An cư lạc nghiệp ở Việt Nam

Thứ sáu, 07/02/2014, 10:05
Việt Nam luôn cho tôi cảm giác là một đất nước trẻ trung, sôi động, vùng đất của những cơ hội và sự phát triển liên tục. Có rất nhiều người bạn của tôi khi quay trở lại Việt Nam chỉ sau một vài năm đã sửng sốt trước sự thay da đổi thịt của các thành phố lớn.

Tôi làm việc tại VietJet Air đến nay đã hơn hai năm, cuộc sống riêng cũng đã ổn định cùng với sự phát triển trong công việc đúng như câu nói “An cư lạc nghiệp”. Tôi coi Việt Nam gần như là quê hương thứ hai. Tôi sinh hoạt, giao tiếp với cộng đồng, làm việc rất thoải mái, đến nỗi không còn để tâm tìm ra sự khác biệt nữa.

Có lẽ ít có nơi nào mà sự pha trộn giữa nông thôn và thành thị, giữa truyền thống và hiện đại lại rõ nét như ở Việt Nam. Và điều đó làm nên sự khác biệt, sự thú vị hấp dẫn người nước ngoài khi đến đất nước này.

DESMOND LIN


Tại Hà Nội, ngay giữa khu phố Tây, dưới chân các tòa cao ốc lộng lẫy và hiện đại là một chợ cóc đông đúc. Những người phụ nữ buôn thúng bán bưng, có lẽ là những người nông dân, đang bày bán nông sản thu hoạch từ khu vườn nhỏ của gia đình họ: Mấy con gà, dăm chục trứng, vài thứ trái cây...

Đôi khi quá chán sự tiện nghi của các loại siêu thị, tôi thường thích thú lang thang trong các chợ cóc này và trải nghiệm bằng việc thử mua một vài thứ thực phẩm, thậm chí còn thử “mặc cả”. Người mua, kẻ bán đều vui khi thấy một ông người nước ngoài biết “mặc cả”.

Cái làm tôi thích thú là nông sản rất tươi mà lại rẻ và sự giao tiếp giữa người với người thật thú vị. Nhất là khi sự lạnh lẽo, chính xác của máy móc tự động và các loại tiện nghi của xã hội hiện đại đã làm ta quá mệt mỏi.

Trong điều kiện cạnh tranh chuyên nghiệp, để có sự phát triển mạnh mẽ, VietJet Air trong năm nay đã mở rộng mạng lưới bay lên tới 16 đường bay trong nước và quốc tế, khai thác gần 600 chuyến bay mỗi tuần, đội máy bay được bổ sung lên tới 10 chiếc...

Áp lực của nhiệm vụ Giám đốc Phát triển kinh doanh đối với tôi rất lớn. Những quyết định của tôi có ảnh hưởng đến kết quả lao động của cả tập thể, nên tôi không thể cho phép mình lơ là, sơ xuất. Song, để có sự phát triển vượt bậc đó, cần có sự am hiểu sâu sắc về điều kiện kinh tế đang diễn ra và đằng sau nó là sự nỗ lực của cả một tập thể nhân viên, Ban lãnh đạo.

Theo tôi, kinh tế thế giới năm 2013 có sự cải thiện trong quý cuối cùng, đã dẫn đến những dự báo tích cực hơn cho năm 2014. Có những tín hiệu cho thấy sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, song năm 2014 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát trở lại và sản xuất tiếp tục đình trệ.

Theo tôi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp. Cầu còn yếu nên các doanh nghiệp chưa dám đầu tư đẩy mạnh sản xuất vì lo ngại hàng tồn kho tăng. Cùng với đó, tình hình nợ xấu, cân đối tài chính của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để nên doanh nghiệp vẫn khó vay được vốn ngân hàng.

Riêng hàng không là một lĩnh vực rất đặc thù, phụ thuộc nhiều vào các chính sách vĩ mô của chính phủ. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách cởi mở và thông thoáng, nhất là việc cho phép tư nhân được tham gia thị trường hàng không nội địa, đã mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thị trường hàng không Việt Nam, đem lại cơ hội đi lại bằng đường hàng không với chi phí thấp cho người dân.

Kết quả cực kỳ ấn tượng là hàng không nội địa năm qua tăng trưởng kỷ lục, tới 21,5%, các hãng hàng không đều hoạt động lành mạnh. Hạ tầng hàng không được Chính phủ đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để trở thành thị trường hàng không tăng trưởng hàng đầu thế giới về vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Để hỗ trợ cho hoạt động vận tải công cộng, Chính phủ nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ chính sách cho các hãng hàng không mới...

Kinh tế năm 2014 còn không ít thách thức, những chính sách “tiếp sức” đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo đà cho các doanh nghiệp vượt qua được sự trì kéo của cơn suy thoái, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Desmond Lin - Giám đốc phát triển kinh doanh Vietjet Air
Theo DNSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích