Chòm râu của "Chúa Chổm"
Cái dư âm năm 2012, với những lời đồn đại và món nợ dù “không tới 500 triệu USD” (khoảng 10 ngàn tỉ đồng) của Tập đoàn gia đình mang tên Tân Tạo, có lẽ đã giải thích phần nào cho sự tiều tụy của doanh nhân (DN) từng đứng số 1 trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Năm 2013, với DN Đặng Thành Tâm là “một năm kinh hoàng” mà “tôi cảm thấy như người chết rồi”. Người từng giàu nhất Việt Nam, có lúc thẳng toẹt món nợ hàng ngàn tỉ. Nghị sĩ DN từng chua chát: “Số tôi không hợp chính trị gia”. Thậm chí, tệ hơn, có lúc từng thở than “tôi đi tù lấy ai trả nợ”. Nghị trường không phải là sân khấu.
Ông Tâm không phải là diễn viên. Ngoài việc ở nghị trường, ông phải trả lời - tạm gọi là thật thà - về những gì liên quan đến Tân Tạo, đến Kinh Bắc, đến cá nhân DN Đặng Thành Tâm.
“Nghĩ lại, nếu mình chỉ đầu tư khu công nghiệp thôi, chắc không phải đi vay nhiều như thế đâu. Chỉ vì, lúc đó thấy người ta lao vào làm, mình cũng bắt chước làm nên mới nợ nần như thế” - ông Tâm có lần ngậm ngùi.“Để trả mấy ngàn tỉ, chúng tôi cũng phải cố sống, cố chết bán cái này, cái kia nhưng cũng chỉ trả được một nửa. Hiện vẫn còn một nửa, khoảng mấy ngàn tỉ nữa không phải là con số nhỏ. Bây giờ, bán không ai mua, chứ không phải mình không dám bán”- ông Tâm giãi bày bên hành lang Quốc hội.
Nợ như “Chúa Chổm”, đến mức nghị sĩ Quốc hội bảo “Không trả được nợ, bắt tôi bỏ tù thì giải quyết được gì, nợ thì ai trả”.
Nợ, đến cứ mỗi sáng mở mắt là có một tỉ đồng chờ sẵn, để phải lo trả nợ vào ngân hàng.
Nợ đến mức doanh nhân tâm sự: “Lắm lúc chỉ muốn uống thuốc sâu tự tử”. Nhưng thật ra, người ta chỉ có thể thẳng thắn nghiền ngẫm được như thế hoặc khi đã bước đường cùng, hoặc đã nhìn thấy lối thoát.
Trong năm 2013, tập đoàn của ông Tâm đã thoái hết vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thủy điện để tập trung hoàn toàn vào khu công nghiệp, theo nguyên tắc “Cứ thu thêm được 2 đồng thì có 1 đồng trả nợ, còn 1 đồng tái đầu tư”.
Tới tháng 11, chấp nhận chủ nợ thành cổ đông, dù phải chia sẻ quyền lực tại Kinh Bắc, để cấn trừ công nợ cả ngàn tỉ.
“Trừ khi ngày mai bị đụng xe”
Nhưng đến giữa năm, Tân Tạo đã thu hút được hơn 1 tỉ USD đầu tư nước ngoài. Chưa kể “khoảng hai tỉ USD từ việc đầu tư nhà máy của Tập đoàn LG tại Hải Phòng”. Riêng đối với “hàng chục ngàn lao động”, ngay trong những năm tháng khó khăn, chưa một đồng lương bị nợ, chưa một lao động mất việc.
Và đến giữa năm, người ta hoàn toàn bất ngờ khi cái tên Đặng Thành Tâm trở lại top 10 đại gia chứng khoán với 20% giá trị tăng thêm so với hồi cuối 2012.
Chiến thuật sinh tồn của "ông nghị" Đặng Thành Tâm y chang như Bear Grylls - chuyên gia sinh tồn của Discovery - nằm trong hai chữ “co cụm”, cắt giảm tối đa hao phí năng lượng - nguồn lực. Và “cháo húp quanh công nợ trả dần”, kể cả việc phải bán rẻ, dù thực chất, đó là cách thức sinh tồn bằng việc ăn vào mồ hôi nước mắt chính mình.
Có lần, một cách tự kỷ, ông Tâm liệt mình vào “dạng”: “Thấy khoai vác mai đi đào”. Thấy người ta ngân hàng cũng ngân hàng, rồi chứng khoán cũng chứng khoán. Cũng đã có lúc, ông Tâm bảo ông chỉ muốn uống thuốc sâu tự tử. Nhưng giờ đây, ông đã có thể nói một câu nói có tính chất biểu tượng “Tôi sẽ tham dự đủ kỳ họp (Quốc hội) trừ khi ngày mai tôi bị đụng xe”.
Trở lại với cái vai nghị sĩ. Có lẽ, câu chuyện riêng của chính ông, của Tân Tạo như một hình ảnh tiêu biểu của cộng đồng DN. Nhưng, người còn sống đến giờ này cũng đã là một kỳ tích. Tập đoàn thu hút được 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam mà suốt 2 năm qua không vay được một đồng nào từ ngân hàng “và không hiểu tại sao”.
Đấy là một sự thật khác cho những tuyên bố về việc hạ lãi suất, nguồn vốn dồi dào và cơ hội tiếp cận vốn trong thực tế. Rất có thể, với đầy đủ “cái lý” ngân hàng sẽ viện dẫn những quy định về sự khả thi, về khả năng thu hồi, về trả nợ... Nhưng cũng có một cái lý khác: Doanh nhân mà không tiếp cận được vốn ngân hàng thì kinh doanh bằng gì? Hở trời.
Vị nghị sĩ - doanh nhân từng bảo “Nói thật là tôi sợ lắm rồi, kỳ tới sẽ không nghĩ đến chuyện tham gia Quốc hội nữa”.
Nhưng thật ra, Quốc hội cần có những đại gia, những doanh nhân thực sự phải “bạc tóc, dài râu” với “chiến trường” thương trường, với cơ chế, với cả hành lang, hơn là những người mang danh nghĩa đại diện cho cộng đồng DN ngồi cả khóa ở đó, thậm chí chẳng hé răng một lời.
Để ít nhất, cái khổ, cái khó của DN, cũng là cái khó, cái khổ của NLĐ được nói lên một cách công khai từ những lầm than trong thực tế chứ không phải là những báo cáo màu hồng.
Theo Lao Động