>>Vinalines: Chi 490 tỉ đồng mua “đống sắt”... 43 tuổi!
>>Không bất ngờ trước thực trạng của Vinalines
>>Vinalines đã ném tiền ra biển như thế nào?
Theo website của Vinalines, hiện tại tổng công ty này đang quản lý 28 công ty con, 36 công ty liên kết (Vinalines kiểm soát trên 20% cổ phần nhưng chưa tới 50%). Ngoài ra còn có 6 công ty chuyển từ Vinashin sang được xếp ở một nhóm riêng.
Tuy nhiên ít công ty nào trong số này kinh doanh hiệu quả nếu không muốn nói là èo uột. Các công ty nhỏ hoạt động cầm chừng, các công ty lớn thì lỗ nặng hoặc nếu có lãi là nhờ bán tài sản.
Gương mặt đầu tiên phải kể đến là Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (Vosco) mà Vinalines nắm giữ 60% cổ phần. Theo số liệu trên báo cáo tài chính quý 1/2012, Vosco có vốn chủ sở hữu 1400 tỷ đồng, tổng tài sản 5.231,8 tỷ đồng. Vậy nhưng chỉ riêng 3 tháng đầu năm công ty này đã thua lỗ 58,64 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi gần 4,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do tình hình kinh doanh lao dốc khiến doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 130 tỷ đồng từ mức 714,3 tỷ đồng của quý 1/2011. Lật lại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của công ty này, người có thể thấy rằng thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của Vosco không chỉ ở quý này.
Trong 4 quý của năm 2011, họ cũng ghi nhận khoản lỗ tới 245,7 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Vậy nhờ đâu công ty này có khoản lợi nhuận trước thuế 9,2 tỷ đồng? Đó chính là nhờ khoản lợi nhuận 254,9 tỷ đồng từ việc bán tàu biển.
Và theo nghị quyết đại hội cổ đông của Vosco vừa diễn ra hồi đầu tháng này, năm nay họ sẽ tiếp tục bán tàu Ocean Star trọng tải 18.366 tấn đóng tại Hàn Quốc năm 2000.
Tương tự như Vosco, một thành viên khác của Vinalines là Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) cũng đang kinh doanh bết bát. Năm qua công ty này thua lỗ từ hoạt động kinh doanh đến 234,9 tỷ đồng.
Số lợi nhuận trước thuế ít ỏi 2,7 tỷ đồng chỉ có được sau khi Vitranschart bán đi 3 tàu biển là Phương Đông 1, Phương Đông 3, VTC Star cùng khu đất và tài sản trên đất tại Quảng Ninh.
Hoạt động này làm phát sinh khoản lãi khác 239,1 tỷ đồng, nhờ đó con số lợi nhuận trước thuế của họ mới không bị âm. Nhưng liệu một công ty có tổng tài sản hơn 3.100 tỷ đồng, vốn đầu tư của chủ sở hữu 589,9 tỷ đồng mà chỉ tạo ra 2,7 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương tỷ suất lợi nhuận/vốn chưa tới 0,5% có thể chấp nhận được?
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Vitranschart 3 tháng đầu năm 2012 họ tiếp tục lỗ ròng 21,2 tỷ đồng.
Thêm một điển hình nữa cho tình hình kinh doanh đáng buồn tại các công ty con của Vinalines đó là Công ty cổ phần vận tải biển Bắc (Nosco). Có tổng tài sản còn lớn hơn Vitranschart với 3.535,8 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2011, nhưng từ cuối năm 2010 công ty này đã bị mất hết vốn chủ sở hữu và thậm chí còn bị âm 129,2 tỷ đồng. Đến 31/12/2011, con số này tiếp tục âm tới 326,88 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính 2011 của công ty này, hiện Nhà nước đóng góp 102,3 tỷ đồng trong tổng số 180,56 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tương đương tỷ lệ hơn 56%.
Trong đại hội cổ đông ngày 5/5 vừa qua, cổ đông của Nosco thông qua nghị quyết với nội dung về tổng lợi nhuận trước thuế là “cân bằng” (có nghĩa là hòa vốn và không có tiền để chia cổ tức), đồng thời ấn định kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho năm 2012 cũng là…“cân bằng”.
Ngoài 3 công ty trên, 2 công ty con khác của Vinalines như Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship hay Công ty cổ phần hàng hải Đông Đô trong năm qua cũng chung cảnh sản xuất kinh doanh chính thua lỗ và chỉ trông vào bán tài sản. 3 tháng đầu năm nay Vinaship lỗ hơn 43 tỷ đồng.
Theo lẽ thông thường, một doanh nghiệp khi kinh doanh có lãi và phát triển tích cực thì tài sản sẽ được tích tụ và năm sau sẽ cao hơn năm trước.
Tuy nhiên ở các công ty con của Vinalines nói trên, điều ngược lại đang diễn ra: công ty có lãi nhưng tài sản cứ hao mòn dần. Cứ với đà này không biết các công ty này sẽ ra sao khi không còn tài sản để bán?
Theo Dantri