Đói nguyên liệu…
Thống kê cho thấy, trên toàn tỉnh Quảng Nam có hàng chục nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu lớn nhỏ. Riêng ở Chu Lai (Núi Thành) có tới 5-6 nhà máy và bình quân mỗi huyện có thêm một nhà máy. Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà máy mọc lên nhiều, thậm chí một huyện cấp phép đến hai nhà máy, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng để tồn tại.
Theo ông Nguyễn Duy Linh- Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đại Hiệp (Cụm công nghiệp Hòa An – Đại Hiệp – Đại Lộc), nhà máy chế biến dăm gỗ của công ty được đầu tư trên 25 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1.2013, công suất 30.000 tấn/tháng, nhưng hiện nay nhà máy đang sản xuất cầm chừng, vì thiếu nguyên liệu.
Vùng nguyên liệu chủ yếu của nhà máy là ở huyện Đại Lộc, Nam Giang và một phần của huyện Điện Bàn, Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Do không đủ nguyên liệu nên trung bình quân mỗi tháng nhà máy chỉ chế biến ¼ công suất thiết kế (chừng 7.500 tấn keo/tháng). Việc hoạt động không đảm bảo theo công suất thiết kế ban đầu khiến nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là áp lực từ lãi vay ngân hàng.
Ông Lê Văn Hiệu- Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Bình An Phú (Cụm công nghiệp Tài Đa, Tiên Phước), lo lắng: “Nhà máy của chúng tôi mới đi vào hoạt động từ tháng 6.2013 đến nay, bình quân công suất của nhà máy 45.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu ở Tiên Phước tương đối đảm bảo cho nhà máy hoạt động, tuy nhiên nếu như có thêm nhà máy nữa thì sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hiện nay, chúng tôi đang có phương án đầu tư trồng rừng để chủ động hơn nguồn nguyên liệu sau này…”.
Có nên tiếp tục cấp phép dự án?
Thực tế các tỉnh có ngành công nghiệp chế biến dăm gỗ phát triển mạnh ở miền Trung (như Bình Định, Quảng Ngãi…) cho thấy, việc cấp phép ồ ạt các nhà máy chế biến dăm gỗ đã dẫn đến nhiều hệ lụy. DN tại các tỉnh này thiếu trầm trọng nguyên liệu sản xuất nên nhiều nhà máy mua gỗ rừng trồng “tất tần tật”, ngay cả rừng chưa đúng tuổi cũng mua. Thậm chí, để có nguyên liệu duy trì hoạt động, nhiều DN cạnh tranh bằng cách nâng giá thu mua… Điều này giúp cho các hộ trồng rừng có lợi, nhưng DN thì gặp khó khăn, có khi phá sản bởi sức ép từ lãi vay ngân hàng, vốn lưu động…
Ông Nguyễn Văn Chín- Trưởng phòng NNPTNT huyện Quế Sơn thông tin, hiện nay trên địa bàn Quế Sơn đã có Nhà máy Chế biến dăm gỗ xuất khẩu Hoàng Anh Khôi đã đi vào hoạt động và cũng giải quyết được nhiều lao động tại địa phương. Hiện tại Quế Sơn có tổng diện tích rừng trồng trên 6.400ha và DN mua thêm tại các vùng lân cận khác sẽ đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, nếu mở rộng thêm quy mô, hay đầu tư nhà máy mới thì sẽ thiếu nguyên liệu.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang diễn ra khắp nơi ở Quảng Nam và tỉnh cũng đang ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Các ngành nghề ưu tiên là dệt may, giày da, chế biến nông lâm sản… Riêng đối với ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu thì, từ tháng 6.2013, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương cân nhắc kỹ trước khi cấp phép đầu tư mới và mỗi huyện có một nhà máy để gắn kết các vùng nguyên liệu, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài cho các nhà máy đã đầu tư hoạt động ổn định …
Các chuyên gia trong ngành gỗ và lâm sản cho rằng, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu của miền Trung nói chung, cũng như DN trên địa bàn Quảng Nam nói riêng, các địa phương cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng vùng nguyên liệu trước khi cấp giấy phép cho nhà máy mới hoạt động. Điều này sẽ giảm bớt áp lực rủi ro của ngành cũng như các DN đang hoạt động trên địa bàn. Bởi, hiện vẫn có một số DN đang xin giấy phép tiếp tục xây dựng nhà máy mới...
Theo Dân Việt