I- Sau những ngày có phần im ắng, thông tin vụ án xử Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi), nguyên Phó Trưởng phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank t/p HCM), lại tiếp tục nổi lên. Vì tính chất ghê gớm của những thủ đoạn lừa đảo mà xã hội tặng cho Huyền Như một “biệt danh” xứng đáng: Siêu lừa!
Không rõ, khi làm ở phòng quản lý rủi ro, Huyền Như đã quản lý ra sao, còn trong thực tế, cô ta mang đến … rủi ro khủng khiếp cho xã hội.
Con đường sa chân vào tội lỗi của người đàn bà trẻ chả có gì khó hiểu- tham vọng về tiền bạc. Xuất phát từ những món nợ trước đó đầu tư vào bất động sản không có khả năng thanh toán. Nhưng hệ lụy thì vượt xa con số các vụ án “đình đám” trước đó: Hơn 4000 tỷ đồng của 09 công ty, 04 ngân hàng và 03 cá nhân bị cô ta lừa đảo, chiếm đoạt.
Còn sự nhẹ dạ, cả tin của các ngân hàng, tổ chức, cá nhân cô ta nhắm tới thì thật… khó hiểu. Chả thế, rút cục, cùng hầu tòa với cô ta, có tới hơn 20 bị cáo, 15 nguyên đơn dân sự (bị hại), 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Một người đàn bà nhỏ nhắn, trông rất bình thường, bỗng “nổi tiếng” trong một vụ án khổng lồ, kỳ lạ, cả quy mô, tính chất phức tạp chằng chéo lẫn thời gian xử kéo dài. Một vụ án hình sự nhưng hàm chứa rất nhiều án luật: Dân sự, kinh tế…, xen lẫn cả sự ranh ma lọc lõi lẫn nhẹ dạ cả tin, xen lẫn cả tiền lẫn tình cay đắng, cả tính chất tội phạm lẫn nạn nhân.
Đặc sắc nhất, đến ngay cả Bầu Kiên cùng ngân hàng ACB, một “cáo già” trong giới tài chính và cực kì khôn ngoan trong làm ăn, cũng bị Huyền Như lừa khéo tới 718 tỉ đồng, theo kiểu lời ăn, lỗ cùng… ở tù.
Ảnh: Mai Phượng |
Đàn bà vốn là phái đẹp, phái yếu. Nhưng một khi sa vào vòng tội lỗi, chân tướng họ cũng khiến cánh mày râu phải cúi đầu kính nể. Xã hội đã từng chứng kiến 04 “nữ quái” lừa đảo nghiêng nước nghiêng thành.
Một Bùi Thị Thu Hằng (Quảng Ninh) lợi dụng danh nghĩa bảo hiểm nhân thọ Prudential, lừa đảo chiếm đoạt 230 tỷ đồng của hơn 60 nạn nhân. Một Trương Thị Hải Yến - Chủ tịch HĐQT, Hiệu phó Trường THPT dân lập Phương Nam (Hà Nội), lừa đảo chiếm đoạt hơn 268 tỷ đồng.
Một Cao Bạch Mai (Đắk Nông) cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng. Một Nguyễn Huỳnh Thị Mỹ Ngọc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Bội (Đà Nẵng), lừa đảo, chiếm đoạt gần 144 tỷ đồng.
Dù vậy có lẽ, tất cả vẫn thua xa Huyền Như cả về “tài năng” lừa đảo, lẫn thủ đoạn táo tợn: Làm giả 08 con dấu của ngân hàng Vietinbank, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư, giả chữ ký của Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, làm giả hồ sơ mở tài khoản của khách hàng, giả lệnh chi, giả chữ ký chủ tài khoản, giả chữ ký của khách hàng trong việc lập và cầm cố thẻ tiết kiệm để vay tiền… Tất tật là giả, chỉ để chiếm đoạt tiền tươi thóc thật.
Có điều cần đặt ra câu hỏi: Cho dù đầy tham lam và cả sự tinh quái, ranh ma, tàn nhẫn, liệu Huyền Như có thành công hay không nếu không gặp cả… lòng tham của một số ngân hàng khác như ACB, Navibanhk…, khi thỏa thuận huy động vốn của các ngân hàng này với mức lãi suất cao- 14%/ năm, và chênh lệch ngoài hợp đồng từ 2,5%- 8,5% / năm. Nó cũng na ná thành ngữ kẻ cắp bà già gặp nhau. Và sự thật, mọi ký kết diễn ra ngoài Vietinbank. Đây chính là điểm gậy ông đập lưng ông…với các ngân hàng.
Liệu Huyền Như có thành công không nếu không gặp sự nhẹ dạ, cả tin đến tội nghiệp của một số cá nhân. Điển hình là người chị gái ruột- Huỳnh Mỹ Hạnh- một người bán trứng vịt lộn, bỗng chốc trở thành Phó Giám đốc Công ty Hoàng Khải- công ty “sân sau” do Huyền Như lập ra để tiếp tay cho sự lừa đảo. Giờ đây, trước án tù, người đàn bà tội nghiệp chỉ có ước mơ được trở về với bầu trời và quả trứng vịt lộn mà thôi.
Cả Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ), một đồng nghiệp của Huyền Như. Mới chân ướt chân ráo lên chức trưởng phòng đúng 01 ngày, chưa nắm rõ công việc, nhưng vì tin tưởng Huyền Như mà đặt bút ký duyệt khoản vay 25 tỷ. Cái chữ ký “phản chủ” đã khiến Thanh không chỉ bị sa thải, mà còn phải ra trước móng ngựa với tư cách bị cáo.
Liệu Huyền Như có thành công không nếu cô ta không “may mắn” gặp sự quản lý quá lỏng lẻo của chi nhánh Vietinbank, nơi cô ta công tác?
Đời cũng thật oái oăm. Ranh ma thế, liều lĩnh thế, nhưng rút cục Huyền Như lại trở thành “nạn nhân” thê thảm của tín dụng đen, của các kẻ cho vay nặng lãi có máu mặt: Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung, Phạm Văn Chí, với mức lãi suất từ 0,4% đến 1%/ngày.
Tín dụng đen khiến cho Huyền Như càng “đen” hơn, khi lũy tiến số nợ, tới hàng trăm tỷ đồng. Cứ như vậy, cô ta quay cuồng trong “vũ khúc” với đồng tiền vay nặng lãi, mà phần thua đến chóng mặt, rút cục cô ta… giật được. Không phải vô cớ, báo chí đã chỉ mặt những kẻ cho vay nặng lãi- mới thực sự hưởng lợi nhiều nhất.
Vụ án chưa vào hồi kết. Những tranh luận “nảy lửa” trước tòa giữa các bên khiến phiên tòa càng trở nên nóng. Không phải không có lý khi VKS bác bỏ yêu cầu của ACB, Navibank, hay Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty An Lộc…đòi Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả tiền. Bởi một phần nguyên nhân dẫn đến bị cáo Huyền Như thực hiện được hành vi chiếm đoạt trên xuất phát từ lòng tham của các đơn vị, cá nhân(VietNamNet, ngày 13/01).
Lòng tham đã khiến họ bất chấp những rủi ro, tham gia trò chơi “con bạc khát nước” với siêu lừa, mà không biết, sợi dây thòng lọng đang thít chặt cổ mình.
Lòng tham đó, tiếc thay, lại gặp được chất “xúc tác” khiến các “đối tác” của Huyền Như thêm mạo hiểm với chính sinh mệnh kinh doanh của mình. Người viết bài chú ý đến nhận xét của một giám đốc ngân hàng trả lời VnEconomy (ngày 14/01) khi cho rằng, tình trạng nhập nhoạng của thị trường, chính sách lãi suất và quản lý, giám sát hệ thống ngân hàng giai đoạn đó (2018-2011)- cũng chính là điều kiện đủ, là môi trường nảy sinh “lỗ kim” để “con voi” hàng nghìn tỷ đồng của Huyền Như chui lọt.
Sự tham gia đó cho thấy- tình trạng vượt lãi suất giai đoạn đó đã trở nên quen thuộc, trở thành một cách kinh doanh vốn trên thị trường, vừa nhàn nhã, vừa lãi nhiều. Chính bối cảnh thị trường mà chính sách, cơ chế quản lý đã góp phần “tạo ra nó” hoặc “không kiểm soát nổi nó”
Nhưng ở góc độ khác, quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế lại khác, khi cho rằng, VietinBank không thể trốn tránh trách nhiệm. Bởi Huyền Như là cán bộ được VietinBank tuyển dụng và bổ nhiệm, đại diện cho cơ quan thực hiện giao dịch với khách hàng.
Ts Nguyễn Minh Phong nhận định, cần phải điều tra xem, nếu Huyền Như hoàn toàn độc lập trong hoạt động lừa đảo, thì tội của VietinBank chỉ là một phần, do sơ xuất và kém cỏi chứ không phải là bắt tay, đồng lõa với Huyền Như. Nếu VietinBank dám làm một việc- truy tố Huyền Như làm giả mạo giấy tờ, thì mới chứng tỏ VietinBank vô tội, không đồng lõa. Đây là một ý kiến rất đáng chú ý.
Còn LS Luật sư Trần Anh Dũng, Công ty Luật TNHH Yulchon: Khách hàng chỉ biết Huyền Như là người thay mặt VietinBank thực hiện giao dịch với họ, chứ không phải cá nhân họ giao dịch với cá nhân Huyền Như.
Phía nào đúng, phía nào sai, còn chờ kết luận ngã ngũ của tòa. Rất có thể, kể cả sau kết luận của tòa án, vẫn sẽ có nhiều kháng nghị, khiếu nại.
Nhưng một khi lòng tham+ cơ chế nhập nhoạng+ quản lý lỏng lẻo thì rút cục “tham phí” của những kẻ tội lỗi, do ai trả đây?
* * *
II- Vụ án “siêu lừa” Huyền Như chỉ là một trong những vụ án đầu tiên, khởi đầu trong hàng loạt vụ “đại án” kinh tế, tham nhũng sẽ tiếp tục xử trong năm 2104.
Luật sư Trần Quốc Thuận. Ảnh: Tá Lâm |
Đặt trong bối cảnh quyết tâm chống tham nhũng của nước Việt, sẽ thấy sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đặc biệt về tinh thần. Nếu biết rằng, trong giai đoạn 2007-2013, cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can; xét xử 1.900 vụ với trên 4.300 bị cáo. Hiện tượng ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, liên tục đến theo dõi tại tòa cả hai vụ, đủ biết sự quan tâm đến những “đại án” như thế nào.
Chính các vụ đại án cho thấy có hai vấn đề luôn gắn bó hữu cơ chặt chẽ, và cũng là nguồn cơn sâu sắc, vô tình tạo ra mảnh đất mỡ màu để sự làm ăn bết bát, sự dốt nát, tham lam ngự trị. Đó là sự xơ cứng trong tư duy về thể chế kinh tế, và cơ chế quản lý kinh tế- chính trị- xã hội.
Mới đây, tại Hội nghị UBTƯMTTQ (VietNamNet, ngày 13.01), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã phải thẳng thắn nhìn nhận: Chắc chắn phải đổi mới theo hướng thị trường hóa, không áp đặt những ý muốn chủ quan mà phải tuân theo quy luật thị trường, mọi thành phần kinh tế đều phải được tiếp cận nguồn lực của đất nước một cách công bằng, bình đẳng.
Đó là quy chế để làm ra thể chế. Không phải cứ phân bổ để mấy ông DNNN chiếm hết tất cả .Ông giữ hết nhưng chắc gì ông đã làm tốt hơn? Tiếp cận nguồn lực phải công bằng, ai làm tốt nhất sẽ được làm để mang lại lợi ích cho đất nước.
Đây là vấn đề không mới, bởi tất cả các quốc gia văn minh, tiên tiến phát triển đều phải đi trên “con đường mòn ấy”. Vấn đề là nước Việt có muốn... “em chọn lối này” không thôi? Nếu tư duy kinh tế vẫn là thứ tư duy… ngoại cảm, và bảo thủ, sợ mất lập trường một cách mơ hồ. Mặt khác, tính “cát cứ” do phân cấp cho địa phương quá mạnh đã khiến cho kinh tế nước Việt có tới 63 nền kinh tế manh mún, còn cơ chế chúng ta làcho tiền cho những người không biết gì màquyết định, như lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Đến mức, tất cả đầu tư phát triển đều là vốn vay. Ngân sách của chúng ta chỉ để lo lương, an sinh xã hội chứ không có đồng nào để đầu tư. Mà vốn vay, thông qua các dự án, thì “ai cũng hiểu, kể cả chủ đầu tư cũng hiểu”, nó thất thoát ra sao…
Ở tất cả các vụ đại án đã xử, và những vụ đại án sắp xử, có bao nhiêu vụ mà “khổ chủ” không phải là tập đoàn, hoặc DNNN? Câu hỏi đó, liệu đã là một thực tế cay đắng, để cho nước Việt dũng cảm thay đổi tư duy kinh tế, và nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đất nước này cần sự minh bạch.
Sự minh bạch, cũng là một tiêu chí sống còn để chống tham nhũng, hạn chế bớt các vụ đại án. Bởi nếu không minh bạch, thì không bao giờ có thể chống được giặc nội xâm. Nói như Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, trả lời VietNamNet, ngày 13/01 mới đây: “Không vùng cấm, sẽ bắt được “cọp” tham nhũng”.
Ông Trần Quốc Thuận cho rằng, để đảm bảo không có “vùng cấm” như nghị quyết TƯ 4 nói, phải truy ra đến tận cùng về mặt trách nhiệm, chứ đừng làm nửa vời, sẽ chỉ làm người dân thêm ấm ức. Đơn giản hay khó còn phụ thuộc sự quyết tâm. Quyết tâm làm sẽ không có cản trở gì, không chừa bất cứ ai, không có vùng cấm nào thì trong thời gian tới thế nào cũng bắt được cọp chứ không phải chỉ… mèo con. Bởi quyền lực càng tuyệt đối (không có sự kiểm soát- KD), tham nhũng càng tuyệt đối.
Tuy nhiên, muốn có sự minh bạch, muốn diệt trừ tham nhũng thật sự hiệu quả, câu trả lời không nằm ở những phát ngôn ấn tượng, mà nằm ở hành động. Không còn cách nào khác, cần có sự đổi mới thể chế. Để cặp “song sinh” dân chủ và Nhà nước pháp quyền thực sự ra đời- như thông điệp của người đứng đầu Chính phủ vào ngày đầu năm mới 01/01/2014 gửi cho nhân dân. Cũng chính là tuyên ngôn hành động của nước Việt.
Điều đó, liệu có tạo nên niềm tin của người dân trong năm 2014 không?
Và liệu nước Việt có vượt được … vũ môn trong công cuộc thử thách đã khơi dậy- chống tham nhũng?
Chợt nhớ tên một bộ phim hoạt họa nổi tiếng: Hãy đợi đấy!
Theo Tuanvietnam