Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tăng trưởng thực về doanh thu thị trường bán lẻ cả nước trong 4 tháng đầu năm 2012 chỉ còn khoảng dưới 5%, trong khi đó cùng kì 2010 cũng đạt ở mức 7,6%, vì thế có thể nói tình hình thị trường hiện tại đang là dấu hiệu báo động.
Các nhà bán lẻ đang đối mặt với vô vàn khó khăn vì người tiêu dùng sợ chi tiêu, lại vật lộn với tình trạng leo thang của giá cả.
Để tìm các biện pháp vượt khó, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên giai đoạn III (EU- Việt Nam MUTRAP III), Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Doanh nghiệp bán lẻ vượt khó năm 2012”.
Thực tế thị trường bán lẻ đang rất khó khăn. Cảnh vắng người mua ở các trung tâm mua sắm là phổ biến, nhiều quầy hàng cũng đã chính thức đóng cửa. Doanh thu của các siêu thị, cửa hàng đều giảm sút.
Ông Danh Quý, Giám đốc kế hoạch đầu tư Sài Gòn Co.op cho biết, doanh thu trong 4 tháng đầu năm 2012 này của hệ thống sụt giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, mục tiêu của cả năm nay, Sai Gòn Co.op vẫn hướng đến tăng trưởng khoảng 30%.
Nhiều trung tâm điện máy vắng khách dù có nhiều chương trình khuyến mãi.
Theo ý kiến của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ một cách hợp lý để tránh tăng chi phí dồn dập sẽ làm người tiêu dùng bị “choáng”.
Xác định phân khúc thị trường và tìm kiếm thêm những thị trường mới. Trong tình hình thị trường thay đổi, doanh nghiệp bán lẻ cần định vị lại sản phẩm phù hợp để thu hút người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nên tối ưu hóa dây chuyền cung ứng và xây dựng thương hiệu nhà bán lẻ. Đưa công nghệ vào phục vụ hoạt động kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng phó và hành động.
Tập trung cắt giảm chi phí trong hoạt động, cân nhắc hoạt động đầu tư, quản trị nguồn nhân lực; phối hợp với các nhà cung cấp để bàn bạc các giải pháp chia sẻ khó khăn của nhau và với khách hàng.
Kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ. Trên cả nước đang có hơn 580 siêu thị và 120 trung tâm mua sắm. Hiện mô hình cửa hàng nhỏ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang thịnh hành.
Trong năm 2011, số lượng hệ thống mô hình này tăng 17%, bởi các nhà đầu tư nhận thấy được sự tiện lợi và khai thác được từng đối tượng khách hàng đặc trưng nên dễ dàng giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, kênh bán lẻ truyền thống cũng đang “chuyển mình” thay đổi về hình thức lẫn chất lượng. Từ đó, càng tạo nên sự cạnh tranh trong hoạt động bán buôn.
Ông Danh Quý cho biết, từ đầu năm đến thời điểm này Sài Gòn Co.op đã đưa vào hoạt động 4 siêu thị mới, mục tiêu đưa ra trong năm nay là sẽ mở mới 8 siêu thị và 30 cửa hàng Co.op food.
Trường hợp thứ hai là Pico, nhà bán lẻ phía Bắc này sẽ khai trương Trung tâm thương mại Pico Plaza có quy mô 45.000m2 tại Tp.HCM gồm siêu thị điện máy, khu thương mại, ẩm thực, giải trí vào quý III/2012, chính thức gia nhập và tấn công thị trường bán lẻ miền Nam. Đại diện Pico rất tin tưởng vào quyết định đầu tư của mình, vì họ nhận định thị trường vẫn còn rất lớn.
Trong 4 tháng qua, Vinatexmart cũng đã mở thêm 9 siêu thị mới trong cả nước, nâng tổng số hệ thống lên 67 điểm. Satra cũng khai trương hai cửa hàng tiện lợi tại Tp.HCM. Nguyễn Kim đã đồng loạt khai trương thêm 6 trung tâm mua sắm mới tại các 6 tỉnh thành.
Tình hình nhu cầu và xu hướng mua sắm thay đổi, người bán lẻ cũng phải có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Bởi theo khảo sát và đánh giá của công ty Nielsen, đến thời điểm này, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng có tăng lên hơn trước nhưng là do giá cả hàng hóa tăng cao.
Vì vậy, người tiêu dùng khi đi mua sắm sẽ quan tâm trước tiên đến yếu tố giá cả. Trong cuộc khảo sát mới nhất mà tổ chức này thực hiện, có đến 63% người tiêu dùng chọn yếu tố giá cả là sự quan tâm lớn khi mua hàng, có đến 46% trả lời nắm được hết giá cả các mặt hàng.
Ông Phạm Thành Công, Chuyên viên cao cấp Công ty Nielsen cho rằng, trong năm 2012 doanh nghiệp bán lẻ phải ổn định nguồn hàng, liên kết với nhau để tận dụng chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường ra những khu vực còn ít sự cạnh tranh hoặc đầu tư các mô hình mới. Bên cạnh đó, cần đổi mới lại cách thức trưng bày và trang trí sao cho thật tiện lợi để lôi cuốn người mua hàng.
Vượt qua khó khăn, ổn định lực lượng để khai thác thị trường khi nền kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng hồi phục. Trong mắt các nhà đầu tư cơ hội trên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng...