Đất vàng của Bộ GTVT rơi vào tay ai?

Thứ bảy, 12/05/2012, 11:07
Nếu khu đất vàng 8.000 m2 của Bộ GTVT được bán cho tư nhân xây cao ốc văn phòng hoặc chung cư thì sẽ tạo thêm điểm nóng về giao thông cho thủ đô.
 
 
Bộ GTVT đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí giải thích rõ hơn về việc xây dựng trụ sở mới. Theo đó, Bộ cho biết cuối năm 2011, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới.
 
Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là liệu lô đất vàng đó có rơi vào tay tư nhân rồi trở thành cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại…, tạo thêm điểm nóng về giao thông cho thủ đô?
 
Có thể thu được hàng ngàn tỉ đồng
 
Với diện tích 8.000 m2, mặt tiền quay ra trục đường Trần Hưng Đạo và Dã Tượng, trụ sở Bộ GTVT được coi là khu đất vàng của thủ đô. Theo nhiều chuyên gia, nếu bán theo giá thị trường thì ít nhất cũng vào khoảng 200 triệu đồng/m2, chưa kể các lô đất mặt đường phải có giá 400-500 triệu đồng/m2. Như thế tính sơ sơ giá trị đất mà bộ này thu được nếu bán theo đúng giá thị trường cũng phải hàng ngàn tỉ đồng, thừa sức để bộ này xây dựng trụ sở mới.
 
Do đó, ngay từ thời ông Hồ Nghĩa Dũng làm bộ trưởng, Bộ GTVT đã từng nghiên cứu và dự kiến xây dựng lại trụ sở này theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) ngay tại khu đất cũ. Tuy nhiên, khi ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm thay ông Hồ Nghĩa Dũng thì bộ này đã thay đổi phương án bằng cách dự kiến chuyển trụ sở từ 80 Trần Hưng Đạo ra khu vực Mỹ Đình.
 
Lô đất vàng trụ sở Bộ GTVT tại 80 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có thể bị bán để xây dựng trụ sở mới. Ảnh: TV
 
 
Về phương án huy động vốn xây dựng trụ sở, Bộ GTVT cho biết đã được đồng ý về nguyên tắc bán trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới. Đồng thời, phải đảm bảo giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo. Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính định giá đất của trụ sở 80 Trần Hưng Đạo để làm căn cứ chuyển đổi. Nếu tiền bán trụ sở còn thừa thì sẽ nộp vào ngân sách.
 
Đất vàng liệu có thành cao ốc?
 
Vấn đề khiến dư luận quan tâm ở đây không phải là việc Bộ GTVT chuyển trụ sở mà là việc khu đất vàng này sẽ rơi vào tay ai và nó được sử dụng như thế nào? Nhất là trong bối cảnh tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng trở nên trầm trọng, trong đó có một phần nguyên nhân không nhỏ từ những sai lầm của TP khi để trụ sở cũ của các cơ quan, xí nghiệp rơi vào tay tư nhân sau đó biến thành cao ốc, chung cư cao tầng, gây áp lực lớn đến giao thông đô thị.
 
Vì thế, trong cuộc họp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gần đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thẳng thừng tuyên bố: “Từ nay tôi không bao giờ đặt bút ký cho bất cứ một khu chung cư nào xây trên vị trí cũ của các trường ĐH, bệnh viện, trụ sở các bộ trong diện phải di dời”. 
 
Chưa dừng lại, ông Thảo còn đề nghị TP xin mua lại đất trụ sở của các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành nhằm giữ đúng mục đích dành cho sinh hoạt công cộng, hình thức mua cũng từ vốn ngân sách, ghi thu, ghi chi, có vậy mới đạt được mục đích giảm ùn tắc. “Nếu để lấy tiền cho các bộ xây trụ sở mới thì buộc chúng ta phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, như vậy mục đích di dời để giảm tải không đạt được” - ông Thảo nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, nhìn vào phương án của Bộ GTVT - vốn là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc đề ra các giải pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông thì dư luận không khỏi ít nhiều lo ngại. Bởi trước đây khi ông Hồ Nghĩa Dũng làm bộ trưởng, khi xây dựng phương án xây trụ sở, Bộ GTVT từng dự kiến xây dựng lại trụ sở với tòa nhà văn phòng - khách sạn - căn hộ cho thuê cao tầng. Còn nay dưới thời Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong số các phương án nghiên cứu của Bộ GTVT, có phương án bán trụ sở 80 Trần Hưng Đạo cho một công ty cổ phần để lấy một tòa nhà văn phòng làm trụ sở mới!
 
12.174 tỉ đồng là tổng số tiền mà Bộ GTVT ước tính cần phải có cho đến năm 2030 để đầu tư, nâng cấp nhà làm việc tại văn phòng bộ, tám tổng cục, cục chuyên ngành và 22 tổng công ty, sáu trường, viện. Riêng giai đoạn 2012-2015 cần 7.950 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư trụ sở văn phòng Bộ là 1.000 tỉ đồng và các tổng cục, cục là hơn 4.800 tỉ đồng.
 
(Theo Đề án công nghiệp hóa - hiện đại hóa Bộ GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)
 
Cần công khai quá trình mua bán
 
Bộ GTVT cần phải trả lại đất đó cho Hà Nội, ngược lại Hà Nội sẽ bố trí khu đất mới để Bộ GTVT xây dựng trụ sở mới. Nếu anh chuyển nhượng quyền sử dụng đất trụ sở cũ cho các nhà đầu tư, cho các đơn vị tư nhân để thu lại một khoản tiền lớn để mua hoặc xây lại trụ sở mới ở Mỹ Đình là không hợp lý. Vì dù anh có chuyển đi đâu thì phạm vi đó vẫn thuộc chính quyền thủ đô quản lý, vẫn thuộc đất đô thị và trách nhiệm quản lý vẫn thuộc về chính quyền TP.
 
Hơn nữa, khu đất trụ sở của Bộ GTVT có giá trị rất quan trọng về mặt kiến trúc, dứt khoát không thể xây dựng cao ốc. Bộ GTVT cần công khai việc chuyển nhượng, cũng như các vấn đề liên quan đến việc di dời trụ sở để người dân giám sát.
Ông ĐÀO NGỌC NGHIÊM,  nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội


Theo PLTP

Các tin cũ hơn