3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Cliton đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, mở ra một quan hệ mới trong làm ăn giữa Việt Nam với không chỉ Mỹ, mà cả thế giới. Chúng tôi có bài phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, khi ấy là Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người đã chứng kiến và có đóng góp không nhỏ trong tuyên bố lịch sử đó.
Sự kiện VN mong chờ
Cách đây 20 năm Tổng thống Clinton đã tuyên bố gỡ bỏ cấm vận Việt Nam. Việc gỡ bỏ đó diễn ra trong sự mong chờ như thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt là kinh tế Việt Nam?
Việt Nam mong chờ lệnh gỡ bỏ cấm vận quá đi chứ, bởi đó là một trong những vấn đề cốt lõi để Việt Nam bị cô lập sau chiến tranh. Hậu quả của chiến tranh một phần, nhưng cái khổ của lệnh cấm vận cũng lớn không kém, nó chặn đứng nhu cầu tái thiết, của phát triển của nền kinh tế Việt Nam đang cực kỳ lớn. Nhất là vào đầu những năm '90 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trước đó chiếm tới 75-80% kim ngạch buôn bán của Việt Nam và 70-80% viện trợ kinh tế cho Việt Nam, bị tan vỡ.
Mặt khác, Trung Quốc thì đã trở mặt từ năm 1972, khi bắt tay với Mỹ. Đến đầu năm 1979, nguồn viện trợ từ Trung Quốc đã xóa bỏ hoàn toàn.
Thế giới người ta không chỉ e ngại Mỹ, mà còn e ngại cả Trung Quốc, như một thế lực mới nổi lên với tiềm lực kinh tế lớn mà nước nào cũng muốn chơi. Thái độ của Trung Quốc với Việt Nam và các nước, nhất là Mỹ, rất được quan tâm.
Vì vậy, nếu bỏ được cấm vận của Mỹ các nước phương Tây mới mạnh dạn làm ăn với Việt Nam.
Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000, khai thông quan hệ cấp cao hai bên. Ảnh: Doanhnhan.net |
Lệnh cấm vận của Mỹ còn trừng phạt cả những đối tác kinh tế nào dám làm ăn với Việt Nam. Chính vì vậy khi chưa bỏ cấm vận, Việt Nam chỉ có quan hệ kinh tế với một số nước xung quanh, chủ yếu là với những công ty nhỏ, còn công ty to, toàn cầu cũng không dám chơi. Ngay cả Thụy Điển là nước hiếm hoi trong từng ấy năm vẫn cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam, nhưng những công ty lớn mang tính toàn cầu của họ vẫn không dám vào Việt Nam.
Với Nhật Bản, Việt Nam cũng có duy trì được quan hệ với một số công ty Nhật, nhưng chủ yếu là nhỏ và vừa, có quan hệ với Việt Nam từ thời chiến tranh, chủ yếu của các chủ doanh nhân cộng sản, hoặc rất quí Việt Nam. Còn các công ty lớn của Nhật cũng không dám trực tiếp làm ăn với Việt Nam, và các công ty này đành phải lập những công ty con để xúc tiến làm ăn với Việt Nam.
Campuchia bị lợi dụng để chống lại Việt Nam
Việc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam có phải là nguyên nhân lớn nhất không?
Nguyên nhân của cuộc cấm vận là Mỹ thất bại trong cuộc chiến, và người Mỹ không dễ dàng chấp nhận điều đó. Đối với những trường hợp khác là đối thủ trong chiến tranh nhưng họ quay lại bắt tay ngay, như đối với Đức hay Nhật, người Mỹ giúp cho các nước đó tái thiết và bật hẳn lên thành những nền kinh tế lớn.
Tất nhiên, đối với Việt Nam, Mỹ vừa thua trong cuộc chiến, vả lại Việt Nam là một thể chế khác với họ.
Thứ ba, vấn đề Campuchia được lợi dụng là một cái cớ khiến rất nhiều nước không bắt tay với Việt Nam, thậm chí chống, như ASEAN chẳng hạn. Đâu đó người ta vu cáo Việt Nam là tiểu bá trong khu vực.
Tác dụng của đổi mới có vai trò như thế nào trong gỡ bỏ cấm vận?
Khi chúng ta bắt đầu đổi mới bắt đầu tư cuối năm 1986, Việt Nam có sự hỗ trợ của các tổ chức như UNDP, Ngân hàng Thế giới (chưa có mặt ở Việt Nam nhưng cử chuyên gia của họ vào Việt Nam là David Dollar gắn bó với giai đoạn đầu của đổi mới), hay SIDA (Thụy Điển). Họ giúp Việt Nam đưa ra được hệ chính sách cụ thể để thực hiện đổi mới.
Đến năm 1988 Việt Nam thoát ra khỏi các nước nhập khẩu lương thực và bắt đầu xuất khẩu lương thực và một số mặt hàng nông sản, và đầu năm 1989 Việt Nam làm một cuộc cách mạng rất lớn về giá, đặc biệt là thả nổi nốt tỷ giá của VND với các đồng tiền mạnh của nước ngoài, chứ không kiềm chế như trước nữa.
Đến bước đi đó của Việt Nam, các nước ngoài tin rằng Việt Nam thực sự cải cách theo hướng kinh tế thị trường. Lúc đó, ngay bản thân Trung Quốc là nước cải cách rất mạnh, và trước Việt Nam gần chục năm, vẫn duy trì chế độ hai giá và tỷ giá do chính phủ chỉ đạo.
Thêm nữa, vào mùa thu năm 1989, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Như vậy, vấn đề Campuchia đối với Việt Nam được giải quyết.
Bà Phạm Chi Lan, Ảnh: Lê Anh Dũng |
Từ đó, Việt Nam đã được sự công nhận của các nước khác, một số nước trong khu vực bắt đầu có những động thái làm ăn với Việt Nam. Và kết quả là năm 1993 có hội nghị ở Paris, với sự góp sức rất lớn của Pháp và Nhật, Việt Nam đã được chấp nhận trả nợ cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đối với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB và IMF), và đổi lại các tổ chức này thừa nhận Việt Nam là thành viên, và Việt Nam trả món nợ cũ bằng nguồn tiền vốn vay bắc cầu của Chính phủ Pháp.
Đây là bước tiến rất quan trọng, bởi vì sau đó, Pháp và Nhật tuyên bố viện trợ trở lại ODA cho Việt Nam. Như vậy, các công ty của họ có thể yên tâm là chính phủ của họ ủng hộ các hoạt động làm ăn với Việt Nam. Các công ty lớn cũng đều tin rằng đây là bước để tiến tới Mỹ gỡ bỏ cấm vận.
Trong khi đó, vào tháng 4/1992, Tổng thống Bush Mỹ đã nới lỏng cấm vận, bằng cách cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, và gỡ bỏ lệnh cấm đối với 4 hàng thiết yếu là thiết bị y tế, thiết bị nông nghiệp, nhu yếu phẩm và dược phẩm.
Năm 1992, một đoàn 4 người của VCCI đã đi Mỹ chuyến đầu tiên với mục đích vận động gỡ bỏ cấm vận, bằng cách giới thiệu công cuộc đổi mới của Việt Nam và cam kết của Việt Nam đi theo kinh tế thị trường. Trong mỗi hội thảo, tại 4-5 thành phố lớn của Mỹ, thông điệp của chúng tôi luôn là trong bối cảnh Việt Nam đổi mới như vậy và vấn đề Campuchia đã được giải quyết, và cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần 20 năm, rồi không có lý do gì duy trì cấm vận dài như vậy. Hơn nữa, các đối tác của Mỹ, thông qua các kênh khác nhau, đang tìm cách bắt tay làm ăn với Việt Nam.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Bill Clinton có những khó khăn cá nhân của riêng mình nên ông không thể gỡ bỏ lệnh cấm vận trong năm 1993, ngay sau khi thắng cử. Bà có nghĩ vậy không?
Đúng vậy. Bản thân khi Tổng thống Clinton nhậm chức, các thành tố dẫn tới việc gỡ bỏ cấm vận cũng gần chín muồi rồi, nhưng ông có khó khăn về cá nhân khi từ chối thực hiện quân dịch trong chiến tranh Việt Nam, nên không thể tuyên bố ngay được. Nhưng ông đã khéo léo kết nối và sử dụng những cựu binh Việt Nam đấu tranh cho việc này như các TNS John Kerry, Chuck Hagel, hay John McCain, thuộc bên lập pháp.
Lên Tổng thống đã một năm, sau khi đã phục hồi được kinh tế Mỹ, và gắn xu hướng gỡ bỏ cấm vận phù hợp với xu hướng phục hồi kinh tế đối ngoại của mình, ông Clinton mới tuyên bố gỡ bỏ cấm vận.
Khi Clinton tuyên bố bỏ cấm vận vào 3/2/1994, bà đang ở đâu?
Ngay hôm bỏ cấm vận, tôi đang ở TP HCM. Các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ có mặt ở TP HCM đã tổ chức lễ mừng tại KS New World, họ ôm nhau chia vui về món quà Tết của Tổng thống Clinton.
Tôi nghe kể lại là ngoài Hà Nội công ty Coca-cola, trong lễ ăn mừng bỏ cấm vận, đã thả một lá cờ có in biểu tượng chai Coca Cola dài suốt từ nóc Nhà hát Lớn xuống tới đất - đánh dấu sự xuất hiện của Mỹ ở Việt Nam.
Sau bỏ cấm vận các công ty nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, đầu tư trong mấy năm sau tăng kinh khủng. Các ngân hàng lớn cũng vào Việt Nam, tuy chỉ được mở văn phòng đại diện. Các hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ và các nước khác tăng lên nhanh chóng...
(Còn nữa)
Theo Tuần Việt Nam