Con đường thành công của "ông chủ" Chocolate Việt

Thứ bảy, 12/05/2012, 16:45
Vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Canada, Đỗ Duy Hải đã được gia đình “dọn sẵn” vị trí chủ cửa hàng kinh doanh điện máy khá lớn tại Hà Nam. Thế nhưng Hải lại chọn cho mình một hướng đi khác, và đó cũng là lý do anh quyết định xa gia đình vào Nam lập nghiệp.
Hải kể: “Những năm du học ở xứ người, ngoài giờ học, tôi đi làm phụ bếp, phục vụ bàn, rửa chén... ở các nhà hàng, nhờ vậy mà học được cách chế biến món ăn, làm bánh, nhất là tiếp cận với công nghệ trang trí sôcôla lạ mắt ở nước ngoài. Phát hiện mình rất có duyên với ngành chế biến thực phẩm nên tôi đã theo học các khóa chế biến sôcôla ở các công ty lớn”.
 
Về nước năm 2007, Hải tìm đến các công ty sản xuất sôcôla có tiếng ở các nước Úc, Mỹ, Canada... để đề nghị được nhượng quyền kinh doanh, nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
 
Đỗ Duy Hải  - Ông chủ Socola Việt.


Không bỏ cuộc, cuối cùng Hải cũng nhận được sự chấp thuận từ một công ty của Úc. Anh rủ hai người bạn cùng hợp tác kinh doanh, nhưng chỉ sau một năm, Hải quyết định chia tay công ty dù thị trường đang rất tiềm năng với lý do, chiến lược kinh doanh và cách xây dựng thương hiệu của Hải và hai đối tác không cùng chung tầm nhìn.
 
Hải tâm sự: “Tôi quan niệm, đã kinh doanh thì phải tạo được thương hiệu ấn tượng, có đẳng cấp, và muốn vậy phải chấp nhận bỏ kinh phí đầu tư vào mẫu mã, chất lượng, chứ không chỉ nhắm vào lợi nhuận trước mắt”.
 
Sau đó Hải được công ty mẹ ở nước ngoài mời vào đội ngũ đi huấn luyện cho các cửa hàng nhượng quyền của công ty ở các nước.
 
Được đi nhiều nước nên Hải có cơ hội tiếp cận với nhiều công ty sản xuất sôcôla, và ngoài kinh nghiệm chuyên sâu về mảng sôcôla nghệ thuật, Hải còn học được kỹ thuật làm sôcôla tươi.
 
Năm 2010, Hải tự tin ra riêng tạo lập thương hiệu D’Art Chocolate. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, tiêu chí chọn người hợp tác của Hải lần này là ngoài tài chính còn phải có năng lực, hiểu biết thị trường và đam mê nghề.
 
Người thân, bạn bè khi nghe tin Hải lại mở công ty đều khuyên Hải không nên mạo hiểm, bởi kinh tế đang khó khăn, thị trường hẹp mà đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này lại nhiều, đa số là các công ty lớn.
 
Hơn nữa, mảng sôcôla nghệ thuật cũng không mới ở Việt Nam nên công ty nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh. Thế nhưng, Hải không từ bỏ ý định. Anh nghĩ: “Nếu có cách làm mới hơn và khác biệt, vẫn có cơ hội thành công”.
 
Lợi thế của Hải trong lần khởi nghiệp này là anh có đội ngũ cộng sự rất nhiệt tình, đam mê nghề và có kinh nghiệm.
Họ tự nguyện theo Hải vì con đường Hải đi cũng là nguyện vọng của họ, và quan trọng hơn là anh biết tạo cho họ môi trường làm việc không chỉ để kiếm tiền, mà còn để thăng tiến và phát huy năng lực bản thân.
 
Hải chia sẻ: “Ở vai trò người đầu tàu, cách quản lý của tôi là lấy sự chân thành để thu phục nhân tâm, lấy nhân cách của mình để thuyết phục người khác. Bởi nhân viên phải phục mình thì họ mới theo mình và tận tâm với công việc”.
Song, cái khó của D’Art Chocolate trong những ngày đầu, theo Hải, là chiến lược marketing. Do lúc đó, hễ nói đến sôcôla nghệ thuật là người tiêu dùng chỉ nghĩ đến thương hiệu Chocolate Graphics, nếu làm không khéo, quảng cáo của mình lại vô tình làm lợi cho đối thủ.
 
