Huyền Như đổ tiền vào canh bạc bất động sản
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng đang xôn xao dư luận trong những ngày gần đây. Nguyên nhân khiến Huyền Như phải chiếm đoạt số tiền lớn như vậy cũng có nguồn gốc từ bất động sản.
Mấy năm trước, khi nền kinh tế còn sôi động, giữa lúc thị trường bất động sản hưng thịnh nhất, Huyền Như cũng theo chân các đại gia lao vào đầu tư bất động sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, lợi nhuận mà bất động sản mang lại vô cùng to lớn, nó như một quả bóng được bơn đầy hơi. Thừa thắng xông lên, Huyền Như dồn hết tâm sức vào canh bạc này.
Huyền Như cũng theo chân các đại gia lao vào đầu tư bất động sản |
Để có tiền đầu tư năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao và lao vào mua cổ phiếu, kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Nhưng khi bong bóng bất động sản bắt đầu đổ vỡ thì Huyền Như cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, vì là một tay không chuyên nên không có kinh nghiệm xử lý.
Vì thế sau một thời gian làm mưa làm gió, chuyện làm ăn của Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu gặp khó vào năm 2009 - 2010, khi thị trường lao dốc, bất động sản ảm đạm, vài chục lô đất (một lô cả chục căn) của Huyền Như đắp chiếu không bán được, trong khi tiền lãi phải trả đều đặn khiến Như đuối sức, lấy phần này đắp phần kia.
Chính sách siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, càng đẩy Như khốn đốn hơn.
Cùng đường do làm ăn thua lỗ và hàng ngày phải trả lãi xuất cao, năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như gần như mất khả năng thanh toán.
Bị đẩy vào đường cùng Huyền Như phải xoay xở đủ kiểu đề kiếm tiền trả nợ. Để đối phó, từ tháng 3/2010 - 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của ngân hàng này, 7 công ty đồng thời làm giả tài liệu của nhiều đơn vị, cá nhân để lừa đảo hơn 3.900 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Vina Megastar
Đầu tháng 7/2013, dư luận xôn xao với thông tin ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Megastar bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".
Đại gia Long với những dự án dang dở. |
Ông Long bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng của đối tác, khách hàng,...không thể thanh toán. Vina Megastar do ông Nguyễn Hoàng Long làm chủ tịch được thành lập vào 8/2001, khi đó ngành nghề chính là kinh doanh cơ khí và sắt thép.
Sau hơn 10 năm tham gia vào lĩnh vực công nghiệp nặng với các công ty được thành lập như Megastar E&C, Megastar Steel Trading, Megastar Energy,... hoạt động ở các tỉnh, thành phía Bắc, đến 2008, doanh thu của tập đoàn này lên đến hơn 1800 tỷ.
Trên con đường thành công của mình, khi thấy thị trường bất động sản "ngon ăn" vào những năm 2008, ông Long bắt đầu bước chân sang kinh doanh BĐS với thương hiệu Megastar Land.
Hàng chục dự án đã được lập để triển khai, trong đó đa phần ở Hà Nội như chung cư 409 - Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội), chung cư Megastar Xuân Đỉnh,...
Bắt đầu cuối 2010, Megastar Land đã huy động vốn từ các đối tác, khách hàng để đầu tư vào dự án, số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Lo ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, từ cuối năm 2011, rất nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã tập trung thành nhóm để tìm cách đòi lại vốn mình đã góp vào dự án, nhưng gần như rất khó thực hiện.
Cho đến thời điểm này, khi ông Nguyễn Hoàng Long bị bắt, số phận của dự án và hàng trăm khách hàng không biết đi về đâu.
Nhờ con, Đặng Thành Tâm tiến gần về "chiếc ghế" đại gia
Ngày 14/1 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) đã có thông báo một loạt các mã cổ phiếu của đại gia Đặng Thành Tâm bị duy trì trong diện bị kiểm soát kể từ 20/1 tới như mã cổ phiếu SJS của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà vì kết quả kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp hay NVT của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng với lý do tương tự.
Đại gia Đặng Thành Tâm |
Cuối ngày 14/1, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh, con gái của đại gia Đặng Thành Tâm đã công bố mua vào 10 triệu cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, nơi đại gia Đặng Thành Tâm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị bằng hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận với mục đích “nhu cầu tài chính cá nhân”.
Nhờ đó, chỉ vài tiếng sau, tới phiên giao dịch ngày 15/1, KBC bất ngờ tăng trần sau một thời gian dài ngủ đông. KBC tăng 700 đồng/CP, tương ứng 6,9% lên 10.800 đồng/CP.
Như vậy, chỉ trong 1 phiên, KBC đã giúp ông Đặng Thành Tâm “bỏ túi” gần 71 tỷ đồng. Số tiền này gần đủ cho con gái ông gom 10 triệu cổ phiếu KBC.
Không chỉ có vậy, tới phiên ngày 16/1, KBC tiếp tục nóng. Có nhiều thời điểm KBC tăng trần, tăng 700 đồng/CP lên 11.500 đồng/CP, mức giá cao nhất trong thời gian dài qua. Những lúc như vậy, giá trị cổ phiếu ông Tâm nắm giữ ghi nhận thêm 71 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tới cuối phiên, KBC bất ngờ đuối sức, đứng giá ở mức 10.800 đồng/CP. Nhưng dù sao, sự đột phá của KBC cũng góp phần giúp ông Đặng Thành Tâm tiến gần về “chiếc ghế” đại gia.
Sau nhiều ngày trôi dạt xuống vị trí thấp trong Top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Tâm đang tiến về sát Top 10.