Xăng theo thị trường, lương theo hệ số

Chủ nhật, 13/05/2012, 09:45
"Những bất cập trong cách điều hành quản lý giá xăng dầu thể hiện sự khuyết tật của hệ thống quản lý chung. Khi cái điệp khúc "tăng vun vút, hạ từ từ" lặp lại mãi, thì người dân vẫn còn phải chịu nhiều ấm ức", TS Nguyễn Đình Dương chia sẻ với phóng viên về cách điều hành giá xăng dầu hiện nay.

>>Giá xăng tăng nhanh, giảm chậm: Lỗi do... cơ chế
>>Cách tính giá xăng: Bất cập nhưng vẫn phải chờ !
>>Định giá điện, xăng dầu: Bộ Công Thương không đồng thuận, vì sao?


Lương tăng 27, xăng tăng 45

Năm 2011 nhà nước đã tiến hành 4 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Đến thời điểm này của năm 2012 là 3 lần.

Giá xăng dầu cuối năm 2011 so với đầu năm có sự biến động: Giá xăng A95 lại tăng 26%, A92 tăng 27% và dầu diezen tăng 35%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của năm đó là 18,3%.

Sang năm 2012, lần điều chỉnh đầu tiên, xăng A92 và A95 tăng 10%, dầu diezen tăng 5%. Đến lần điều chỉnh thứ hai thì xăng A95 và A95 tăng 4%, dầu diezen tăng 2%. Một năm rưỡi với 7 đợt điều chỉnh và giá xăng dầu đã tăng lên đến hơn 40% là một mức tăng quá cao.

Là một người tiêu dùng, ông có vui mừng với tin giảm giá xăng dầu tối hôm qua (9/5)?

Tôi cũng như nhiều người dân khác đều mong mỏi cái điệp khúc "tăng vun vút, hạ từ từ" sẽ chấm dứt. Cần nhiều hơn nữa sự minh bạch trong quản lý điều hành giá xăng dầu. Việc giảm 500đ mỗi lít xăng A92 hôm qua vẫn lặp lại đúng kịch bản "tăng vun vút, hạ từ từ".

Ông cho rằng, thị trường giá xăng dầu hiện nay chưa đủ sự minh bạch?

Xăng dầu là hàng hóa liên quan đến nhiều mặt đời sống xã hội. Xăng dầu của ta hiện nay phần lớn là nhập khẩu nên phải theo thị trường thế giới. Nhà nước không nên can thiệp quá sâu nhưng cũng không thể thả nổi để góp phần ổn định an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý điều hành giá xăng dầu đang có vấn đề.

Cụ thể là gì thưa ông?

Xăng tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến những người hưởng lương, nhất là đối tượng công chức viên chức. Từ 1/5, lương tối thiểu tăng từ 830.000đ/tháng lên 1.050.000đ/tháng (tăng 27%). Trong khi đó giá xăng thì tăng liên tục và tăng trong một thời gian ngắn. Theo tôi tính toán, giá xăng dầu từ đầu 2011 đến nay sau 7 lần điều chỉnh thì xăng A95 tăng 44%, xăng A92 tăng 45% và dầu diezen tăng 48%. Vậy là trong vòng một năm rưỡi, giá xăng dầu đã tăng trên 40%. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 là 18,3%. Vậy là giá xăng dầu nó đã tăng quá cao so với tăng lương và tăng giá tiêu dùng nói chung.

Nhưng có người sẽ biện minh rằng vì ta theo kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của nó?

Tôi thì cho rằng, vai trò của các đơn vị chuyên trách chưa làm tốt. Khi tăng giá xăng là có sự tham vấn của các tổ điều hành giá cả. Tuy nhiên, các tổ này chỉ có chuyên gia tập trung khía cạnh các yếu tố hình thành giá là thị trường trong nước và thị trường nước ngoài thế nào chứ họ không xem xét quan hệ giữa tiền lương và giá trong xã hội. Việc quản lý nhà nước về giá xăng dầu khá phức tạp và tế nhị.

TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội.


Một ngày, hai ngày, ba ngày... mới có sự điều chỉnh

Quản lý giá xăng dầu nó có đồng bộ với quản lý khác không?

Giá xăng dầu  tăng trên 40% nhưng chỉ số giá tiêu dùng đến nay chỉ tăng khoảng 20% thôi. Ở khía cạnh tiền lương thì lương tăng quá thấp so với giá. Lương hiện nay không tiếp cận với cơ chế thị trường mà dựa trên cân đối ngân sách, năng suất xã hội, còn xăng dầu thì điều chỉnh theo cơ chế thị trường nên có sự vênh nhau. Xem xét khía cạnh quản lý nhà nước về giá xăng dầu trong hệ thống đồng bộ an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát... thì có nhiều nghịch lý.

Có người cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay hình như phục vụ cho lợi ích của một nhóm người nào đó? Vì chẳng ai kiểm soát được cái sự tăng nhanh giảm chậm đó? Quan điểm của ông thế nào?

Đây chính là khuyết tật của cơ chế quản lý. Giá thế giới thay đổi từng ngày, mà ta thì phải chờ một vài ngày xem tình hình thế nào. Lúc bấy giờ các cơ quan chức năng, tổ điều hành mới bắt đầu họp lại, báo cáo lên cấp trên quyết định. Thế là một ngày, hai ngày, ba ngày... mới có sự điều chỉnh. Việc giảm cũng như tăng, lúc mình điều chỉnh thì thị trường thế giới đã giảm sâu hoặc tăng cao rồi.

Nghĩa là có hay không lợi ích nhóm ở việc nhanh - chậm này thưa ông?

Cái này không có bằng chứng nào để khẳng định. Để tránh những cái như lợi ích nhóm hay độc quyền thì phải mở rộng thị trường cạnh tranh. Khi tăng hoặc giảm giá thì phải có sự thẩm định của các cơ quan nhà nước về sự phù hợp phải tăng, giảm.

Nhưng việc thẩm định đó là rất khó?

Thế mới cần cơ quan chuyên môn. Nếu không làm được thì giải tán đi.

Việc giải tán có vẻ rất xa xôi. Nhưng cái trước mắt là dường như có một bộ phận người dân không còn niềm tin vào sự điều hành giá xăng dầu bởi nó thiếu sự minh bạch?

Dân mình luôn có ấn tượng rằng các doanh nghiệp kinh doanh chộp giật vì lợi ích cục bộ, thứ nữa là không hiểu hết chi tiết về thị trường xăng dầu. Đương nhiên là các cơ quan nhà nước cũng chưa thể công khai nên mới tạo ra dư luận như vậy.

Mới chỉ doanh nghiệp hài lòng

Ông nghĩ sao mỗi khi giá dầu thế giới tăng là doanh nghiệp than trời lỗ hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi giá giảm thì không doanh nghiệp nào nói đang lãi và lãi bao nhiêu cả?

Đương nhiên rồi, doanh nghiệp nào cũng thế cả. Không ai biết chi phí bên trong thế nào, hao hụt thế nào, trả lương cho nhân viên thế nào... Doanh nghiệp giấu những thông tin đó để mình có lợi nhất. Nhưng các cơ quan thẩm định thì phải đánh giá được thông tin nào là chuẩn, là phù hợp.

Liệu có đánh giá được không, nếu được thì vì sao họ không nói?

Đánh giá được hay không là do năng lực của mỗi đơn vị. Nhưng các cơ quan giám định cũng có "nhiều lý do" nên họ cũng để mặc cho xã hội bình luận. Người dân có bức xúc thì cũng chẳng làm gì được. Họ làm đúng nhiệm vụ của họ thôi.

Theo ông thì người dân còn lý do gì để bức xúc không?

Giá xăng dầu của chúng ta không phải là cao so với thị trường hàng hóa nói chung nhưng lại cao so với thu nhập của người dân. Giá xăng dầu của ta không khác nhiều so với các nước có thu nhập đến vài nghìn đô la/người/tháng. Thị trường thế, thu nhập thế, hệ thống giá như thế làm méo mó cuộc sống.

Theo ông có cách nào để người dân hết bức xúc?

Đương nhiên là có. Nhiều quốc gia trên thế giới họ cũng thế nhưng sao lại không tạo ra bức xúc. Còn ở Việt Nam thì cứ bàn đi bàn lại mãi mà vẫn tạo ra bức xúc. Có lời giải, nhưng ai là người đưa ra? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý thế nào? Điều này có lẽ nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng dám làm và làm được.

Xin cám ơn ông!
 

Theo Bee

Các tin cũ hơn