Dẹp bỏ tự ti để lớn lên
Lần này đến với anh, chúng tôi dự định chỉ nhằm để nghe những phát kiến của anh về hàng Việt, về người Việt dùng hàng Việt và những dự định của Trung Nguyên trong năm con ngựa tới đây. Nhưng khi tiếp cận, thì vẫn cứ như bao lần, anh lại tuôn trào những suy tư về văn hóa Việt, về khát vọng chinh phục thế giới của dân tộc Việt. Với anh Vũ, chuyện người Việt dùng hàng Việt cũng chỉ là một thứ tư duy khu trú.
“Phải vứt bỏ cái tư duy khu trú đó đi, thì dân tộc Việt mình mới có thể vươn ra được. Sao lại không đặt ra là ‘người nước ngoài dùng hàng Việt’? Đất nước này, dân tộc này đâu có thiếu các điều kiện để bay cao, vươn xa, và lẽ ra chúng ta đã làm được điều đó từ lâu rồi!”, anh quắc mắt nhìn lên, sáng bừng những tia nhiệt huyết.
Trong câu chuyện dài miên man, anh Vũ lại nói đến triết lý cà phê, nói về minh triết Việt, về vận mệnh quốc gia dân tộc. Có thể nói, hiện anh Vũ đang “sở hữu” một hệ thống triết lý khổng lồ, nhưng chung quy lại có thể thấy điểm cốt lõi đó là khát vọng đưa Việt Nam ra thế giới với hình ảnh một quốc gia dân tộc hùng cường.
Theo Đặng Lê Nguyên Vũ, đất nước và con người, dân tộc Việt Nam có đủ các yếu tố để trở thành một quốc gia hùng mạnh không thua kém bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào. Nhưng điểm yếu nhất của người Việt là tính vừa tự mãn, vừa tự ti. Tự mãn thì hài lòng và không còn động cơ phấn đấu. Còn tự ti thì thấy mình luôn thua sút, chẳng dám lao ra thương trường cọ xát. Vì vậy mà, ta cứ mãi ì ạch đi sau các quốc gia khác trong cuộc trường chinh này.
“Tại sao có người giàu - người nghèo? Tại sao có quốc gia hùng mạnh, lại có quốc gia èo uột? Việt Nam ta đứng ở đâu khi các điều kiện về địa lý, tài nguyên, con người... đều không hề thua kém các nước khác, thậm chí có những điều kiện thuận lợi, lý tưởng mà không phải quốc gia nào cũng có. Vậy thì tại sao?”,Vũ nói.
Hỏi, rồi chính Vũ cũng đưa ra câu trả lời. “Chỉ khi dám vứt bỏ cái suy nghĩ tự ti đó đi thì mới lớn dậy được”, anh nắm tay thành hình nắm đấm, dằn chặt trên mặt bàn.
Vũ cho rằng, nếu không có kẻ thù lớn thì không có quốc gia dân tộc vĩ đại được. Cũng như, chỉ có dám bước vào cuộc chơi với những ông lớn thì mới có thể trở thành ông lớn có vai vế ngang hàng.
Có thị trường ở 60 nước, thường xuyên đi ra nước ngoài, nên với Đặng Lê Nguyên Vũ, bán hàng hiện giờ không chỉ còn là việc bán hàng đơn thuần mà phải xây dựng được từ trong ý thức, đó là đưa văn hóa Việt ra với thế giới, hòa nhập thế giới và tạo nên một sức mạnh chinh phục thế giới!
Hàng Việt ra thế giới không chỉ để bán hàng
Nhân loại đã đúc kết, một quốc gia hùng mạnh không chỉ ở binh hùng tướng mạnh hay kinh tế vượt trội, mà chính là một quốc gia có nền văn hóa mạnh. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, một quốc gia có nền văn hóa yếu dần dần sẽ bị quốc gia khác thôn tính.
Chính vì lẽ đó, theo Đặng Lê Nguyên Vũ, điều căn cốt để có một nước Việt, một dân tộc Việt hùng mạnh là phải tạo dựng, kiến thiết được một nền văn hóa Việt đặc sắc, đủ vững mạnh để chống lại sự xâm thực bởi các nền văn hóa khác.
Đã không ít người từng cho rằng, ông chủ cà phê Trung Nguyên tự cao tự đại hoặc điên rồ khi dám tuyên bố rằng tất cả “chỉ còn là cà phê”. Bởi theo anh, với một hành tinh có 3 tỷ tín đồ của thứ nước uống kích thích sức sáng tạo này, nhân loại sẽ thân thiện với nhau hơn bằng một thứ ngôn ngữ văn hóa chung đó. Chính vì lẽ đó mà anh đưa ra ý tưởng và quyết tâm xây dựng Buôn Mê Thuột thành thủ phủ cà phê của thế giới, là nơi quy tụ tinh hoa của văn hóa cà phê.
Bởi, khởi sự với cà phê, ban đầu cũng chỉ là một con đường sống, thoát nghèo. Nhưng qua bao nhiêu năm tháng ăn ngủ cùng cà phê, anh nhận ra rằng, trong những hạt đăng đắng be bé kia là tiềm ẩn những giá trị tinh thần sánh ngang trời đất mà anh gọi là “tạo hóa ban cho”. Và, cái may mắn của người Việt là điều tạo hóa ban cho đó lại rơi đúng vào dải đất hình cong chữ S này.
Chỉ khi ngồi với Đặng Lê Nguyên Vũ, nghe anh nói về cà phê, triết lý về cà phê, mới cảm được, hiểu được cái giá trị mà Vũ gọi là “cà phê triết Đạo”. Nó vượt lên trên cái vật chất cà phê thông thường để hướng tới một tinh thần minh triết, mà theo anh, đó mới chính là điều con người cần hướng tới. Nó vừa là khẳng định một vị thế văn hóa Việt, vừa là một phương thức hội nhập để dẫn dắt một Việt Nam đi đến tương lai một dân tộc hùng cường, mà theo anh gọi đó là “con đường Việt Nam”.
Nhưng không phải Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ nói, mà anh làm đi đôi với lời nói. Chính vì tâm niệm trên mà từ chục năm qua, Vũ luôn lăn lộn miệt mài để đưa cà phê Trung Nguyên ra với thế giới, và hiện nay sản phẩm này đã có mặt ở 60 quốc gia. Nếu hiểu hết tâm tư của ông chủ Trung Nguyên, người ta sẽ hiểu được việc anh làm không chỉ là để bán hàng. Mà bán hàng kiểu như Vũ, là vì một mục đích cao hơn, xa hơn.
Không chỉ muốn văn hóa Việt được trưng bày ra thế giới, mà anh còn muốn “xâm thực” văn hóa Việt vào các quốc gia, đem tầm ảnh hưởng của Việt Nam vào các quốc gia khác. “Văn hóa phải đi trước, bằng nhiều con đường, trong đó có con đường là hàng hóa. Vậy nên rất cần một ý thức khi đưa hàng Việt ra thế giới, phải gắn với yếu tố văn hóa Việt. Điều này những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản đã thành công, tại sao Việt Nam với một tiềm lực có thừa, lại không thể?”, Vũ suy tư.
Đặt tương lai vào lớp trẻ
Bất ngờ, tại gian phòng ấm áp hương cà phê ban mai, chúng tôi được nghe bản nhạc do chính tay anh viết lời. Một đêm giữa canh khuya, những tâm niệm cứ trăn đi trở lại khiến anh không ngủ được. Và anh bật dậy. Như mạch nguồn lâu nay ứ đọng, những dòng cảm xúc dâng lên, và ngôn từ cứ thế cuồn cuộn tuôn trào.
“Hỡi những người con của Rồng Tiên đã đến lúc chúng ta xiết tay kề vai
Đội trời đạp đất vượt trùng khơi nghe tiếng trống Đông Sơn như còn đây
Để tương lai rạng rỡ trên khuôn mặt em thơ
Để non sông gấm vóc sáng tươi bao hùng cường
Hãy tiến lên! Hãy tiến lên!
Vượt qua mọi chông gai, rộng mở cánh chim tự do
Vượt qua bao gian khó để tới trời cao rộng bay
Đường thênh thang ta bước, rực cháy ước mơ ngày mai
Không gì là không thể khi chúng ta cùng chung một con đường vĩ đại: Con đường Việt Nam!”
Cứ thế, dòng cảm xúc tuôn chảy, ngân nga trong lòng anh. Và có lẽ cũng phải là người rất thấu hiểu tâm huyết của ông vua cà phê mà thế giới đã tặng cho biệt danh này, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng đã có một giai điệu hành khúc với nhịp đi hùng tráng. Phần nhạc quyện chặt với phần lời, âm vang, thôi thúc, khiến người ta cứ phải muốn đạp tung giường chiếu hẹp, bật lên, làm một cái gì đó, chứ không thể ngồi yên.
Bản nhạc này, Vũ quyết định đưa vào với chương trình “Hành trình khát vọng Việt”, mà ngay tại hôm nay đây đang khởi động rầm rộ với trọng tâm là cuộc thi “Sáng tạo tương lai” với sự tham gia của hơn 30 trường đại học trên cả nước, đại diện cho 2,3 triệu sinh viên Việt Nam. Theo Vũ, lớp trẻ này chính là lực lượng chủ chốt gánh vác sứ mệnh tương lai của đất nước.
Với ông chủ Trung Nguyên, lực lượng này cũng là đối tượng chiếm sự suy tư, trăn trở nhất trong anh. Hiện nay lớp trẻ vẫn còn thiếu tự tin, và chưa xác định được việc định hướng, lập chí cho mình. Theo Vũ, có 3 yếu tố rường cột để hình thành một tư duy chiến lược hoàn hảo. Đó là động lực, năng lực và nguồn lực.
Hiện năng lực, nguồn lực thì ta đã có nhưng vì tính tự ti khiến thanh niên không nhận ra mình, nên họ hoàn toàn không có động lực. “Thanh niên hiện tại khó lập chí vì họ không tin vào năng lực của mình, mà họ lại tin vào số phận. Giờ phải làm thế nào để đánh bật những tư tưởng tự ti đó ra. Cần có người thúc đẩy, thổi lửa cho họ”,anh nói.
Theo Vũ, thế giới hiện nay vừa là nguy cơ nhưng cũng vừa là thời cơ nếu biết xem đó là cơ hội. Trong khi đó, Việt Nam với một vị trí địa chính trị quan trọng, và quốc gia có diện tích lý tưởng, tức Thiên thời và Địa lợi đã có. Kể cả, hiện Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, tức về con người - nguồn lực cũng đã sẵn.
Vấn đề là làm sao đánh thức được cái tinh thần lập chí nơi thanh niên để hình thành yếu tố “Nhân hòa”, là đủ 3 yếu tố để nắm bắt “thời cơ vàng” này. “Tôi tin thanh niên Việt Nam đủ sức để làm được điều đó. Nhưng cần có một người thổi lửa, thúc đẩy họ, kích hoạt sự tự tin và động lực của họ”,anh nói.
Như chất cà phê đã khơi đúng mạch nguồn, dòng suy tư của Vũ cứ thế tiếp tục tuôn trào. Có lúc anh vung tay lên dữ dội, hoặc nắm chặt thành nắm đấm, đấm mạnh xuống mặt bàn. Nhưng cũng chợt có lúc anh lại lặng đi, mắt nhìn ra xa xăm. Tuy có bâng khuâng, nhưng tôi vẫn nhìn thấy trong ánh mắt đó một thứ. Đó là những tia lửa đốt cháy tâm can anh về những niềm trăn trở cho một hình ảnh Việt Nam vươn cao, bay xa.
Có lẽ câu chuyện sẽ kéo dài mãi nếu không có khách đến trao đổi công việc. Chúng tôi đứng lên. Cái bắt tay của anh bao giờ cũng rất chặt, dứt khoát. Bao giờ cũng vậy, tôi luôn cảm nhận trong cái bắt tay ấy như có một thứ lửa, âm ỉ nhưng hừng hực, lan truyền từ tay anh sang tay mình.
Theo Infonet