Người trồng mía xin ở tù vì bại sản

Thứ tư, 15/01/2014, 09:44
Dốc toàn bộ vốn liếng và công sức vào 300ha đất trồng mía trong suốt 3 năm, 9 gia đình ở Bến Lức (Long An) không những không thu được gì, mà còn rơi vào cảnh tán gia bại sản, nợ nần chồng chất. Vài người đã xin được đi tù vì không còn khả năng chi trả…
Bỏ của chạy lấy người
Năm 2007, Cty Việt Việt Ấn (tổ 2, khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) về xã Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), thuê 300ha đất trồng mía cho Cty mía đường Ấn Độ (NIVL, trụ sở tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An).
Do vùng đất này nhiễm phèn, lại chịu ảnh hưởng của nước lũ nên Cty Việt Việt Ấn chỉ phải trả cho nông dân 3 triệu đồng/ha trong 10 năm đầu. Từ năm thứ 11 trở đi, Cty sẽ tính mức trượt giá để trả tiền thuê đất.
Bà Ngô Thị Mỹ (60 tuổi) tán gia bại sản vì cây mía và giờ vẫn phải đi làm thuê kiếm sống cùng con trai Lê Hồ Đăng Duy.

Thuê đất xong, công ty “mẹ” là NIVL đã cử các chuyên gia Ấn Độ đến Mỹ Bình lên liếp trồng mía. Toàn bộ diện tích 300ha được công ty đắp đê bao kiên cố, trồng cây chống sạt lở. Giữa vùng đất tràm và bạch đàn, các chuyên gia ngoại quốc tin rằng cây mía sẽ phát triển xanh tốt. Thế nhưng, liên tục 3 năm, không có cây mía nào được thu hoạch, bởi mía cứ cao ngang ngực người là héo dần rồi chết.

Đến năm 2010, tổng số tiền mà Cty NIVL đổ vào đồng mía Mỹ Bình lên tới 20 tỉ đồng mà Cty không thu về được đồng nào. Các chuyên gia Ấn Độ và kỹ sư nông nghiệp của Việt Nam đều bó tay, buộc phải bỏ đất. Người của công ty “bỏ của chạy lấy người” trong khi hợp đồng thuê đất với dân lên đến 20 năm nên lãnh đạo công ty NIVL kêu gọi hợp tác đầu tư từ bên ngoài.

Thời điểm này, 9 nông dân trồng mía thuộc diện “lão làng” ở 3 huyện là Bến Lức, Thạnh Hóa và Đức Hòa nghe nói có 300ha đất đã lên liếp sẵn, lại nằm trong đê bao nên háo hức đi xem. Ngay trong năm 2010, các gia đình này ký hợp đồng “giao khoán sản phẩm mía đường” với Cty Việt Việt Ấn do bà Nguyễn Thị Nga - chức vụ GĐ - làm đại diện.
Theo đó, cứ mỗi hécta nhận khoán, phía Cty Việt Việt Ấn sẽ đầu tư cho nông dân 30 triệu đồng, nông dân tự đối ứng phần còn lại để trồng vụ mía mới (mỗi hécta khoảng 50 triệu đồng). Hợp đồng quy định, mỗi năm các nông dân sẽ trả lại cho công ty tiền thuê đất, đồng thời trả lại chi phí mà công ty đầu tư ban đầu tính bằng mía khi đến kỳ thu hoạch.
Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, các nông dân này càng lúc càng ngập sâu trong nợ nần khi 300ha đất trồng mía đã biến thành đất chết!
Nông dân nợ lút đầu

Ông Lê Văn Bảo (64 tuổi, ngụ ấp 9, xã Mỹ Bình, huyện Bến Lức) kể, năm 2010, gia đình ông đã có căn nhà khang trang, tích lũy được một số vốn vài trăm triệu đồng và mấy hécta trồng mía ở Bến Lức. Ham đất, ông Bảo lấy ngay giấy đỏ thế chấp cho Cty Việt Việt Ấn để được nhận tiền giao khoán.

Do đăng ký đến 50ha đất khoán, nhận tương đương 1,5 tỉ đồng trong khi giá trị tài sản lại không đến, nên ông Bảo và vợ là bà Ngô Thị Mỹ mượn thêm giấy đỏ của em gái bà Mỹ là Ngô Thị Thanh Thúy giao cho công ty.

“Tôi có gần 50 năm trồng mía nên rất tự tin sẽ trồng được mía ở xã Mỹ Bình. Nhận đất xong, vợ chồng tôi liền cho trồng mía, gia cố lại đê bao. Chúng tôi cứ trồng ròng rã suốt nhiều tháng. Khoảng tháng 5.2011, các hộ dân nhận khoán ai cũng vui mừng khi thấy đồng mía lớn nhanh, xanh rì trước gió. Đến tháng 8 thì vùng này vào mùa nước nổi.

Chúng tôi hết sức bất ngờ khi đê bao vững chãi là thế nhưng nước từ ngoài vẫn thấm qua chân đê. Các hộ dân bắt đầu bỏ tiền ra mua máy bơm nước để chống ngập cho mía” - ông Bảo nhớ lại.

Thế nhưng, các hộ dân càng lúc càng lo lắng khi phát hiện nước lũ không chỉ thấm qua chân đê mà còn trào lên từ giữa cánh đồng. Để chống chọi với “giặc nước”, vợ chồng ông Bảo mua cùng lúc 6 máy bơm cỡ lớn để hút nước ra. 6 máy bơm không xuể, ông Bảo múa thêm 3 máy, rồi lại 3 máy nữa. Chỉ tính riêng ruộng mía của ông Bảo, cùng lúc 12 máy bơm phải chạy ngày chạy đêm, cứ 2 ngày tốn hết 10 triệu đồng tiền dầu.

Bà Ngô Thị Mỹ (60 tuổi) phải đi làm thuê kiếm sống.
Cánh đồng chết Mỹ Bình.

Ở những ruộng mía kề bên, các ông Huỳnh Văn Hiện, Cổ Văn Hòa, Mai Tiếng Dũng, Phạm Văn Châu, Ngô Thế Khải... cũng tập trung tiền bạc mua thêm hàng chục cái máy bơm nhằm cứu đồng mía. Ông Nguyễn Thanh Tân kể: “Cây mía lúc này đã cao ngang ngực rồi, nếu bỏ là đổ nợ nên tất cả chúng tôi đều cố sức cứu mía. Cả cánh đồng lúc nào cũng ầm ầm tiếng máy nổ nhưng chúng tôi chỉ cầm cự được chưa đầy 2 tháng.

Giữa tháng 10 là đỉnh lũ, không biết có phải đồng mía này nằm trên bãi than bùn, đất không có chân hay sao mà nước cứ từ giữa đồng trào lên. Khi toàn bộ đồng mía chuyển sang màu vàng thì chúng tôi buông tay vì biết chắc mía đã chết hết”.

Không nản lòng, những hộ dân này lại gom góp vốn liếng, vay ngân hàng, mượn người thân để có vốn tiếp tục trồng mía. Bà Ngô Thanh Thúy (em ruột bà Ngô Thị Mỹ) lặn lội lên tận đồng mía Mỹ Bình xem anh chị làm ăn ra sao. Thấy mía chết, thương anh chị, bà Thúy gom tiền dành dụm được 550 triệu đồng để anh chị làm tiếp.

Tương tự, ông Cổ Văn Hòa, ông Mai Tiến Dũng và nhiều người khác do lâu nay làm ăn quá uy tín, anh em trong nhà “thấy chết không thể không cứu” nên cũng chạy tiền cho mượn để họ làm lại vụ mía mới. Thế nhưng, cảnh cũ lặp lại khi mùa lũ 2012 tiếp tục làm toàn bộ diện tích mía bị chết. “Càng làm càng chết, nhưng điều làm chúng tôi áy náy không yên là những người thân của chúng tôi cũng “chết” theo vì toàn bộ vốn liếng đã hết sạch.

Như gia đình tôi, giờ nợ Cty Việt Việt Ấn 1,5 tỉ đồng, nợ em vợ 550 triệu đồng, rồi nợ ngân hàng, nợ cửa hàng vật tư nông nghiệp. Cả 9 nông dân trồng mía, ai cũng nợ lút đầu” - ông Lê Văn Bảo buồn rầu kể.

Cùng đường!

Không chỉ làm người thân “chết” theo đồng mía, con cái của các hộ dân trồng mía cũng rơi vào cảnh khổ. Trường hợp em Lê Hồ Đăng Duy (sinh năm 1993, con bà Mỹ), năm 2011 đang học phổ thông, thấy nước ngập chết mía đã bỏ học phụ cha mẹ cứu mía, giờ mía không còn, Duy phải đi làm thuê.

em Huỳnh Thế Anh (sinh năm 1990, con ông Huỳnh Văn Hiện), vừa học xong trung học ngành y, xin được việc ở một bệnh viện, phải bỏ việc về đồng mía giúp cha mẹ, giờ cũng thành nông dân. Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn S sau khi thua lỗ hết tiền, chủ nợ đòi rát không dám về Bến Lức nên 2 vợ chồng sống trong cái chòi lá cất tạm trên bờ kênh Mỹ Bình, 7 đứa con của ông S giờ sống cảnh tự lo nhau theo kiểu “đứa lớn lo đứa nhỏ”.

Cho đến nay, riêng số tiền 9 nông dân nợ công ty Việt Việt Ấn cũng đã gần 10 tỉ đồng, chưa tính nợ bên ngoài. Cty Việt Việt Ấn không có tiền nên dẫn đến việc nợ tiền thuê đất của 135 hộ dân xã Mỹ Bình khiến những hộ này khổ theo, phải khiếu nại đòi tiền và thanh lý hợp đồng.

Đại diện Cty Việt Việt Ấn, rồi Cty NIVL đã nhiều lần đến xã Mỹ Bình thương lượng với dân, năn nỉ bỏ bớt một số khoản phải thanh toán khi thanh lý hợp đồng, nhưng các cuộc thương lượng đều bất thành. “Không có tiền trả dân, chúng tôi cũng nhiều lần gặp 9 hộ nhận khoán để lấy lại tiền, nhưng giờ họ cũng không còn đồng nào để lấy.

Đành rằng giấy đỏ của họ chúng tôi đang giữ, nhưng nhà cửa của họ dính liền với đất, nếu phát mãi tài sản của họ thì chẳng khác nào đẩy 9 gia đình ra đường. Ngoài nghiệp nông dân, họ đâu còn nghề gì để sống nên thực sự chúng tôi đang rất rối” - ông Nguyễn Thanh San - Giám đốc Cty NIVL - nói.

Ngày 31.12.2013, các hộ dân tại Bến Lức đã có buổi làm việc với ông Chandra Sekaran - Phó GĐ Cty NIVL - tại trụ sở UBND xã Lương Hòa để bàn việc thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ thống nhất được nội dung là các hộ dân đồng loạt trả lại đất để công ty trả lại cho 135 hộ dân ở Mỹ Bình. Riêng khoản tiền mà Cty đã ứng cho nông dân, vẫn chưa tìm được cách giải quyết.

Tại buổi làm việc, bà Ngô Thị Mỹ và Nguyễn Thị Năm (vợ ông Châu - đã chết) xin được đi tù, vì nếu phát mãi ngay tài sản của họ để trả nợ thì mọi người cũng không còn đường sống. 7 người còn lại cũng có “nguyện vọng” đi ở tù vì lý do tương tự. Hiện 9 hộ dân nhận khoán không ai còn vốn sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống hằng ngày.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh San cho biết, dù biết rằng 9 gia đình trên đã vào bước đường cùng nhưng bản thân ông cũng không biết cách nào để cứu họ. “NIVL là công ty cổ phần, còn tôi là giám đốc làm thuê. Tôi chỉ biết trình bày với các lãnh đạo bên Ấn Độ tình hình khó khăn của nông dân, thẩm quyền giải quyết cuối cùng vẫn là của những ông chủ”.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn