Trong thế giới thương hiệu, không có thương hiệu nào khác từ cổ chí kim lại được tạp chí Fortune phải sử dụng nhiều tính từ và đều ở mức độ “nhất thế giới” đến như vậy để đánh giá như: McKinsey là hãng tư vấn doanh nghiệp nổi tiếng nhất, kín tiếng nhất, đắt nhất, danh giá nhất, đáng tin cậy nhất, bị ganh tỵ nhất và bị ghê tởm nhất trên thế giới.
Giữa hư và thực
Ở hãng chuyên về dịch vụ thuộc loại đặc biệt này, cái giá mà khách hàng phải trả cao hơn, thời gian làm việc dài hơn, tiêu chuẩn chất lượng nổi trội hơn, cộng sự thông minh hơn và kết quả cuối cùng tốt hơn so với các hãng tư vấn doanh nghiệp khác – Đó là đánh giá của McKinsey về chính mình. Ở đó thể hiện mức độ tự tin đến ngạo mạn. Lòng tin không dấu diếm vào khả năng và danh giá của chính mình là một thành tố văn hóa doanh nghiệp đặc thù đối với thương hiệu này.
Tại McKinsey, các nhân viên thường công khai thể hiện đẳng cấp của hãng bằng những ngôn từ như “Chúng tôi không học từ khách hàng vì tiêu chuẩn và tiêu chí của họ không đủ mức cao”, hay “Chúng tôi học từ những đối tác và đối thủ cạnh tranh của hãng”…
McKinsey ra đời năm 1926. Khi đó, James O. McKinsey thành lập công ty James O. McKinsey ở Chicago (Mỹ). Năm 1929, Tom Kearny vào làm việc cho McKinsey, còn Martin Bower vào năm 1931. Sau khi James O. McKinsey qua đời đột ngột năm 1937, Bower và Kearny quản lý công ty. Sự bất đồng quan điểm giữa hai người này khiến công ty bị phân chia thành hai chi nhánh ở Chicago với Tom Kearny dưới tên gọi “McKinsey and Kearny” và New York với Martin Bower dưới tên gọi “McKinsey & Company”. Năm 1947, Bower mua lại tên thương hiệu McKinsey & Company. Kearny thành lập thương hiệu riêng là A.T. Kearny & Associates.
McKinsey chuyên về tư vấn doanh nghiệp nhưng rồi dần sử dụng uy tín có được để thực hiện những đơn đặt hàng tư vấn cho chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới về chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ. Cơ cấu hay tái cơ cấu, cải cách hay tái cải cách, chuyển đổi hay thay đổi, quy hoạch phát triển và tổ chức triển khai thực hiện – đó là những lĩnh vực hoạt động kinh doanh chủ yếu của McKinsey.
Về bản chất, McKinsey là một thương hiệu dịch vụ. Nhưng về tính chất thì sản phẩm mang tên thương hiệu này rất đặc biệt và không thông dụng với công chúng. Chuẩn xác và cụ thể nhưng lại phải rất kín đáo, tế nhị, đặc biệt là được các chính phủ coi trọng và sủng ái, nể sợ và không dám bỏ qua, McKinsey dần tạo ra được vỏ bọc bên ngoài vừa chói sáng hào quang của thành công lại vừa huyền hoặc bí hiểm của cái mơ hồ, trôi dạt giữa hư và thực, giữa lời đồn thổi và thông tin được kiểm chứng. Tác nhân này không phải thương hiệu nào về tư vấn doanh nghiệp trên thế giới cũng có được và dĩ nhiên đóng góp rất quan trọng vào thành công của thương hiệu.
“Phương pháp McKinsey”
Thế giới thương hiệu tốn nhiều thời gian và công sức, giấy viết và bút mực để viết về bí quyết thành công của McKinsey hơn là về lịch sử khá đơn giản của thương hiệu này. Tác giả của những cuốn sách và công trình nghiên cứu về lịch sử thương hiệu McKinsey đã chỉ ra nhiều “nguyên tắc hoạt động” được coi là bí quyết thành công của thương hiệu. Trong số đó, có tuyển lọc lại 10 bí quyết thành công hàng đầu của hãng.
Thứ nhất, muốn thành công thì phải năng động. Tiến hành cách mạng ở bên trong đưa lại cải tiến sáng tạo. Những gì được thực hiện ở McKinsey đều phải đi trước và mở đường cho các đối tác. Thứ hai, muốn thành công thì phải hợp tác tạo thành đội ngũ, kết tụ nhiều ý tưởng và tạo nên trí thức nổi trội. Thứ ba, cộng sự tự lãnh đạo chính mình; phần thắng thuộc về những ai nhanh hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn. Khách hàng là một phần của nhóm làm việc. Phải có được thông tin và tri thức từ nguồn để nhanh chân hơn đối thủ cạnh tranh. Để thành công trong việc này cần kết nối những bộ phận nhỏ với nhau thay thế cho bộ máy quản lý cồng kềnh và trì trệ.
Thứ tư, muốn cải tiến sáng tạo cần chấp nhận rủi ro. Cộng sự có trách nhiệm phản biện và tranh luận. Khích lệ và trả công cho cộng sự theo kết quả lao động cụ thể. Thành công tạo ra thói quen làm trì trệ con người. Thứ năm, doanh nghiệp phải hoạt động trên bình diện toàn cầu, có trách nhiệm cho khu vực và chi nhánh ở đó. Nhờ Internet, các doanh nghiệp nhỏ có thể tạo dựng sự hiện diện toàn cầu.
Thứ sáu, phải liên kết tính năng động của các doanh nghiệp mới vào cơ cấu của các doanh nghiệp đã định hình vững vàng. Cần có những con người vừa muốn thay đổi thế giới vừa có đủ những khả năng kỹ thuật cần thiết để làm việc đó. Thứ bảy, sẽ thất bại nếu chủ quan, ngạo mạn, phớt lờ những phát triển mới và phân tích sai những nhu cầu đòi hỏi của khách hàng. Định hướng đưa tới thành công phải là “nhà quản lý bám sát thực tế” và “ưu tiên hàng đầu cho khách hàng”.
Thứ tám, những ai không động chạm tới giới hạn của chính mình đều sẽ không thành công. Về lâu dài, chỉ những doanh nghiệp dám “tấn công” và vượt lên trên đối thủ cạnh tranh bằng những sản phẩm sáng tạo thì mới thành công. Thứ chín, doanh nghiệp chỉ duy trì được vị trí hàng đầu khi dám trực diện với những thách thức luôn thay đổi. Và cuối cùng, hài hước và cởi mở chứ không cố chấp và bi quan. Chỉ như vậy mới tránh được những tình huống khó xử trong hốt hoảng và tuyệt vọng.
Có thể thấy, nhờ những bí quyết đó, McKinsey thành công trên cơ sở tạo dựng đội ngũ cộng sự có trình độ chuyên môn để vừa tư vấn chiến lược lại vừa đi vào cụ thể nên tránh được sai sót và sai lầm. McKinsey lựa chọn khoảng 1% từ gần 225.000 ứng viên hàng năm nhưng không chấp nhận ai thích thể hiện thành “sao”.
“Quan hệ” là bí quyết thành công đặc biệt quyết định của McKinsey. Theo thời gian, McKinsey gây dựng được mạng lưới quan hệ sâu rộng giữa tất cả các lĩnh vực chính sách, từ cấp cao nhất với quyền sinh quyền sát đến cấp nhân viên thực hiện. McKinsey đã phát triển từ tư vấn doanh nghiệp sang tư vấn chính phủ và lợi dụng cái này phục vụ cái kia.
Cái gọi là “Phương pháp McKinsey” thật ra không có gì mới lạ và chẳng khác gì một mớ lý thuyết. McKinsey thành công hơn tất cả nhờ biết cách thực hiện hiệu quả nhất nên khách hàng dù phải trả giá đắt nhất cho McKinsey nhưng vẫn không thể không công nhận rằng đúng là tiền nào của nấy.
Theo DĐDN