Cắt giảm và từ bỏ
Lên nắm chức vụ TGĐ được khoảng 4 tháng, ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc đã phải đón đón nhận kết quả Maybank Kim Eng (MBKE) bị loại khỏi top 10 thị phần môi giới trên sàn chứng khoán Hà Nội, chỉ đứng vị trí thứ 7 trên sàn TP.HCM, lỗ quý IV và cả năm 2013; đóng cửa 3 chi nhánh…
Giải thích cho kết quả này, ông Trúc không ngại ngần cho biết 2013 là một năm đặc biệt, nhiều thách thức với Maybank Kim Eng sau 5 năm đi vào hoạt động.
“Các chính sách về tài chính, kiểm soát rủi ro vốn đã rất nghiêm ngặt tiếp tục được đẩy cao theo chuẩn mực của Maybank, rất nhiều qui chế, qui trình được bổ sung, chi phí quản lý DN gia tăng… Tất cả đã làm con số tăng trưởng của công ty có phần chậm lại so với những năm trước đây. Tuy nhiên, đó là những điều chúng tôi đã thấy trước và đó chỉ là tạm thời”.
Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện để chuẩn bị cho một cuộc chuyển đổi thực sự. |
Theo vị TGĐ trẻ này, 2013 chính là một phép thử quan trọng khẳng định những giá trị DN đã và đang theo đuổi. “Tất cả nhân viên của Maybank Kim Eng đều hiểu đây là giai đoạn cần thiết, là sự chuẩn bị quan trọng cho một cuộc chuyển đổi thực sự để chúng tôi có được một nền tảng mới”, ông Trúc nói.
Trong giai đoạn tới, DN của ông sẽ đầu tư sâu vào thế mạnh, đầu tư vào tương lai dài hơi, hơn là ngắn hạn, chấp nhận những chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ… để tái cấu trúc.
Cũng trong năm vừa qua, một đơn vị hàng đầu trong khối các NHTM Việt Nam là ACB đã có những bước thay đổi mạnh mẽ sau khi mất cả dàn lãnh đạo cao cấp sau một vụ án.
Ngân hàng ACB dưới thời vị chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy chứng kiến một năm 2013 với rất nhiều khó khăn. Chỉ trong 9 tháng đầu năm ACB đã phải giảm gần 1.300 nhân sự và chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh khi mất hàng chục nghìn tỷ đồng ngay sau khi tái cấu trúc. Hoạt động tất toán vàng cũng khiến NH này ôm một khoản thua lỗ lớn…
Nhiều người nghĩ ACB sẽ lao dốc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, NH này đã có lãi trở lại với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hàng trăm tỷ đồng. Kinh doanh vàng và ngoại hối của ngân hàng này từ lỗ đã chuyển lãi.
Gần đây, giới đầu tư xôn xao với hiện tượng cổ phiếu SHN của Hanic tăng gần 10 lần từ 600 đồng/cp lên cao nhất là 5.700 đồng/cp trong vòng khoảng 1,5 tháng.
DN này trong nhiều năm qua nằm trong tình trạng thua lỗ nặng nề do thị trường BĐS đóng băng và dính tới một vụ lừa đảo bị hàng trăm tỷ đồng. Sự hồi phục của cổ phiếu SHN được cho có một phần nhờ nỗ lực tái cơ cấu: thay một loạt lãnh đạo cao cấp, bán dự án, phát hành cổ phiếu để cơ cấu nợ và quay sang thúc đẩy mảng xuất khẩu lao động để tìm kiếm doanh thu.
Đánh đổi để mở lối sống
Chấp nhận thay đổi để phát triển, nhiều DN không ngại đối mặt với những khó khăn, đánh đổi để có một nền tảng vững chắc.
Mở lối để đi tiếp |
Đứng trước sự ảm đạm của thị trường BĐS, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đã quyết định “đầu hàng”. Người giàu thứ 2 trên TTCK này đã phải thốt lên rằng, phải tạm thời bỏ thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ.
Hoàng Anh Gia Lai đã nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp - một lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích. Trong năm 2013, rút khỏi BĐS, tái cơ cấu toàn bộ tập đoàn, dồn nợ về công ty BĐS của tập đoàn là An Phú để xử lý. Đồng thời. HAGL đã bán toàn bộ 6 dự án thủy điện để giảm nợ, lấy tiền tập trung cho các dự án hàng chục nghìn hectare cao su, mía đường ở nước ngoài.
Thực tế trên TTCK cho thấy, không ít các DN đã và đang chuyển ngược hướng kinh doanh của mình để thoát khỏi bế tắc khó khăn như trường hợp BĐS Phát Đạt quay sang trồng rừng, cao su, chăn nuôi; Gemadept bán BĐS để lấy tiền trồng cao su… Không ít ngân hàng sau một thời gian chỉ tập trung cho các DN, các tổ chức, các đại gia vay, các món cho vay lớn dễ quản lý, giờ đây đã chuyển hướng kinh doanh sang thị phần bán lẻ để tự cứu mình.
Sự sụp đổ của nhiều DN lớn đã cho thấy, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Hàng loạt các đơn vị đã tái cơ cấu lại toàn bộ mình, từ thay dàn lãnh đạo cho tới tên tuổi nhận diện, mạng lưới hoạt động… để tập trung vào một mảng đầy tiềm năng là nhóm DN nhỏ và vừa, cá nhân…
Một DN chìm ngập trong khó khăn và đang hứa hẹn trỗi dậy nhờ kế hoạch chuyển hướng kinh doanh khác là Thuỷ sản Việt Nhật (VNH). DN này thực sự gây "sốc" với kế hoạch chuyển sang sản xuất bột nêm sau khi khi ký hợp tác với đối tác Nhật. Cho đến nay, DN đã bán máy móc thiết bị và giải phóng toàn bộ hàng tồn kho từ cuối tháng 9/2013 để tính chuyện làm ăn mới.
Nhiều DN khác cũng tính hướng kinh doanh mới như Thủy sản Hùng Vương dự tính kinh doanh gạo, nước mắm, nông sản; Bất động sản An Dương Thảo Điền tính nhảy vào khoáng sản và nông lâm sản…
Có thể thấy, sự ổn định là điều cần thiết cho DN nhưng tất cả chỉ là tương đối. DN luôn phải vận động, phải thay đổi để phát triển. Trong trường hợp DN gặp khó khăn và bế tắc thì sự thay đổi, thậm chí chuyển hẳn hướng kinh doanh là điều cần thiết. Nhiều đơn vị không chuyển hướng kinh doanh nhưng cũng đang tái cấu trúc lại mình, cần chuyển đổi thực sự và thực chất để có được một nền tảng mới.
Thay đổi đồng nghĩa với những cái giá phải trả nhưng họ là người chủ động đánh đổi để mở lối sống.
Theo VEF