Những sai phạm “động trời” chưa từng tiết lộ về PG Bank

Thứ sáu, 21/02/2014, 10:41
Tuy không nằm trong danh sách bị điều tra nhưng nhiều sai phạm của Ngân hàng PG nếu được công bố sẽ khiến nhiều người “giật mình"...

LTS:Dư luận gần đây đang xôn xao vụ án bầu Kiên và 22 ngân hàng liên quan nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ ngân hàng ACB bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tách riêng, xử lý trong vụ án khác. 

Tuy không nằm trong danh sách bị điều tra nhưng nhiều sai phạm của Ngân hàng PG (Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex) liên quan đến các hợp đồng bảo lãnh cho Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú, Công ty Cổ phần PVI (Bảo hiểm Dầu khí) ... được công bố sẽ khiến nhiều người “giật mình”.


Kỳ 1: Cùng một tài sản được thế chấp tại nhiều ngân hàng

Trong khi tài sản của doanh nghiệp (DN) đã được thế chấp tại một ngân hàng khác nhưng khi thẩm định, PG Bank không phát hiện ra hoặc cố tình “làm ngơ” để cho DN tiếp tục được bảo lãnh trái phiếu hàng trăm tỷ đồng tại PG Bank...

PG Bank

Những phi vụ “đi trên dây”

Sau khi kiểm tra, Ban Kiểm soát của Ngân hàng PG đã phát hiện trong quá trình bảo lãnh trái phiếu và giải tỏa tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng đối với Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú, PG Bank đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 30/12/2010, PG Bank ký Hợp đồng bảo lãnh thanh toán trái phiếu số 27/HDBLTP/PGB-2010 với giá trị bảo lãnh 100 tỷ đồng. Có hai phụ lục đi kèm là Phụ lục số 01/PLHDBLTP/PGB-2010 ngày 31/12/2010 trị giá 40 tỷ đồng bảo lãnh cho Công ty Cổ phần PVI (Bảo hiểm Dầu khí) và Phụ lục số 02/PLHDBLTP/PGB-2010 ngày 04/1/2011 trị giá 60 tỷ đồng bảo lãnh cho Ngân hàng TNHH Indovina.

Hợp đồng bảo lãnh và 2 phụ lục đi kèm này được ký để bảo lãnh thanh toán trái phiếu do Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú phát hành để đầu tư xây dựng và phát triển kinh doanh dự án “Tổ hợp siêu thị kết hợp nhà ở Tiến Thành” tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội).

Theo đó, tài sản bảo đảm của việc ký hợp đồng bảo lãnh là quyền sử dụng lô đất tại địa chỉ số 376 Trần Cao Vân (Đà Nẵng) và công trình trên đất là Bệnh viện Bình Dân. Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú tự nguyện thế chấp toàn bộ tài sản trên cho PG Bank. Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú phải chuyển toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu về tài khoản mở tại PG Bank và sử dụng số tiền trang trải các chi phí thực hiện dự án với sự kiểm soát của PG Bank.

Tiếp đến, ngày 13/4/2011, PG Bank tiếp tục ký Hợp đồng bảo lãnh thanh toán trái phiếu số 08/HDBLTP/PGB-2011 với giá trị là 100 tỷ đồng. Có 01 Phụ lục hợp đồng đi kèm là số 01/PLHDBLTP/PGB-2011 ngày 13/4/2011 trị giá 50 tỷ đồng bảo lãnh cho Công ty Tài chính CP Dệt may Việt Nam. Hợp đồng bảo lãnh và phụ lục đi kèm này được ký để tiếp tục bảo lãnh thanh toán trái phiếu năm 2011 do Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú phát hành để đầu tư xây dựng và phát triển kinh doanh dự án “Tổ hợp siêu thị kết hợp nhà ở Tiến Thành” tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên – Hà Nội).

Nội dung của hợp đồng ghi rõ tài sản đảm bảo thế chấp toàn bộ dự án “Tổ hợp siêu thị kết hợp nhà ở Tiến Thành”, đồng thời, phong tỏa toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, chỉ cho phép Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú được sử dụng tiền khi cung cấp cho PG Bank các giấy tờ liên quan đến dự án (Giấy chứng nhận đầu tư, thiết kế chi tiết dự án, Tổng dự toán đã được duyệt...).

Ngoài ra, ngày 30/11/2011, PG Bank tiếp tục ký hợp đồng bảo lãnh thanh toán cho Công ty Cổ phần PVI với giá trị 50 tỷ đồng nhưng lại không có phụ lục hợp đồng.

DN dễ dàng “qua mặt” hệ thống thẩm định của ngân hàng?


Trong quá trình lập báo cáo thẩm định để ký các hợp đồng bảo lãnh nói trên, PG Bank đã vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, tại Báo cáo thẩm định ngày 10/12/2010 cho việc phát hành 100 tỷ đồng (liên quan đến Hợp đồng bảo lãnh thanh toán trái phiếu số 27/HDBLTP/PGB-2010 ngày 30/12/2010) liên tục xác nhận tính hợp pháp của tài sản tại số 376 Trần Cao Vân (Đà Nẵng) và đưa ra các tính toán, định giá giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng của bệnh viện trong khi thực tế bất động sản này đã được chính Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú thế chấp cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ ngày 02/4/2010.

Về tài sản đảm bảo toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thuộc Dự án tổ hợp siêu thị kết hợp nhà ở Tiến Thành tại Khu đô thị Việt Hưng thực tế tài sản này đã được thế chấp tại Sở giao dịch Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam từ ngày 02/8/2010.

Vi phạm trong quá trình thẩm định được Ban kiểm soát PG Bank xác nhận đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của ông Phạm Cao Cường (Trưởng bộ phận dự án và khách hàng ngoài Petrolimex) và ông Nguyễn Tiến Dũng (Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp trong khi thẩm định, đề xuất cấp tín dụng.

Câu chuyện cấp tín dụng cho DN và sự vô tình hay cố ý của đội ngũ thẩm định PG Bank cần phải được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Con đường làm “bốc hơi” 200 tỷ đồng của PG Bank sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong kỳ tiếp theo.

Theo GDVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn