Làn sóng tẩy chay dịch vụ 3G: Làm rõ nghi vấn nhà mạng "bắt tay nhau"

Thứ sáu, 18/10/2013, 07:37
“Sau khi có thông tin về việc tăng giá cước, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan, đồng thời thu thập thông tin để xem xét việc tăng giá cước 3G đồng loạt có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không”. Đây là chia sẻ của ông Trần Anh Sơn - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tại buổi giao lưu trực tuyến “Vì sao tăng cước 3G?” do Báo điện tử Infonet tổ chức ngày 17/10.
3 văn bản chấp thuận được ký cùng 1 ngày

Như Báo Giao thông số 79, ra ngày 17/10 đã đề cập, việc cả 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone đồng loạt tăng giá cước 3G từ 0h00 ngày 16/10, thậm chí là cùng có gói cước với giá tăng cao nhất lên tới 40%, khiến dư luận đặt “nghi vấn” về việc độc quyền nhóm, bắt tay liên kết thỏa thuận giá.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, đại diện các nhà mạng đều đưa ra những lý do để chứng minh rằng, thời điểm có văn bản đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông tăng giá cước 3G là hoàn toàn khác nhau. Đại diện Mobifone cho biết, đã đăng ký tăng cước 3G bằng văn bản vào ngày 9/8/2013, trong đó đề xuất tăng cước từ ngày 1/9/2013.
Khách hàng đăng ký dịch vụ 3G của nhà mạng Mobifone
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng kinh doanh Tập toàn Viễn thông quân đội Viettel dẫn chứng, Viettel xin điều chỉnh giá cước từ ngày 1/10 và được cơ quan quản lý cho phép trong thời gian đầu tháng 10.
"Hàng năm chúng tôi vẫn kiểm tra chất lượng dịch vụ nhưng chủ yếu theo cam kết của doanh nghiệp chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể. Từ giờ đến cuối năm 2013, khi có tiêu chuẩn, cơ quan quản lý sẽ khẩn trương tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ data.
Sau đó, sẽ công bố công khai toàn bộ kết quả về chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, trong đó có chỉ tiêu mà doanh nghiệp cam kết đồng thời với đợt điều chỉnh giá cước lần này”.
Ông Nguyễn Đức Trung
Phó cục trưởng Cục Viễn thông
(Bộ Thông tin & Truyền thông)

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, cả 3 doanh nghiệp (DN) đều có văn bản đề nghị từ tháng 8. Trong quá trình thẩm định, DN cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13/9/2013.

“Trên cơ sở giải trình của DN, chúng tôi có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước. Văn bản chấp thuận được ký cùng một ngày 4/10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các DN. Chúng tôi không ấn định thời điểm tăng giá thành”, ông Trung nói.

Trước câu hỏi về việc 3 DN chiếm 97% thị phần, cùng tăng giá cước 3G lên cao nhất đến 49%, liệu có dấu hiệu thỏa thuận cùng tăng giá cước, vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, ông Trần Anh Sơn - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, hiện Cục đang thu thập thông tin cần thiết, căn cứ thông tin nhận được và trao đổi với Bộ Thông tin & Truyền thông, sau đó mới có thể đưa ra những nhận định của mình.

Giá cước 3G sẽ tăng tiếp(!?)

Theo tính toán của các nhà mạng, đợt tăng cước 3G từ ngày 16/10 vẫn chưa đưa giá cước 3G tiệm cận với giá thành. Ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) viện dẫn, hiện 80% giá thành tính vào cơ sở hạ tầng.
Nhà mạng không tự sản xuất được thiết bị mà nhập khẩu. Vì thế về nguyên tắc giá thành phải tương đương với các nước trong khu vực. Theo tính toán của Cục Viễn thông, sau khi điều chỉnh, giá cước 3G tại Việt Nam chỉ bằng 39,6% so với khu vực ASEAN.

Đưa ra viện dẫn là Luật Viễn thông (Khoản 2, Điều 55) nói rằng, giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ: Giá thành, quan hệ cung - cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới ông Trung cho rằng, để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh cần phải tách bạch trong kinh doanh tránh bù chéo giữa các dịch vụ.
“Với giá cước như trước điều chỉnh từ 16/10/2013 thì việc doanh nghiệp điều chỉnh tăng cước là việc cần làm. Ngoài ra, nếu thị trường không có biến động lớn thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ tiếp chỉnh điều chỉnh tăng cước như lộ trình đã đăng ký, đảm bảo giá cước không thấp hơn giá thành để thị trường phát triển bền vững, tránh đổ vỡ”, ông Trung khẳng định.
Theo GTVT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích