"Vua Phở 24" Lý Quí Trung
Sinh năm 1966, là một trong những người đặt nền móng cho hoạt động nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, đi tiên phong trong việc quốc tế hóa phở – món ăn truyền thống của người Việt – thông qua thương hiệu Phở 24, Lý Quí Trung là một trong những doanh nhân tuổi Ngựa thành công nhất ngoài sàn chứng khoán.
Trượt đại học, Lý Quí Trung từng phải vừa học vừa làm khi nhận việc là nhân viên một khách sạn ở TP.HCM, từ vệ sinh toilet đến chạy bàn, trực tổng đài, làm lễ tân. Cuộc đời anh bước sang một trang mới khi một vị khách nước ngoài đã đưa ra đề nghị được bảo lãnh cho anh sang Úc học một khóa tiếng Anh bốn tháng để nâng cao trình độ.
Năm 1990, một mình "khăn gói quả mướp" lên đường sang Úc du học tự túc với vỏn vẹn 200 USD trong túi. Ở đây anh đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quản trị nhà hàng và khách sạn, sau đó tiếp tục học lên lấy bằng Thạc sĩ du lịch tại Đại học Queensland - Úc năm 1994.
Về nước năm 1995, anh thi đỗ vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Tecaworld chuyên sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm. Năm 1996, nhận lời mời của khách sạn Saigon Star anh trở thành Tổng Giám đốc, đưa khách sạn này thoát thua lỗ. Anh cũng từng tham gia giảng dạy tại một số trường đại học, tác giả của những cuốn sách nổi tiếng về nhượng quyền thương hiệu và là người châu Á đầu tiên, trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư danh dự tại trường Đại học Griffith (Australia) năm 2009.
Sau này, anh chia tay Saigon Star để lập ra Nam An Group cùng với những người thân trong gia đình, gây dựng tập đoàn với chuỗi cửa hàng Phở 24 nổi tiếng. Ngoài 60 cửa hàng Phở 24, Nam An còn quản lý nhà hàng Maxim’s Nam An, nhà hàng An, nhà hàng An Viên, chuỗi café Gloria Jeans Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk…
Hiện thương hiệu Phở 24 đã được Lý Quí Trung chuyển nhượng cho một đối tác nước ngoài vào đầu năm 2012. Giải thích lý do bán đi thương hiệu tự hào và tâm huyết của mình, "Vua Phở 24" một thời chỉ nói đơn giản rằng, nếu chuyển nhượng để thương hiệu phát triển tốt hơn và có nhiều thời gian tập trung cho việc khác thì nên làm, còn anh sẽ tìm kiếm một cơ hội khác, để làm những mô hình kinh doanh có tiềm năng nhân rộng hơn, vượt qua thành công và cái bóng quá lớn của Phở 24.
Triệu phú cá tầm Lê Anh Đức
Doanh nhân Lê Anh Đức sinh năm 1978. Năm 1991, anh cùng bố mẹ sang Nga sinh sống đúng vào thời điểm Liên Xô tan rã. Anh khởi nghiệp bằng nghề buôn hàng xách tay từ Nga về Việt Nam, sau đó chuyển hướng sang Ba Lan với đủ thứ đồ, từ quần áo, đồ lót đến hàng điện tử... khi mới 13 tuổi.
Với vốn liếng có được trong tay, Lê Anh Đức theo đuổi khá nhiều niềm đam mê, trong đó có siêu xe, hi-end audio. Anh từng vô địch game Đế chế khi tham gia Microsoft World Championship nhưng cũng có tới ba lần đạt giải nhất nhì Olympic Toán, Vật lý tại Nga.
Nhận ra tiềm năng của nghề nuôi và phân phối trứng cá tầm sau nhiều năm sống tại quốc gia từng được mệnh danh là vương quốc của loại thực phẩm đắt nhất hành tinh, Lê Anh Đức đã quyết định tìm cách chuyển giao công nghệ nuôi cá về Việt Nam. Mất 4 năm để đưa cá tầm từ đất nước ôn đới về nước nhiệt đới, hiện hồ cá tại hồ Đa Mi của anh đã cho thành quả đầu tiên - đó là 3 tấn trứng cá và hàng trăm tấn thịt cá vào năm 2013.
Nếu quy đổi theo mức giá cá tầm tại Việt Nam là khoảng 25 triệu đồng/kg, người ta khó mà tính toán hết được giá trị tài sản của Lê Anh Đức khi mà lượng thu hoạch trong 2 năm tới có thể lên tới 30 tấn, trong khi sản lượng trứng cá tầm toàn thế giới chỉ là 70 tấn.
Doanh nhân Đoàn Hiếu Minh - người đưa Rolls-Royce chính hãng về Việt Nam
Sinh năm 1978 trong một gia đình quyền thế, bố là Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản (ông Đoàn Văn Kiển) nhưng doanh nhân Đoàn Hiếu Minh phải từ bỏ ước mơ nối nghiệp cha vì những tin đồn ác ý. Thế nhưng, niềm đam mê kinh doanh vẫn bộc lộ rất sớm khi anh còn là một học sinh trường cấp 3 Lương Thế Vinh với nghề buôn xe máy cũ.
Tốt nghiệp đại học, Minh thành lập Công ty An Xuân với lĩnh vực chính là buôn bán thiết bị, linh kiện công nghiệp, khai khoáng. Từ lĩnh vực ban đầu, cậu sinh viên mê xe có thêm cơ hội tham gia đầu tư vào những lĩnh vực khác như bất động sản, khai khoáng… Sau này, công ty của anh trở thành một trong những đơn vị cung cấp than cốc có tiếng trên thị trường Việt Nam.
Ấp ủ ước mơ đưa một trong những thương hiệu xe sang hàng đầu thế giới về Việt Nam, đồng thời cũng là để thỏa mãn khát khao chinh thục của mình, Đoàn Hiếu Minh quyết định nộp hồ sơ xin làm đại lý cho Rolls-Royce và nhận được lời đồng ý. Sau niềm vui ban đầu, Đoàn Hiếu Minh hiểu rằng mình đang đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có khó khăn về vốn, thị trường cũng như truyền thông khi hàng loạt tin đồn ác ý nhắm vào anh, cho rằng anh rửa tiền chứ chẳng kinh doanh gì.
Gạt đi những tin đồn, Đoàn Hiếu Minh vẫn hướng đến mục tiêu đưa đại lý và xưởng dịch vụ Rolls-Royce nhanh chóng ra mắt tại một trong những khu đất vàng trung tâm Hà thành. Với tâm niệm: "Vấn đề ở đây không còn là tiền nữa, chỉ có khát vọng và tình yêu với quê hương mình đã lấn át tất cả", Đoàn Hiếu Minh quyết tâm tạo dựng cho mình một dấu ấn riêng, vượt khỏi cái bóng "con ông cháu cha" và những tin đồn một thời từng khiến anh phải từ bỏ ước mơ.
Theo Zing