Chân dung những ông chủ tập đoàn Rừng Toàn Cầu

Thứ tư, 26/02/2014, 09:46
Tất cả những vị trí chủ chốt của tập đoàn Rừng Toàn Cầu đều là thành viên trong một gia đình, gồm vợ chồng ông Cao Văn Xứng và các con. Theo điều tra xác minh của Công an, các công ty này đều khai khống vốn điều lệ và có những hoạt động không bình thường.

Vốn ảo lập công ty

rừng toàn cầu

Vợ chồng bà Cẩn, ông Xứng tại hội nghị của Rừng Toàn Cầu tại Nha Trang, ngày 19/2.

Trong các doanh nghiệp (DN) thành viên chủ chốt của khối liên doanh, có các DN sau đây:

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (Công ty Hiển Vinh, Khánh Hòa), vốn điều lệ là 3.427 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Cao Văn Xứng;

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại và Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (Công ty Phúc Thịnh, Hà Nội), vốn điều lệ 645 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Cao Văn Xứng;

Công ty cổ phần Quốc tế Đầu tư và Phát triển Minh Cường (Công ty Minh Cường, Kon Tum), Chủ tịch HĐQT là ông Cao Hữu Thượng (con trai ông Xứng), vốn điều lệ 545 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển kinh tế rừng bền vững Toàn Cầu (Công ty Rừng bền vững Toàn Cầu, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT là bà Cao Thị Thu Trang (con gái ông Xứng), vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Phát triển đại chúng bền vững Quỹ Môi trường xanh Toàn Cầu (Công ty Môi trường xanh Toàn Cầu, TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch HĐQT là ông Cao Hữu Trọng (con trai ông Xứng), vốn điều lệ 17.500 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Phát triển bền vững Bình Minh (Công ty Bình Minh), ở cùng địa chỉ với Công ty Hiển Vinh, Chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Quốc Minh, vốn điều lệ 6.980 tỷ đồng;

Công ty cổ phần Phát triển bền vững Nông Lâm Nghiệp Việt Nam (Công ty Nông Lâm Nghiệp Việt Nam, Cần Thơ), Chủ tịch HĐQT là bà Cao Thị Thu Trang, vốn điều lệ 3.410 tỷ đồng. Các Công ty này đều khai vống vốn điều lệ.

Ngày 14/8/2012, Công ty cổ phần Phát triển Rừng Toàn Cầu (Công ty Rừng Toàn Cầu ) được Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN) lần đầu, địa chỉ trụ sở chính tại 243/2/2 Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, vốn điều lệ 45 nghìn tỷ đồng, do ông Cao Hữu Trí làm Chủ tịch HĐQT.

Có 14 cá nhân (trong đó có 4 người con nêu trên của ông Xứng) và 6 DN là cổ đông sáng lập Công ty Rừng Toàn Cầu, trong đó 5 DN góp vào Công ty Rừng Toàn Cầu toàn bộ số vốn điều lệ của mình, là Công ty Hiển Vinh (thời điểm 14/8/2012 Công ty Hiển Vinh có vốn điều lệ 615 tỷ đồng), Công ty Phúc Thịnh, Công ty Môi trường xanh Toàn Cầu, Công ty Bình Minh, Công ty Nông Lâm Nghiệp Việt Nam.

Riêng Công ty Rừng bền vững Toàn Cầu chỉ có vốn điều lệ là 7.000 tỷ đồng, nhưng góp vào Công ty Rừng Toàn Cầu 10.000 tỷ đồng.

Ngày 1/11/2013, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cùng cán bộ Đội kiểm tra thuế số 1, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh lập biên bản xác minh về Công ty Rừng Toàn Cầu.

Theo đó, từ ngày thành lập đến thời điểm lập biên bản, Công ty Rừng Toàn Cầu không phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh gì, do đó chưa phát sinh nghĩa vụ thuế.

Theo công văn ngày 19/11/2013 của Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), từ khi thành lập đến nay Công ty Phúc Thịnh không có hoạt động gì. Bà Trần Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Thịnh không được giữ con dấu, mọi việc của Công ty do ông Cao Văn Xứng và vợ ông là bà Lê Thị Cẩn điều hành. Các văn bản có đóng dấu của Công ty Phúc Thịnh đa số không thông qua TGĐ, hoặc không được TGĐ ủy quyền.

rừng toàn cầu
Lô đất bỏ hoang đã thế chấp để vay tiền “Quỹ quay vòng Sida”, được ông Xứng khai giá trị sử dụng 205 tỷ đồng và góp vốn vào Cty Hiển Vinh, Cty Hiển Vinh góp vốn vào Cty Rừng Toàn Cầu.

Có hành vi lừa đảo

Những người có thâm niên trong giới kinh doanh tỉnh Khánh Hòa không lạ gì vợ chồng ông Cao Văn Xứng. Sau một thời gian làm ăn, phất lên nhờ buôn bán trầm hương, kỳ nam ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tháng 4/1992 họ thành lập Công ty TNHH Hưng Phát, chức năng kinh doanh là thu mua, chế biến lâm sản, đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa.

Tháng 12/1992, Công ty Hưng Phát được UBND tỉnh Khánh Hòa giao 7.050m2 đất và cho tạm sử dụng 330m2 đất, tổng cộng 7.380m2 tại đường 2 Tháng 4, khóm Tây Bắc, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang để xây dựng xưởng sản xuất.

Thời gian đó, Chính phủ Thụy Điển thành lập “Quỹ quay vòng Sida”, để cho các doanh nghiệp Việt Nam xoay vòng vay vốn sản xuất kinh doanh. Ngày 12/10/1993, Công ty Hưng Phát thế chấp quyền sử dụng 7.380m2 đất nói trên, để bảo lãnh cho XN May Minh Thắng vay 220.087 USD của “Quỹ quay vòng Sida”. Sau đó, Công ty Hưng Phát và XN Minh Thắng không thực hiện đúng cam kết, không trả được khoản vay trên cho Quỹ.

Sau nhiều năm không đòi được tiền, theo ủy quyền của Ban điều hành “Quỹ quay vòng Sida”, tháng 7/2000 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khởi kiện XN Minh Thắng.

Vietcombank đề nghị Tòa buộc XN Minh Thắng thanh toán cho “Quỹ quay vòng Sida” số tiền là 339.184 USD, phát mãi lô đất của Công ty Hưng Phát để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho XN Minh Thắng. Tuy nhiên, đến nay đề nghị trên vẫn chưa được thực hiện.

Tại công văn ngày 10/6/2008 gửi Vietcombank về việc giải quyết thu hồi nợ, Công an tỉnh Khánh Hòa nhận định, hành vi của ông Xứng và bà Cẩn đã có yếu tố của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng do cả Vietcombank và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) từ chối tư cách là người bị hại (nguyên đơn dân sự), nên Công an tỉnh Khánh Hòa chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.

Tháng 6/2003, CNĐKKD của Công ty Hưng Phát bị Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa thu hồi. Vợ chồng ông Xứng và bà Cẩn vào tỉnh Bình Phước, lập Công ty TNHH Chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương (Côn ty Thịnh An Khương). Năm 2007, họ quay lại Nha Trang, lập Công ty Hiển Vinh.

Dù lô đất ở đường 2 Tháng 4 đã mang thế chấp, ông Xứng vẫn khai giá trị quyền sử dụng lô đất này là 205 tỷ đồng, để góp vốn cổ phần trong Công ty Hiển Vinh.

Tại tỉnh Bình Phước, Công ty Thịnh An Khương do bà Lê Thị Cẩn làm Giám đốc đã vẽ ra nhiều dự án đầu tư trồng rừng, kết hợp với sản xuất lâm nghiệp ở nhiều địa phương, để vay vốn của rất nhiều cá nhân và ngân hàng. Ngày 15/11/2009, Công ty Thịnh An Khương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành về việc xin cấp vốn hỗ trợ dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhưng không được chấp thuận.

Tuy nhiên, Công ty Thịnh An Khương và Công ty Phúc Thịnh vẫn rêu rao với nhiều người, nhiều cấp chính quyền địa phương rằng, họ có dự án đầu tư hỗ trợ phát triển rừng bền vững, đang được Bộ NN&PTNT thẩm định. Khi dự án được thẩm định và Bộ KH&Đ ghi chỉ tiêu, họ sẽ giao tiền đến tận tay người trồng và chăm sóc rừng.

Tháng 5/2010, UBND tỉnh Bình Phước đã có công văn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cảnh giác hành vi lừa đảo của Công ty Thịnh An Khương. Ngày 21/5/2010, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động huy động vốn trái phép của Công ty Thịnh An Khương.

Ngày 20/4/2011, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục có công văn gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, khẳng định Bộ NN&PTNT không thẩm định bất cứ dự án trồng rừng nào của Công ty Thịnh An Khương và Công ty Phúc Thịnh.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn