Vị ngọt trở lại
Chỉ trong một phiên giao dịch ngày 18/2, đại gia đình nhà ông Đặng Thành Tâm thu về hơn trăm tỷ đồng, riêng ông Tâm có thêm hơn 80 tỷ nhờ cổ phiếu KBC được săn lùng và tăng kịch trần thêm gần 7%.
Trước đó, cổ phiếu KBC cũng đã có chuỗi 4 phiên tăng điểm mạnh và trong phiên giao dịch tiếp theo ngày 19/2, KBC tiếp tục tăng trần lên 13.500 đồng. Tính chung 6 phiên giao dịch, tổng giá trị của hơn 101 triệu cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm tăng thêm hơn 253 tỷ đồng.
Cú bứt phá ngoạn mục đã giúp tổng tài sản tính trên các cổ phiếu niêm yết của ông Tâm tăng vọt lên gần 1.570 tỷ đồng, vượt qua khá nhiều gương mặt doanh nhân khác để lọt trở lại vào tốp 10 người giàu nhất trên TTCK - vị trí mà ông đã nhiều lần đánh mất trong năm vừa qua.
Trong năm liền trước KBC lỗ hơn 435 tỷ đồng; 3 quý đầu năm 2013 DN này cũng đã lỗ gần 120 tỷ đồng, trước khi lãi đột biến gần 200 tỷ đồng trong quý IV/2013, kéo cả năm lãi trên 69 tỷ.Sự hấp dẫn trở lại của KBC lần này có lẽ không nằm ngoài những kết quả mà DN của ông Tâm đạt được trong quý vừa qua. Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của ông Tâm ghi nhận doanh thu tăng mạnh và lần đầu tiên sau 7 quý liên tiếp có lãi trở lại.
Giải thích sự hồi sinh trở lại, KBC cho biết là nhờ việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của công ty tăng trưởng đáng kể trong năm 2013, KBC đã ký kết được nhiều hợp đồng lớn với các tập đoàn nước ngoài... Đến quý IV/2013, công ty đã hoàn thành việc bàn giao đất và nhà xưởng cho khách hàng, đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.
Trong quý IV vừa qua, đại hội cổ đông KBC thông qua phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu. Theo FPTS, nếu thành công, KBC sẽ có thêm tối thiểu 1.000 tỷ đồng giúp tái cơ cấu nguồn vốn của tập đoàn, tăng năng lực vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính và giảm gánh nặng chi phí lãi vay.
Bên cạnh KBC, cổ phiếu ITA của ông Tâm và SGT cũng đang có sự phục hồi cho dù khó khăn vẫn còn rất nhiều.
Thành công lớn nhất của ông Tâm trong năm vừa qua có lẽ là do đại gia này duy trì được hai cỗ máy KBC và ITA hoạt động có lãi, tình hình nợ đã nhẹ bớt và có khá nhiều kế hoạch giảm nợ khác trong thời gian tới. Hình ảnh ông Tâm đã sáng sủa trở lại, không còn tiêu tụy như trong năm trước với hàng loạt các tuyên bố gây sốc đại loại như “có lúc muốn uống thuốc sâu tự tử”...
Bước qua sai lầm để thay đổi
Cho tới thời điểm này, chưa thể nói ông Đặng Thành Tâm đã hoàn toàn vượt qua khó khăn bởi các DN của ông vẫn còn gánh khá nhiều khoản nợ, nợ ngắn hạn thậm chí còn vượt cả tài sản ngắn hạn, tiền thu về phải nuôi hàng nghìn lao động và để trả lãi vay. Tuy nhiên, đã có ánh sáng cuối đường hầm. KBC của ông Tâm có lãi trở lại và đang tái cơ cấu lại khoản nợ. ITA được tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Kiên Lương và cũng đã có những kế hoạch cấu trúc lại nợ.
Thực tế, vài năm gần đây, từ thế mạnh khu công nghiệp, ông Tâm đã ồ ạt lấn sân sang các lĩnh vực khác. KBC được biết đến là DN chủ chốt trong lĩnh vực BĐS công nghiệp nhưng cũng đã đa dạng hóa ngành nghề với hàng loạt các khoản đầu tư lớn. Năm 2009, quy mô vốn của KBC được tăng lên chóng mặt sau khi huy động vài nghìn tỷ trái phiếu từ nhiều ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế còn tươi sáng, BĐS ấm áp và các ngân hàng có mối quan hệ “người nhà”. Bài học không chỉ ông Tâm mà nhiều đại gia khác gặp phải, đó cái bẫy đầu tư đa ngành, phát triển nóng. Điều quan trọng là, sai lầm đã được thừa nhận, lãnh đạo chấp nhận thất bại để thay đổi. Đây cũng chính là yếu tố làm nên sự thành công.
Sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế cùng với đó là lãi suất lên cao kỷ lục đã khiến các DN của ông Tâm trở tay không kịp, dòng tiền thu về hạn hẹp trong khi lãi phải trả quá lớn, nợ đến hạn tăng dần.
Chính ông Tâm từng thừa nhận đó là sai lầm. Thấy người ta làm, mình cũng lao vào làm nên nợ nần ngập đầu. Nếu chỉ đầu tư vào lĩnh vực BĐS công nghiệp, ông sẽ không phải vay nợ nhiều và rơi vào tình trạng bi đát như vậy.
Nếu như năm 2013, giới đầu tư chứng kiến một doanh nhân Đặng Thành Tâm “rất nhiều vấn đề” với hàng loạt các phát ngôn để đời thì giai đoạn này vị doanh nhân - nghị sĩ cũng có những thay đổi mạnh mẽ về nhận thức.
Báo cáo quản trị 2013 của Ngân hàng Navibank vừa được công bố gần đây cho thấy, vợ chồng ông Đặng Thành Tâm không còn vốn ở đây. Hơn 25 triệu cổ phiếu NVB đã được thoái hết trong năm 2013.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hai doanh nghiệp chủ chốt của ông Tâm là KBC và ITA nếu cầm cự được qua giai đoạn khó khăn thì sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay, DN vẫn thu hút được hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thì khi kinh tế hồi phục, lĩnh vực cho thuê đất khu công nghiệp còn phát triển rất mạnh.
Về ngắn hạn, ông Tâm còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết khối nợ hàng nghìn tỷ đồng, trong đó tất cả số trái phiếu vay từ 4 năm trước sẽ đáo hạn trong năm nay. Tổng tài sản các DN của ông Tâm rất lớn nhưng để có dòng tiền trả nợ không hề dễ dàng bởi một phần lớn là đầu tư tài chính dài hạn và hàng tồn kho (đầu tư dang dở ở các dự án BĐS).
Theo VietnamNet