lỗ, càng bỏ tiền vào càng hết hơi vì đội tàu không đúng chủng loại, đầu tư thêm tiền vào ai sẽ thuê.


Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích