Chuyên gia kinh tế mách nước làm giàu năm Ngọ

Thứ sáu, 31/01/2014, 09:47
Chứng khoán không phải sân chơi chung, vàng chỉ nên là giải pháp tiết kiệm, người kinh doanh cần chọn kênh đầu tư trong lĩnh vực sở trường.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, năm 2014, tình hình kinh tế trong nước sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Dự đoán này được đưa ra dựa trên một số cơ sở như sức ép từ vấn đề nợ công đã dần được tháo gỡ, thương mại phát triển nhờ cải thiện lòng tin của người tiêu dùng, lãi suất hạ, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn… Trong đó, những lĩnh vực được ông cho là có nhiều khởi sắc nhất trong năm Ngọ là xuất khẩu, nhà ở xã hội, chứng khoán…

“Giá chứng khoán hiện rất thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp và Chính phủ đều đang tạo xung lực cho kênh đầu tư này, do đó nó chắc chắn sẽ khởi sắc trong năm 2014”, ông Nguyễn Minh Phong phân tích. Song ông nhấn mạnh kinh doanh chứng khoán vẫn là một lĩnh vực rủi ro, kể cả khi nó đang trên đà phát triển, và chỉ dành cho những người am hiểu tài chính sâu sắc, chứ không phải là sân chơi chung cho tất cả mọi người.

Còn về xuất khẩu và nhà ở xã hội, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng đó là những những lĩnh vực mà thị trường tiếp tục có nhu cầu cao trong năm Giáp Ngọ. Song các kênh đầu tư này chỉ mang lại hiệu quả nếu người kinh doanh đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ.

Sản phẩm tiêu dùng bình dân và thiết yếu vẫn được xem là kênh đầu tư khả thi trong năm Giáp Ngọ. Ảnh: Lê Hiếu.

Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Phong khuyên người kinh doanh chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực có sở trường để hạn chế rủi ro. “Vàng chỉ là giải pháp tiết kiệm chứ không phải kênh đầu tư, chứng khoán không phải miền đất hứa và sân chơi chung. Tình hình kinh tế với nhiều biến động bất ngờ trong 3 năm qua là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt, hãy chọn chơi với ngành mà bạn am hiểu đầu vào – đầu ra, không nên quá liều lĩnh trong thời điểm mọi thứ dần khởi sắc chứ chưa ổn định”, chuyên gia khuyên.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế của Phòng Thương mại và Kinh tế Việt Nam (VCCI) cho rằng tình hình kinh doanh trong năm 2014 sẽ sáng hơn năm 2013. Giai đoạn khó khăn với hàng loạt vấn đề nợ công, lãi suất, sức mua cũng như các nút thắt của nền kinh tế đã dần được tháo gỡ. Song thách thức đặt ra là các nhà đầu tư là phải chọn được hướng đi mới trên thị trường buồn tẻ hiện nay.

“Dễ tiếp cận nguồn vốn hơn là lợi thế mà các doanh nghiệp Việt có được trong năm 2014, nhưng sử dụng vốn ra sao để mang lại hiệu quả là cả vấn đề. Nhà đầu tư không cần làm lớn nhưng phải trúng tâm lý thích sản phẩm mới lạ, giá cả bình dân của đại bộ phận người tiêu dùng thì mới có cơ hội phát triển”, ông nói.

Riêng về lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội, cho rằng người đầu tư nên tập trung vào mô hình chuỗi cửa hàng tiện ích nhỏ, phục vụ 24/24, bán các sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Điều này được ông đưa ra sau khi phân tích nhiều mặt về vấn đề tiêu dùng hiện nay.

Ông Phú cho biết, năm 2013, sức mua trên thị trường yếu, chỉ tăng trưởng 5,3% sau khi loại bỏ yếu tố giá, năm 2014, tình hình có thể khởi sắc hơn nhưng khó vượt qua ngưỡng 6%. Trong đó, 65% tập trung vào dịch vụ ăn uống, tiêu dùng thiết yếu. Các mặt hàng đắt tiền, xa xỉ có mức tiêu thụ chậm. Hiện nay, 80% người tiêu dùng vẫn chỉ tập trung vào chuyện cơm ăn nước uống và nhu yếu phẩm hằng ngày. Bởi vậy, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng kinh doanh sản phẩm bình dân, thiết yếu vẫn là hướng đi khả thi trong năm Giáp Ngọ.

Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng đang có bước lùi tạm thời trong lĩnh vực phân phối. Bằng chứng là nhiều người tiêu dùng có xu hướng trở lại mô hình tự cung tự cấp và nông thôn hóa thành thị (tự trồng hoặc mua rau, nuôi lợn, gà ở quê gửi ra thành phố ăn). Điều đó do tình trạng trung gian chênh lệch giá quá lớn suốt một thời gian dài, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo... Song chính bước lùi này lại là cơ hội cho những nhà đầu tư sản phẩm tiêu dùng trong năm 2014.

“Nhu cầu của thị trường là sẵn, giờ đang ‘tắc đường’ ở khâu phân phối và chất lượng, ai giải quyết được 2 nút thắt đó, đảm bảo hàng ngon, sạch, giá vừa phải thì đắt khách. Kinh doanh lĩnh vực tiêu dùng không khó nhưng duy trì là cả một thách thức, cái đó chỉ có thể làm khi xây dựng được thương hiệu bằng một chữ ‘thật’”, ông Phú tư vấn.

Theo Zing

Các tin cũ hơn