Vì vậy, cách tồn tại duy nhất là tìm cách làm khác, Hải nghĩ vậy.

 
Và “cách làm khác”
 
Chiến lược đầu tiên Hải đưa ra là tập trung vào phân khúc khách hàng độ tuổi từ 19 - 35, riêng chất lượng phải đạt tiêu chuẩn của các hãng nổi tiếng nước ngoài.
 
Vì vậy, Hải chấp nhận lợi nhuận ít để nhập nguyên liệu từ một hãng làm sôcôla nổi tiếng của Bỉ là Barry Callebaut, đồng thời ký luôn hợp đồng với hãng này làm nhà cung cấp nguyên liệu sôcôla cho thị trường Việt Nam.
 
Không chỉ chú trọng chất lượng, do định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp, Hải còn tập trung chăm chút mẫu mã, bao bì: từng chiếc hộp, giấy lót mỹ thuật, dây ru băng trang trí đều được nhập từ nước ngoài, giúp làm tăng thêm vẻ sang trọng cho sản phẩm. Nhưng điều đó cũng chưa phải là khác biệt lớn của D’Art Chocolate.
 
Hải cho biết: “Trong quá trình tìm tòi hướng đi, tôi nhận ra trên thế giới và ngay tại Việt Nam vào thời điểm này tuy có một số công ty cũng làm sôcôla nghệ thuật, nhưng sử dụng sôcôla làm công cụ quảng cáo logo, thương hiệu hoặc slogan cho các doanh nghiệp thì chưa có công ty nào làm. Và tôi nắm bắt ngay cơ hội này”.
 
Bắt tay vào thực hiện, Hải gặp không ít khó khăn nhưng anh vẫn kiên trì. Ban ngày đi tìm khách hàng, điều hành công ty, đêm về lại hì hụi nghiên cứu.
 
Hải chia sẻ: “Để có một viên sôcôla đạt độ bóng sáng chuẩn đòi hỏi kỹ thuật rất cao và rất khó làm, vì có những công đoạn phải làm bằng tay, ở một nhiệt độ nhất định thì sôcôla mới bóng sáng. Trên thị trường cũng có không ít sản phẩm dùng dầu thực vật thay cho dầu cọ nên sản phẩm vẫn sáng bóng mà không cần kỹ thuật gia giảm nhiệt độ. Tuy nhiên, chọn cách làm này cũng đồng nghĩa với việc định vị sản phẩm của mình ở cấp thấp, bởi chất lượng không ngon, khi ăn sôcôla sẽ không tan mịn trong miệng, mà phải nhai một lúc mới tan và rất dính răng”.
 
Sản phẩm đầu tiên của D’Art Chocolate đem chào hàng đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Những bức tranh sôcôla đậm nét dân gian Việt Nam như “Vinh quy bái tổ”, “Đám cưới chuột”, chợ Bến Thành, sông Hương... cùng những mẫu logo, slogan đa dạng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã đưa thương hiệu D’Art Chocolate đến gần hơn với người tiêu dùng.
 
Hằng tháng, D’Art Chocolate cung cấp cho một tiệm bánh hơn 300.000 logo bằng sôcôla. Mùa Trung thu vừa qua Hải đã nhận được nhiều lời khen từ khách hàng về ý tưởng kết hợp giữa sôcôla và bánh Trung thu truyền thống; dịp Tết và mùa Valentine, D’Art Chocolate cũng luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
 
Hải cho biết: “Đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng cho dựï án làm sôcôla nghệ thuật, vì vậy, tôi chỉ có một con đường là luôn nỗ lực làm mới sản phẩm để bước tiếp. Sắp tới, tôi sẽ mở thêm các cửa hàng sôcôla cà phê - một mô hình đang phát triển và rất phổ biến ở Úc và Mỹ, đây cũng là chiến lược kinh doanh khác biệt của chúng tôi: Không chỉ là hình thức kinh doanh B2B, mà còn là B2C”.
 

Theo DNSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích