Hãng sản xuất thức ăn nhanh lớn nhất thế giới McDonald’s hôm 8/2 đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, phục vụ 24/24 giờ thông qua đối tác nhượng quyền là Công ty Good Day Hospitality. Chỉ trong ngày đầu mở cửa, McDonald’s thu hút gần chục ngàn khách. Thương hiệu này cũng không giấu tham vọng sẽ mở 100 cửa hàng trong 10 năm tới tại Việt Nam.
Tiềm năng rất lớn
Hiện gà rán KFC (Mỹ) là thương hiệu thức ăn nhanh có nhiều cửa hàng và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Năm 1997, KFC đã khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP.HCM và đến nay, mạng lưới của thương hiệu thức ăn nhanh này lên tới 135 nhà hàng tại hơn 19 tỉnh, thành phố.
Xếp hàng mua thức ăn nhanh tại cửa hàng McDonald’s ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 12/2). |
Tương tự, từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 10/2012, đến nay, chuỗi cửa hàng hamburger Buger King đã lên đến con số hàng chục tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Burger King hoạt động tại Việt Nam thông qua Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Cánh diều xanh thuộc Tập đoàn Imexpan Pacific làm đối tác nhượng quyền chính. Công ty này dự kiến đầu tư khoảng 40 triệu USD cho hoạt động kinh doanh của Burger King tại Việt Nam và sẽ tăng hơn nữa nếu tìm được mặt bằng chiến lược.
Bà Đỗ Mỹ Hạnh, Trưởng Phòng Kinh doanh phụ trách phát triển hệ thống nhà hàng BBQ Việt Nam, cho rằng KFC và Lotteria xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm nay đã tạo ra thói quen tiêu dùng thức ăn nhanh trong người dân. Mỗi thương hiệu cũng nắm được thị phần ổn định, có chiến lược để giữ và mở rộng thị phần. Vì thế, việc xuất hiện thêm các thương hiệu với mô hình không có gì mới lạ thì khó ảnh hưởng lớn đến các thương hiệu khác, có chăng chỉ là cạnh tranh về địa điểm “vàng” đặt cửa hàng.
Trong khi đó, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định đây là thị trường rất tiềm năng. McDonald’s, KFC, Burger King, Lotteria, Pizza Hut, Jollibee… đổ về Việt Nam với những chiến lược phát triển quy mô cho thấy tiềm năng còn rất lớn.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cũng chung đánh giá: “Nhiều nghiên cứu chỉ ra đà tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh Việt Nam khá lạc quan và sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ 15% trong năm 2014. Do vậy, vẫn còn đất cho các thương hiệu ngoại. Sự xuất hiện của các gương mặt mới đương nhiên sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là hệ thống phục vụ bán lẻ, phục vụ kinh doanh đồ ăn theo hướng phải tốt hơn, giá rẻ hơn. Doanh nghiệp (DN) nào không cạnh tranh nổi phải chấp nhận chia sẻ thị phần, lợi nhuận”.
Vì sao doanh nghiệp nội đứng ngoài cuộc?
Trong khi các thương hiệu thức ăn nhanh hàng đầu thế giới tràn vào Việt Nam thì các DN trong nước vẫn tỏ ra thờ ơ. Chuyên gia Hoàng Tùng nhận xét: DN Việt rất chậm chân trong lĩnh vực phát triển các thương hiệu ăn nhanh của Việt Nam. Có thể các DN coi thị trường ăn nhanh so với thị trường ẩm thực nói chung vẫn còn nhỏ, nhiều người vẫn thích đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực nói chung hơn là xoáy sâu vào thị phần thức ăn nhanh. Ví dụ, KFC phải mất tới 7 năm kinh doanh thua lỗ tại Việt Nam rồi mới trụ vững, cho nên hiếm DN nào có thể đủ tiềm lực chạy cuộc đua đường dài như vậy.
Ngay thị phần cung cấp nguyên - phụ liệu, thực phẩm..., DN Việt cũng chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng. Hiện số lượng DN cung cấp rau củ quả, thịt gà, thịt heo cho các thương hiệu thức ăn nhanh ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Burger King cho biết 100% thịt bò họ phải nhập từ Úc. McDonald’s cũng vậy, thịt heo và khoai tây thì nhập từ Mỹ, chỉ có rau tươi và cà chua lấy từ Việt Nam…
Đến nay, chỉ có mặt hàng bánh mì tròn của Công ty CP Bánh kẹo Á Châu (ABC) chen chân vào được một số cửa hàng thức ăn nhanh. Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC, cho biết mới đây, công ty đã nhập về máy sản xuất bánh mì theo tiêu chuẩn quốc tế hiện đại để phục vụ cung cấp bánh mì cho McDonald’s.
Theo bà Đỗ Mỹ Hạnh, hệ thống nhà hàng BBQ đang phải nhập khẩu 50% nguyên liệu nước ngoài; 50% nguyên liệu còn lại do các DN trong nước cung cấp, chủ yếu là gà, rau, củ, quả tươi. Sở dĩ nguồn nguyên liệu trong nước rất hạn chế bởi việc quản lý chất lượng sản phẩm ở Việt Nam chưa tốt; không có nhiều nhà cung ứng lớn, đủ năng lực về số lượng và chất lượng. “BBQ và hệ thống nhà hàng Lotteria ở Hà Nội đang phải nhập thịt gà từ cùng một nguồn, rất dễ bị áp lực về giá cả mà không có sự lựa chọn nào khác vì số DN cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn rất ít” - bà Hạnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, hệ thống cung ứng thực phẩm ở các nước theo chuẩn công nghiệp hóa hiện đại nên giá thành nguyên liệu thấp. Ngược lại, trong nước, chuỗi cung ứng sản phẩm chưa chuẩn, chưa đồng nhất từ sản xuất đến tiêu thụ nên không thể chen chân vào chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh. Và cuộc chơi nếu có cũng chỉ dành cho các DN nội địa mạnh.
Ông Hoàng Tùng thì cho rằng không hẳn DN Việt hoàn toàn đứng ngoài chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các thương hiệu thức ăn nhanh ngoại bởi những thương hiệu nhượng quyền lớn sẽ buộc các DN mua nhượng quyền tại Việt Nam phải đặt hàng một số nguyên liệu chủ đạo từ công ty chủ quản để bảo đảm chất lượng. Đó là điều bắt buộc và cũng là một trong những nguồn thu lớn của các nhà nhượng quyền.
Vẫn còn cơ hội
Hiện nay, nguyên liệu nội địa sử dụng trong các sản phẩm của KFC chỉ chiếm khoảng 30%, Dunkin’ Donuts khoảng 20%, các nhãn hàng khác nhập khẩu nguyên liệu là chủ yếu. “Bất kể tập đoàn nước ngoài nào khi vào thị trường nội địa đều mong muốn tận dụng nguồn nguyên vật liệu tại chỗ để tiết kiệm chi phí, thuận tiện trong thu mua nhưng thực tế sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được. Vẫn còn cơ hội cho DN trong nước nếu biết tận dụng làn sóng thương hiệu ngoại đổ bộ mạnh mẽ bằng việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm của mình từ sản xuất, chế biến, đóng gói đến việc trau chuốt thương hiệu” - TS Nguyễn Minh Phong nói. |
Theo NLĐ