Không chỉ ngân hàng nhỏ, yếu kém hay còn được ví như “cá lòng tong” đã tham gia đua vượt trần lãi suất, gây rối loạn thị trường tiền tệ, mà ngay cả ngân hàng lớn hàng đầu cũng tham gia cuộc đua này. Những vấn đề trên được phát hiện nhờ cơ quan công an vào cuộc điều tra, hay từ kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Từ “cá lòng tong”....
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2011, ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi hơn 130.000 tỉ đồng với lãi suất 8,5-27%/năm và trên 81 triệu USD với lãi suất 3-6%/năm vào 29 ngân hàng. Việc gửi tiền này thu được 6.278 tỉ đồng và gần 1,9 triệu USD tiền lãi (Theo Tuổi trẻ).
Đáng chú ý, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên gửi gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank với lãi suất 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm, số tiền gửi này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Ảnh minh họa
Cũng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được xét xử sơ thẩm vừa qua, một số ngân hàng như Navibank, Tiên Phong cũng là những bị hại do liên quan đến việc ủy thác gửi tiền lãi suất vượt trần quy định để hưởng lãi suất cao.
Còn nhớ, có thời nhiều ngân hàng gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất “cắt cổ” đã làm rối loạn thị trường tiền tệ. Tháng 10/2011, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm vượt 35%/năm. Điều này đã ảnh hưởng đến chủ trương điều hành thị trường tiền tệ, gây rối loạn thị trường tiền tệ khi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh vượt 20%/năm.
Hệ quả của cuộc đua lãi suất liên ngân hàng dẫn tới những khoản nợ xấu khó đòi với một số ngân hàng từng được xếp vào dạng yếu kém và phải tái cơ cấu. Một cựu lãnh đạo ngành ngân hàng từng ví các ngân hàng nhỏ là “cá lòng tong” phá rối và châm ngòi cho cuộc đua lãi suất.
Tuy nhiên, cuộc thanh tra kéo dài hơn 1 năm của Thanh tra Chính phủ tại Agribank cho thấy, không chỉ có “cá lòng tong” làm nóng cuộc đua lãi suất, mà ngay cả ông lớn, được ví như “anh cả” hay "cánh chim đầu đàn" của làng ngân hàng một thời, cũng tham gia một cách tích cực, với cường độ và mức độ lớn trong cuộc đua vượt trần lãi suất, phá rối thị trường tiền tệ.
... đến “cánh chim đầu đàn”
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố cuối tháng 1/2014, hoạt động tín dụng của Agribank để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong huy động vốn và cho vay.
Theo đó, từ năm 2009 đến 31/12/2011, Agribank đã chi tiền môi giới huy động vốn cho đối tượng không phải là các tổ chức tín dụng được cấp phép hoạt động môi giới; chi môi giới huy động vốn với lãi suất vượt mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (14%/năm), trong đó chi môi giới làm cho lãi suất vượt 14%/năm là 283,18 tỷ đồng.
Một số trường hợp chi môi giới có dấu hiệu lập chứng từ chi tiền không đúng nhằm hợp thức hồ sơ hoặc tẩy xóa, sửa chữa tài liệu, chứng từ chi môi giới huy động vốn.
Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, từ ngày 1/1/2011 không có nghiệp vụ gửi tiền và nhận tiền gửi giữa các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ kiểm tra và phát hiện, năm 2011, Agribank vẫn thực hiện gửi tiền và nhận tiền gửi có kỳ hạn với các tổ chức tín dụng khác với tổng doanh số rất lớn. Trong đó Agribank gửi 423.954.400 triệu đồng, 14 tỷ USD, 829 triệu EUR; nhận tiền gửi 52.384.000 triệu đồng, 357 triệu USD, 16 triệu EUR.
Trong các giao dịch nói trên có 19 giao dịch gửi tiền và nhận tiền gửi đối ứng cùng giá trị, kỳ hạn, lãi suất giữa Sở giao dịch với 5 tổ chức tín dụng khác với tổng giá trị là 25.200 tỷ đồng và 100 triệu USD.
Các giao dịch này thực chất là lách quy định về tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, làm tăng “giả tạo” tổng tài sản trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch.
Mặt khác, Agribank đã thực hiện một số giao dịch gửi tiền, cho vay đối với các tổ chức tín dụng với thời hạn gửi 3 năm đến 5 năm trong khi nguồn vốn cho vay không xác định được kỳ hạn, làm suy giảm chức năng “dự trữ thanh khoản”của nguồn vốn. Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế, cuối năm 2009, Agribank phải đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay 5.000 tỷ đồng để xử lý mất cân đối.
Trong kết luận thanh tra, thanh tra Chính phủ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động thanh tra, giám sát, đặc biệt là chất lượng, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng.
Đồng thời chấn chỉnh ngay những vi phạm trong hoạt động vay và cho vay giữa các tổ chức tín dụng đã được nêu trong kết luận thanh tra Agribank, nhất là tình trạng vay và cho vay có quan hệ đối ứng có quy mô lớn cùng giá trị, cùng kỳ hạn, cùng lãi suất giữa 2 tổ chức tín dụng với nhau.
Những sự việc vượt trần lãi suất, phá rối thị trường tiền tệ nêu trên cho thấy, dường như có một “thế giới ngầm” trong lòng ngân hàng, bất chấp ngành ngân hàng có cả một cơ quan thanh tra giám sát hùng hậu. Nhưng phải chờ đến sự vào cuộc của cơ quan công an hay Thanh tra Chính phủ, thì những sai phạm hay hành vi sai phạm mới được công bố trước công luận.
Theo BizLIVE