Phớt kết luận thanh tra nhà mạng vẫn 'luộc' tiền khách hàng

Thứ năm, 09/01/2014, 13:50
Hơn nửa tháng (từ ngày 25/12/2013 đến ngày 8/1/2014), Thanh tra Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải khắc phục và có cảnh báo rõ ràng khi đưa ra dịch vụ và công bố mức phí khách hàng có thể bị mất khi lựa chọn dịch vụ này, tránh tình trạng “gài bẫy” khách hàng. Nhưng tình trạng tự ý cài đặt ứng dụng, trừ tiền của khách hàng vô tội vạ vẫn ngang nhiên diễn ra như thách thức các cơ quan quản lý.

Chưa có chỉ đạo

Cụ thể, ngày 8/1, dịch vụ SuperSIM và LiveInfo của MobiFone, IOD của VinaPhone được cài sẵn trên sim điện thoại cho phép tải thông tin và tính phí vẫn tồn tại mà không có niêm yết giá cước hay bất kỳ cảnh báo nào cho thấy khách hàng lựa chọn dịch vụ sẽ bị tính phí.

Tình trạng nhà mạng tự ý cài ứng dụng và trừ tiền của khách hàng vẫn ngang nhiên diễn ra
Tình trạng nhà mạng tự ý cài ứng dụng và trừ tiền của khách hàng vẫn ngang nhiên diễn ra

Theo phản ánh của khách hàng, khi kích hoạt dịch vụ Super Sim và LiveInfo của MobiFone khách hàng đã bị trừ 2.000 đồng cho một lần chọn Kết quả bóng đá. Như vậy, từ sự lập lờ, không rõ ràng nhà mạng có thể thu về cả tiền trăm từ sự thiếu hiểu biết của khách hàng.

Tương tự với dịch vụ IOD của VinaPhone cũng vậy, khách hàng nghiễm nhiên bị trừ 500 đồng cho một lần lựa chọn tiêu đề dịch vụ.

Điều đáng nói, với sai phạm này Thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ, Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 về chống thư rác đã yêu cầu rất rõ các doanh nghiệp phải công khai niêm yết đầy đủ, rõ ràng giá, cước dịch vụ.

Theo quy định, có thể yêu cầu nhà mạng phải dừng ngay việc cung cấp dịch vụ, nhưng trước mắt, thanh tra yêu cầu các nhà mạng phải khắc phục và có cảnh báo rõ ràng khi đưa ra dịch vụ và công bố mức phí khách hàng có thể bị mất khi lựa chọn dịch vụ này, tránh tình trạng “gài bẫy” khách hàng.

Theo giải thích của nhân viên tổng đài MobiFone, đó là yêu cầu của thanh tra bộ với lãnh đạo nhà mạng. Đến thời điểm này dịch vụ tích hợp sẵn được cài đặt trên sim vẫn đang được thực hiện. Kết luận của thanh tra Bộ TT&TT thế nào giao dịch viên của nhà mạng vẫn chưa nắm được (!?).

Về phía nhà mạng, hiện tại đã có sự cải thiện trong việc cung cấp dịch vụ này.

"Trước đây, khi đấu nối dịch vụ với sim mới, dù không cần kích hoạt dịch vụ vẫn tự động mở và khách hàng sẽ bị mất phí nếu kích vào các tiêu đề của dịch vụ được mở sẵn trên máy. Nhưng hiện tại, dịch vụ không được mở tự động nữa, chỉ khi khách hàng lựa chọn dịch vụ này thì mới bị mất phí", nhân viên tổng đài giải thích.

Tuy nhiên, kể cả với việc thay đổi này thì nhà mạng cũng vẫn chưa đưa ra cảnh báo khách hàng sẽ bị mất phí khi lựa chọn dịch vụ. Cũng có nghĩa nhà mạng cứ cung cấp dịch vụ, khách hàng lựa chọn thì mất phí, không chọn thì không mất, nếu có nhỡ tay thì phải chịu?

Về phía tổng đài VinaPhone thì giải thích: "Hiện tại chưa có chỉ đạo nào từ phía lãnh đạo là phải dừng cung cấp dịch vụ này. Kết luận thanh tra là việc của cơ quan thanh tra và lãnh đạo nhà mạng, chỉ khi nào có chỉ đạo dừng dịch vụ lúc đó nhà mạng mới dừng cung cấp dịch vụ", nhân viên này cho biết.

Phớt lờ cơ quan quản lý?

Tình trạng này cũng vẫn xảy ra với dịch vụ Viettel Plus của Viettel. Dường như yêu cầu của thanh tra Bộ TT&TT không có tác động buộc các nhà mạng phải thực hiện khắc phục sai phạm.

Bằng chứng là dịch vụ Viettel Plus của Viettel vẫn tự động cập nhật khi khách hàng kích hoạt sim. Với dịch vụ dạng câu hỏi mở, khách hàng chỉ cần nhỡ tay hoặc tò mò lựa chọn "ok" là nghiễm nhiên bị trừ 2.000 đồng.

Dịch vụ này cũng không có cảnh báo nào nếu lựa chọn khách hàng sẽ bị mất tiền mà tất cả chỉ là những câu hỏi mở dẫn khách hàng vào trả lời. Và mỗi lần trả lời là một lần khách hàng bị trừ tiền.

Giải đáp thắc mắc của khách hàng, nhân viên tổng đài Viettel cho biết, đây là dịch vụ sim sẽ được tự động cập nhật cung cấp các thông tin trên điện thoại di động về các lĩnh vực thời sự, văn hóa, giải trí. Thông tin tiện ích giúp khách hàng cập nhật thường xuyên.

"Đây là dịch vụ nhà mạng đã cung cấp từ lâu, hiện tổng đài chưa nhận được thông tin chỉ đạo nào cho biết phải ngừng cung cấp dịch vụ này. Nếu khách hàng không muốn thì hủy đi hoặc ra cửa hàng đổi sim", nhân viên này tư vấn.

Trước đó, báo Đất Việt đã có bài viết phản ánh tình trạng các nhà mạng "luộc" tiền khách một cách vô tội vạ.

Cụ thể với hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone, khách hàng phản ánh tình trạng tự cài đặt ứng dụng “đặt bẫy” khách hàng.

Với dịch vụ SuperSIM và LiveInfo của MobiFone, IOD của VinaPhone được cài sẵn trên sim điện thoại cho phép tải thông tin và tính phí. Điều đáng nói các dịch vụ này không hề  niêm yết giá cước, không có thông tin cảnh báo giá cước.

Chị Thanh H (Nguyên Hồng, Hà Nội) ca thán, khi kích hoạt dịch vụ này thì chị đã mất phí tới 5.000 đồng/lần. Nhưng dịch vụ không có cảnh báo tính phí mà được cài sẵn trên sim.

Với dịch vụ của nhà mạng Viettel cũng vậy, ngày 25/12/2013, theo phản ánh của chị Vũ Thị L (Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội), chị mua một sim của nhà mạng này với giá 75.000 đồng. Khi kích hoạt sim này thì máy tự động cập nhật dịch vụ Viettel Plus, khi chọn ok là bị trừ tiền.

Điều đáng nói dịch vụ không có cảnh báo nào nếu lựa chọn khách hàng sẽ bị mất tiền mà tất cả chỉ là những câu hỏi mở dẫn khách hàng vào trả lời. Và mỗi lần trả lời là một lần khách hàng bị trừ tiền.

Trước phản ứng của khách hàng, MobiFone đã có phản hồi và cho biết nhà mạng đang cùng Bộ TT&TT bàn cách khắc phục. Trong khi đó hai nhà mạng Viettel và VinaPhone chưa có phản hồi.

Phải chăng do cơ chế quản lý hay do chế tài quá nhẹ, cách xử lý xuê xoa dễ dãi khiến các nhà mạng "nhờn" luật, coi thường khách hàng, kiếm lời bất chính?

Phải khởi tố hình sự:
Việc nhà mạng tự ý cài ứng dụng thu về cả trăm tỉ đã được thanh tra Bộ TT&TT chỉ rõ.
Cụ thể, thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu VinaPhone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng.
Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra tồn tại ở cả ba nhà mạng chiếm thị phần chi phối.
Tại VinaPhone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Phản ứng trước thông tin này, các luật sư đều lên tiếng cho rằng cần phải khởi tố hình sự, yêu cầu các nhà mạng hoàn trả lại số tiền này cho khách hàng.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích