Phó Thủ tướng nói "không làm gì", EVN vẫn quyết thưởng Tết

Thứ năm, 09/01/2014, 13:28
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lên kế hoạch thưởng Tết sau khi tính toán con số lãi được 120 tỷ đồng trong năm 2013.

Theo Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, ngoại trừ các khoản lỗ luỹ kế, lỗ do chênh lệch tỉ giá của các năm trước để lại, năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN đã có những chuyển biến tích cực, trong đó đáng chú ý là khoản lãi 120 tỷ đồng của công ty mẹ EVN. Do vậy, “vấn đề thưởng Tết thì chúng tôi vẫn phải thực hiện theo quy chế”, ông Thanh nói.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 diễn ra sáng 4/1, ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm vừa rồi, doanh thu bán điện toàn EVN năm 2013 ước đạt 172.470 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá bán lẻ điện đến  31/12/2012 gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện hơn 4.700 tỷ đồng. Riêng sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2012 lãi khoảng 4.404 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phát biểu của mình, ông Đặng Hoàng Anh thừa nhận, EVN lãi là do tăng giá điện.

Liên quan tới vấn đề này, khi EVN tiếp tục đặt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 1% cho năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn:  “1% là gì? 1% là không làm được gì cả. Chuẩn mực của thế giới là 7-12%, 7% đã là hết sức khó khăn trong chuyện giao tiếp với ngân hàng rồi”.

EVN vẫn thưởng Tết cho dù lãi chỉ là do việc tăng giá.

Vậy nhưng, EVN vẫn tiếp tục được vay các khoản lớn từ các ngân hàng. Cụ thể như hồi tháng 7/2013, Vietcombank đã làm đầu mối thu xếp 14.500 tỷ đồng vốn vay thương mại cho dự án thủy điện Lai Châu. Và Ngân hàng nhà nước cũng cho biết tổng dư nợ tín dụng của tập đoàn này tính đến 30/9/2013 đã lên tới 144.000 tỷ đồng.

Đó là chưa kể, theo báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước, EVN đứng đầu bảng nợ.

Cụ thể, nợ phải trả của EVN là 103.194 tỷ  đồng trong tổng số nợ 1.348.752 tỷ đồng của 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con.

Năm 2011, nợ phải trả của EVN là 275.278 tỷ đồng trong đó Công ty mẹ: 210.324 tỷ đồng trên tổng số nợ 1.292.400 tỷ đồng. Nợ quá hạn của EVN là 10.149 tỷ đồng.

Do vay đầu tư nhà máy điện nên số nợ nước ngoài của EVN là 99.260 tỷ đồng, chiếm 69,5% trong tổng số nợ 142.853 tỷ đồng.

Có thể giải thích cho sự tự tin của EVN bằng phát biểu của Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh: “Trên thế giới xem có Tập đoàn điện lực của quốc gia nào phá sản không. Chứ bây giờ Tập đoàn này vỡ thì đất nước này đi về đâu? Có Tập đoàn điện lực nào được phép vỡ nợ không?”.

Được biết, ngay từ đầu năm 2014, EVN đã lại đề nghị tăng giá điện. Tập đoàn này đặt mục tiêu năm 2014 sẽ có lãi.

Theo Báo Đất Việt

Các tin cũ hơn