Ai “lừa” ông Phạm Trung Cang?

Thứ sáu, 14/02/2014, 17:08
Ông Phạm Trung Cang, do không có kiến nghị hủy bỏ chủ trương uỷ thác cho nhân viên gửi tiết kiệm, gây thiệt hại gần 720 tỷ đồng của ngân hàng ACB, nên, bị liên đới trách nhiệm.

Cơ quan công tố xác định, ngày 22/3/2010, tại cuộc họp thường trực của ngân hàng ACB, các thành viên thường trực HĐQT là: Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, đã ký tên vào Biên bản cuộc họp thường trực với nội dung “Đồng ý uỷ thác cho các cá nhân để gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng...”

phạm trung cang

Mặc dù ngày 31/12/2010, ông Cang xin thôi giữ chức danh thành viên HĐQT và được chấp thuận của lãnh đạo ngân hàng này, tuy nhiên, việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm gây thiệt hại số tiền gần 720 tỷ đồng, xảy ra tại thời điểm Phạm Trung Cang còn là thành viên HĐQT Ngân hàng ACB, nên ông Cang phải chịu trách nhiệm liên đới.

Bên cạnh đó, ông Phạm Trung Cang còn có hành vi thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các bị can Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của bị can Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 687 tỷ đồng.

Nhớ lại năm 2009, trên Giai phẩm ACB xuân Kỷ Sửu, nhà báo Huy Đức đặt câu hỏi “ACB giờ đây được coi như là hình ảnh của sự thành công, có bao giờ ông thử tìm cách lý giải cho sự thành công đó?”.

Lý Xuân Hải, khi đó là tổng giám đốc ACB, đã mượn lời ông Cang: “Tụi tôi đều là dân làm ăn thành đạt, không ai gạt được đâu.”

“Có thể nói thành công của ACB là thành công của những cổ đông sáng lập, những con người đã thành danh thời ấy.”- ông Hải khẳng định.

Cũng theo Lý Xuân Hải, “Những  con  người  cụ  thể  như  Trần Mộng  Hùng,  Nguyễn  Đức  Kiên, Phạm Trung  Cang,…  đều  là  những  con  người có cá tính, họ là xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, họ giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập, họ là người tạo nên văn hóa và cá tính của ACB.”

Câu chuyện của Lý Xuân Hải, cho thấy thái độ tự tin của ông Phạm Trung Cang và đội ngũ lãnh đạo ngân hàng ACB. Thời điểm đó, ACB đang “cực thịnh”, ông Cang đang giữ nhiều chức vụ quan trọng và thành công trên nhiều “mặt trận”.

Có tấm bằng cử nhân Kinh tế cuối những năm 1970, ông Phạm Trung Cang bắt đầu kinh doanh ngành nhựa. Đi lên từ việc gia công chế tạo những chiếc lốp xe, bao bì nhựa.... có lúc trắng tay, phải gây dựng lại sản nghiệp, ông Cang “thuộc làu” những ngón nghề thương trường.

Kinh tế mở cửa cũng là lúc ngành ngân hàng “ăn nên làm ra”, ông Phạm Trung Cang cùng Nguyễn Đức Kiên, Trần Mộng Hùng, Trịnh Kim Quang... đồng sáng lập ngân hàng Á Châu.

Là chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của ngân hàng Á Châu và là phó chủ tịch từ năm 1994 đến đến 2010, ông Cang cũng giữ chức vụ Tổng giám đốc điều hành trong ba năm, từ năm 1999 đến năm 2001.

Trong thời gian lãnh đạo của mình, ông Cang đã đưa ACB lọt TOP ngân hàng tốt nhất Việt Nam trên tạp chí Global Finance, thành lập Công ty chứng khoán ACBS, vận hành hệ quản trị nghiệp vụ ngân hàng, khai trương Trung tâm giao dịch địa ốc ACB Sài Gòn..

Những thành công đó của ông Phạm Trung Cang giờ đây đã trở thành kí ức đẹp của những người đã từng biết đến ông. Bởi, hiện tại, ông Cang đang phải đổi mặt với tội danh“Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì hành vi: Tham gia chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng.

Trách nhiệm liên đới của ông Cang trong việc Ngân hàng ACB ủy thác tiền gửi vào Vietinbank, gây thiệt hại số tiền gần 720 tỷ đồng và các liên quan khác sẽ được pháp luật làm rõ trong phiên tòa sắp tới. Tuy nhiên, như ông Cang nói “Tụi tôi đều là dân làm ăn thành đạt, không ai gạt được đâu.”, ông Cang sẽ không dễ bị “gạt” nếu ông không “cố ý” bị “gạt”!

Theo Seatimes

Các tin cũ hơn