“Bơm” vốn cho Bianfishco: Công ty 584 chỉ là trung gian?

Thứ bảy, 12/05/2012, 07:33
Với số tiền mặt chỉ 615 triệu đồng và nợ hơn 1.400 tỷ đồng, Công ty 584 lấy đâu ra 150 tỷ đồng trong cơ cấu 500 tỷ đồng hỗ trợ Bianfishco như thông tin trích dẫn từ nguồn của Chủ tịch Công ty 584?
Thông tin CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584, mã NTB) sẽ “bơm” tiền hỗ trợ CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) 500 tỷ đồng để Bianfishco hoạt động trở lại khiến thị trường đặt câu hỏi: Công ty 584 liệu có đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ Bianfishco?
 
 
Công ty 584: Thanh khoản khó khăn
 
Báo cáo tài chính quý I/2012 của Công ty 584 cho thấy, thời điểm 31/3/2012, Công ty có 615 triệu đồng tiền, đầu tư ngắn hạn (là tiền các cá nhân đang nắm giữ) 2,178 tỷ đồng, 26,4 tỷ đồng phải thu khách hàng. Các khoản còn lại là tài sản dài hạn, trả trước cho người bán, tạm ứng cho đối tác… Giá trị hàng tồn kho là chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang lên tới 1.136 tỷ đồng; 1.174,755 tỷ đồng trong cơ cấu tổng tài sản 2.473,8 tỷ đồng tại ngày 31/3/2012 của Công ty là đầu tư dài hạn.
 
Trong cơ cấu vay nợ của Công ty, 767 tỷ đồng là vay nợ ngân hàng ngắn và dài hạn, khoảng gần 700 tỷ đồng nợ các đối tượng khác, vốn chủ sở hữu là 543 tỷ đồng. Với cơ cấu nợ này, giả sử Công ty phải trả lãi suất vay là 18%/năm, thì mỗi quý, tiền lãi vay ngân hàng cũng lên tới 34,515 tỷ đồng.

Trong số 500 tỷ đồng bơm cho Bianfishco thì có 150 tỷ đồng từ nguồn Công ty 584, phần còn lại là của một ngân hàng,  số tiền này cũng lên tới gần 140% vốn điều lệ của Công ty 584

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I, Công ty hạch toán chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng vào chi phí trong kỳ, không phát sinh dòng tiền ra (trong lưu chuyển tiền tệ) để trả lãi vay. Điều này có thể hiểu rằng, số tiền lãi vay phải trả đã được Công ty chuyển thành khoản nợ mới hoặc được chuyển thành các tài sản khác.
 
Dù số tiền thu về từ bán sản phẩm cho khách hàng có xu hướng tăng lên (trong quý I thu về 262 tỷ đồng tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ), nhưng rõ ràng, với cơ cấu tài sản hiện tại, bản thân Công ty 584 cũng gặp không ít khó khăn về thanh khoản. Vậy làm sao để công ty này có thể trích ra trích ra 150 tỷ đồng trong cơ cấu 500 tỷ đồng hỗ trợ Bianfishco như thông tin đã được truyền thông trích dẫn từ nguồn ông Trần Kim Minh, Chủ tịch Công ty 584?
 
 
Nghi vấn vai trò trung gian
 
Với cơ cấu tài sản như trên, khả năng để Công ty 584 có thể trở thành người tài trợ vốn cho Bianfishco không lớn, nếu không có sự đột biến từ thị trường bất động sản. Có chăng, câu chuyện chỉ đến từ những đại gia đứng sau công ty này.
 
Một nguồn tin đáng tin cậy của ĐTCK cho biết, chưa có kế hoạch chi tiết trong thương vụ này, nhưng Công ty 584 có thể chỉ là đơn vị đóng vai trò trung gian, giúp quản lý dòng tiền hỗ trợ của một ngân hàng khác. Theo đó, Công ty 584 sẽ đóng vai trò giám sát dòng tiền, đảm bảo dòng tiền được sử dụng đúng mục đích và vận hành hoạt động nhà máy của Bianfishco.
 
Một điều đáng chú ý là, với  phương án hỗ trợ vốn cho Bianfishco lên tới 500 tỷ đồng (dù chỉ 150 tỷ đồng từ nguồn Công ty 584, phần còn lại là của một ngân hàng), thì số tiền này cũng lên tới gần 140% vốn điều lệ của Công ty 584. Theo quy định, số tiền chi ra này phải được HĐQT Công ty thông qua và công bố cho cổ đông biết. Vậy nhưng, với Công ty 584, khi HĐQT Công ty chưa họp bàn vấn đề này, thông tin về việc hỗ trợ Bianfishco đã được công bố rầm rộ. Vậy phương án hỗ trợ vốn này mới chỉ dừng lại ở kế hoạch, hay Ban lãnh đạo Công ty 584 đã “quyết” trước cổ đông?
 
Trong tờ trình ĐHCĐ hôm 7/5, Công ty 584 cũng đưa ra kế hoạch mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực thủy sản, nhưng thông tin đó liệu có đủ để cổ đông hiểu hết được vấn đề khi lãnh đạo Công ty quyết định một thương vụ cụ thể là hỗ trợ Bianfishco?

 
Theo ĐTCK
 

Các tin cũ hơn