Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tiếp tục giảm quy mô chương trình mua lại trái phiếu thêm 10 tỉ USD, xuống còn chỉ 65 tỉ USD mỗi tháng đã cho thấy niềm tin vào đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên vững chắc. Nhưng động thái này của FED cũng gây sức ép lên các thị trường mới nổi, trong đó có các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại ở Đông Nam Á: Đồng tiền giảm giá mạnh và dòng vốn nước ngoài tháo chạy nhanh hơn khỏi khu vực này.
Các ngân hàng ở khu vực này cũng đối mặt với thời kỳ khó khăn, khi động thái của FED khiến cho cuộc cạnh tranh huy động vốn bắt đầu trở nên gay gắt hơn. CIMB, ngân hàng lớn nhất Malaysia xét về tài sản, đã thực hiện đợt huy động vốn trị giá 1,1 tỉ USD để bảo vệ mình khỏi việc lợi nhuận sụt giảm ở Indonesia, nơi đồng nội tệ đang giảm giá mạnh.
Các ngân hàng khác thì đang tìm kiếm nguồn huy động vốn có nhiều triển vọng hơn và tận dụng cơ hội từ nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc hơn của Trung Quốc. OCBC, ngân hàng lớn thứ hai Singapore xét về tài sản, đang trong quá trình đàm phán nhằm rót khoảng 5 tỉ USD vào Wing Hang Bank của Hồng Kông, ngân hàng có lượng tiền gửi nội địa rất ổn định.
OCBC bỏ ra 550 triệu USD để tăng tỉ lệ sở hữu tại Bank of Ningbo. |
“Nếu loại trừ những cái tên hàng đầu ra khỏi thị trường như HSBC, Standard Chartered và DBS thì những ngân hàng khác đều đang ra sức thu hút tiền gửi và đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn trong năm nay”, một chuyên gia phân tích ngân hàng nhận xét.
OCBC cũng bỏ ra 550 triệu USD để tăng tỉ lệ sở hữu tại Bank of Ningbo. Đây có vẻ là một quyết định không mấy khôn ngoan trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với nợ xấu gia tăng sau những năm cho vay quá hào phóng. Tuy nhiên, đối với OCBC, chớp cơ hội từ nền kinh tế đang tăng trưởng của Trung Quốc mới là mục tiêu chiến lược quan trọng.
Một số chuyên gia khuyến cáo rằng ngân hàng các thị trường mới nổi ở châu Á trong năm nay sẽ buộc phải giảm sử dụng đòn bẩy trong bảng cân đối kế toán vì tỉ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động đang tiến gần mức đỉnh điểm.
Vấn đề của khu vực Đông Nam Á là khi người tiêu dùng đã vay và chi tiêu nhiều hơn thì thặng dư tài khoản vãng lai của nhiều nền kinh tế chấu Á giảm xuống hoặc lại bị thâm hụt.
Theo Morgan Stanley, đối với ngành ngân hàng, điều này có nghĩa tăng trưởng vốn huy động đang giảm xuống trong khi nhu cầu của các khoản vay vẫn cao. Kết quả là chi phí của ngân hàng cao hơn và cuộc chiến huy động vốn cũng trở nên căng thẳng.
Tuy nhiên, Kevin Kwek, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng tại hãng nghiên cứu Bernstein Research ở Singapore, cho rằng vấn đề này ở Singapore vẫn nhẹ hơn so với các nơi khác tại Đông Nam Á.
“Sức sống của nền kinh tế Indonesia phần lớn dựa vào lượng vốn huy động trong nước. Còn tại thị trường mở Singapore, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận thị trường vốn hoặc các ngân hàng toàn cầu”, ông nói.
Theo NCĐT