Bảy Núi từ lâu vốn nổi tiếng trong vùng với nghề bắt nhái cung cấp nhái (nhái tươi) cho khắp nơi trong tỉnh An Giang. Những lúc cao điểm, chỉ riêng ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, đã có từ 30 đến 40 người hành nghề bắt nhái (soi nhái).
Đa phần trong số họ đều là nông dân, ít ruộng, tranh thủ ban đêm đi bắt nhái để kiếm thêm thu nhập. Ông Nguyễn Văn Tổng là một trong số “cao thủ” trong đội quân soi nhái xã Vĩnh Trung, cho biết: “Mấy năm trước đây còn khỏe, mỗi đêm tôi đi bộ có khi cả chục cây số, soi một đêm trung bình từ 5 – 7kg nhái, vào mùa cao điểm thì cả chục ký".
Khô nhái thành phẩm.
Bảy Núi do đặc thù là vùng bán sơn địa, phù hợp cho loài nhái sinh sôi phát triển. Bởi thế không đâu tập trung đông người soi nhái như Bảy Núi. Vào mùa mưa “đội quân” soi nhái vùng Bảy Núi có thể hàng trăm người. Vào mùa nước nổi, “ruộng dưới” (dưới đồng bằng) bị ngập, chứ “ruộng trên” (ruộng ven chân núi) vẫn là điều kiện sinh sống lý tưởng của nhái; cho nên, ở Bảy Núi nghề soi nhái “kiếm ăn” được quanh năm.
“Nghề soi nhái ở đây (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) là nghề mưu sinh của nhiều hộ nông dân nghèo. Nếu nghề làm khô nhái được sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để phát triển thì sẽ tác động tích cực đối với nông dân nghèo. Vì rằng làm khô nhái tiêu thụ rất mạnh nhái tươi, tạo điều kiện cho người làm nghề soi nhái, đa số là nông dân nghèo có cơ hội tăng thêm thu nhập cho gia đình.” Ông Chau Thonl - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang. |
Món ghiền của dân nhậu
Nói về hoàn cảnh ra đời của khô nhái, ông Nguyễn Văn Tổng lý giải: “Ăn không hết thì làm khô mắm, thói quen của cư dân từ thời khai mở vùng đất phương Nam là vậy.
Tuy nhiên xưa nay người ta chỉ làm khô với các loại cá chứ có ai làm khô nhái đâu. Chẳng qua tôi cũng vì thói quen, ăn không hết thì phơi khô để dành…”.
Ngay những người làm khô nhái cũng không ngờ bây giờ khô nhái trở thành một đặc sản, một món khoái khẩu của dân nhậu. Ông Tổng kể: Ban đầu ông cũng làm theo nguyên tắc dân gian khi làm khô cá là lột da, móc hết ruột rồi ướp muối đem phơi.
Mấy bữa có bạn nhậu tới nhà chơi, “kẹt mồi” nên đem món nhái phơi khô đi rang mở nhậu, thấy êm quá nên nghĩ ra cách làm khô… để dành nhậu là chủ yếu. Rồi bạn nhậu nào cũng khen và ai ăn rồi cũng ghiền. Ban đầu làm ít, sau làm nhiều dần rồi chuyển qua làm bán luôn.
Phơi nhái làm khô.
Tuy nhiên, để trở thành món khô nhái thực thụ, được thị trường chấp nhận như hiện nay thì phải có bàn tay pha chế của các bà các chị. Ông Tổng cho biết: “Khô nhái ngon và có hương vị đặc trưng như trên thị trường hiện nay thì vợ và các con gái tôi phải “nêm nếm” thêm gia vị mà tôi cũng không biết, bí quyết là ở chỗ đó”.
Ban đầu ở xã Vĩnh Trung này chỉ có gia đình ông Tổng làm khô nhái, sau đó có thêm vài hộ lân cận. Bây giờ thì Bảy Núi có nhiều người, nhiều nhóm làm khô nhái vì thị trường ưa chuộng và nguồn nguyên liệu nhái tươi ở vùng Bảy Núi khá phong phú quanh năm. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, một trong những người làm khô nhái khá lớn ở Vĩnh Trung cho biết:
“Theo tôi được biết thì hiện nay Bảy Núi có ba địa điểm làm nhiều, một là ở đây (xã Vĩnh Trung), hai là ở Xuân Tô (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên), ba là Châu Lăng (huyện Tri Tôn). “Hiện nay, chỗ tôi trung bình tiêu thụ khoảng 30 đến 40kg nhái tươi, làm ra trên dưới 10kg khô. Giá bán sỉ khô nhái tại đây hiện nay từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/kg” – chị Kim Chi cho biết.
Thật sự thì trước đây, trong thực đơn các quán ăn, nhà hàng khá sang trọng cũng đã có mặt khô nhái với cái tên nghe khá sốc như: “Bò tọt”, “vũ nữ chân dài”… Các chủ quán, nhà hàng cho biết họ đặt hàng từ các thương lái lấy hàng tận Nam Vang (Campuchia).
Gia đình ông Tổng đang phơi nhái.
Hữu xạ tự nhiên hương
Ông Tổng cho biết: “Tính ra thì tôi chính thức làm khô bán chỉ khoảng hơn hai năm nay, nhưng mối mang cũng khá nhiều, chủ yếu là người ta tự tìm đến đây mua, chắc là họ về bỏ mối lại cho các quán ăn, nhà hàng”. Nguyên tắc của ông Tổng là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Ông không đi chào hàng hay quảng bá đâu cả mà tập trung lo chất lượng cho “ngon lành” thì tự nhiên mọi người sẽ tìm đến mình thôi.
“Ngon lành” theo ông Tổng là giá cả hợp lý, làm hàng như “làm cho chính mình ăn, không ướp bậy bạ, chất bảo quản hay chất tạo mùi, màu gì hết”.
Có lẽ nhờ tuân thủ nguyên tắc đó mà hàng của gia đình ông làm ra không đủ bán. Nhiều thương lái mua hàng ông “đi” ngược lên Campuchia. Hiện nay, khô nhái do gia đình ông Tổng làm ra chỉ có thương hiệu “truyền miệng” rất miệt vườn là “khô nhái Bảy Xuân”. Khô nhái thành phẩm cứ cho vào bịch nylon trơn mà bán đi khắp nơi.
Theo Danviet