Ông Lịch nói:
Thị trường hiện không phải là không thuận lợi cho CPH. Nếu những doanh nghiệp chào bán hấp dẫn, với lãi suất huy động như hiện nay thì CPH vẫn hút được vốn của nhà đầu tư. Nhà nước phải CPH để thu về tiền chẵn, chứ lấy tiền lẻ (cổ tức) làm gì. Lấy tiền chẵn mới làm được việc lớn.
Dự kiến năm 2014, Vietnam Airlines sẽ được cổ phần hóa. |
Chủ trương đẩy nhanh CPH đã có từ nhiều năm trước, theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tiến trình CPH bị tắc?
CPH doanh nghiệp nhà nước được bắt đầu làm thí điểm từ năm 1993-1995, nay đã là 21 năm rồi. Tôi là người đầu tiên làm đề án CPH cho TP.HCM thí điểm từ năm 1993. Theo dõi quá trình này cho thấy việc CPH trong những năm gần đây bị khựng lại, đặc biệt từ giai đoạn 2006 đến nay.
Nguyên nhân thứ nhất, sâu xa, bao trùm liên quan đến quan điểm, nhận thức khi triển khai nghị quyết của Đảng về CPH, sắp xếp vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù quan điểm của Đảng đã nói rõ Nhà nước nắm những ngành nào, lĩnh vực nào nhưng khi triển khai dường như người ta vẫn còn bám víu, sợ CPH, bán vốn nhà nước đi làm suy yếu kinh tế nhà nước.
"Những doanh nghiệp mà không muốn làm, phải dứt khoát như Thủ tướng nói hay như Bộ Giao thông vận tải, là sẽ thay đổi chủ tịch, tổng giám đốc. Vì đây là doanh nghiệp nhà nước chứ không phải của cá nhân mấy ông đó" Ông Trần Du Lịch |
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa qua, Thủ tướng phát biểu là nhận thức chưa rõ về vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước, chưa có sự thống nhất với nhau nên đã có sự ngập ngừng khi triển khai các chính sách và giải pháp cụ thể. Tôi cho rằng việc triển khai về CPH doanh nghiệp nhà nước nằm trong cái ngập ngừng này. Vì thế cần phải đổi mới về mặt nhận thức.
Nguyên nhân thứ hai, giai đoạn đầu của CPH chúng ta không tính giá đất vào giá trị CPH. Nhờ đó, một số doanh nghiệp CPH sớm được thuê đất với giá ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước. Họ có lợi thế ghê gớm về đất đai. Thậm chí có khách sạn ở trung tâm Hà Nội khi CPH không định giá đất mà chỉ tính tài sản trên đất nên trị giá chỉ hơn 3 tỉ đồng. Có nghĩa là chúng ta đã quên không định giá đất, để doanh nghiệp có quyền thuê với giá bèo.
Sau một thời gian như vậy, chúng ta giật mình nên lại đưa toàn bộ giá đất vào giá trị CPH. Chúng ta đưa vào đúng thời kỳ giá đất đang là giá ảo, khiến phần vốn nhà nước bỗng nhiên tăng vọt lên hàng chục lần. Vì thế không ai đi mua cổ phần hết, dẫn đến bị tắc. Việc này cùng với tác động của tình hình kinh tế suy giảm từ năm 2008-2013 làm CPH không còn hấp dẫn nữa.
Thứ ba, tôi cho rằng CPH đụng tới lợi ích. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói CPH nhưng lại đặt ra mọi khó khăn để duy trì quyền lợi của mình ở đó. Ở những doanh nghiệp mà lãnh đạo có năng lực, họ sẽ luôn nhìn thấy thị trường, tiềm lực ở thị trường thì họ vẫn ủng hộ CPH. Bởi chắc chắn CPH xong họ sẽ được mời ở lại làm lãnh đạo. Tuy nhiên, số đông rơi vào trường hợp nếu không là doanh nghiệp nhà nước thì họ không còn chỗ đứng nữa. Đụng đến lợi ích nên họ không muốn CPH.
Theo ông, làm sao để trong hai năm thực hiện CPH 432 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước?
Tôi cho rằng có ba việc phải làm. Việc thứ nhất là phải dứt khoát về mặt quan điểm. Chỉ những lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ như: ngành công nghiệp quốc phòng, những lĩnh vực tư nhân không thể đầu tư như công nghệ cao, công nghiệp nặng thiết yếu với nền kinh tế, hay doanh nghiệp dịch vụ công cộng... Ngoài ra, Nhà nước dứt khoát không nắm giữ.
Thứ hai, nói CPH các tổng công ty thì phải CPH nguyên cả tổng công ty, chứ không chỉ làm lẻ tẻ từng đơn vị thành viên. Tôi ví dụ Tập đoàn Dệt may VN, hoàn toàn có thể đánh giá tập đoàn này để CPH toàn bộ tập đoàn. Thuê tư vấn độc lập đánh giá, mời đối tác chiến lược, Nhà nước bán bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu, bán theo lộ trình. Khi đó đương nhiên các đơn vị thành viên sẽ tự động phải xử lý.
Cuối cùng là không tính giá đất vào CPH. Nhưng phải điều chỉnh giá thuê đất, không thể giá thuê chênh lệch với thị trường như vậy được. Và có thể tính một chút thương quyền - quyền được thuê đất vào vốn nhà nước. Có thể tính toán ở mức độ mà thị trường chấp nhận và có lộ trình điều chỉnh phù hợp thị trường. Làm như vậy, hoàn toàn có thể xử lý CPH các tổng công ty rất nhanh.
Thực tế một số doanh nghiệp khi CPH vẫn muốn Nhà nước giữ cổ phần chi phối mặc dù không thuộc những ngành Nhà nước cần nắm giữ. Điều này về mặt quản trị doanh nghiệp vẫn không thay đổi, Nhà nước vẫn điều hành, bổ nhiệm cán bộ... Làm sao thay đổi điều này, thưa ông?
Hỏi họ giữ chi phối để làm gì? Họ muốn ngồi đó. Nếu bán cho tư nhân, họ sẽ mất chỗ. Nhưng những giám đốc doanh nghiệp nhà nước có trình độ thì họ không sợ việc này. Vì dù tư nhân thì người ta vẫn thuê họ. Theo tôi, với những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ thì CPH không cần để Nhà nước nắm tới 51%. Bởi theo luật, nó vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Đã CPH rồi mà vẫn là doanh nghiệp nhà nước thì CPH làm gì?
Đã CPH, những công ty thuộc ngành Nhà nước không cần nắm giữ, cần thảo luận chào mua với các đối tác chiến lược, sau đó phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Phải có đối tác chiến lược tham gia để thay đổi quản trị doanh nghiệp. Nếu làm theo lộ trình này trong vài năm tới, Nhà nước có thể thu hồi một số tiền rất lớn khoảng vài trăm ngàn tỉ đồng. Dùng số tiền này để đầu tư lĩnh vực giao thông, y tế, phúc lợi xã hội, giảm phần đi vay như hiện nay.
Bán ít quá, nhà đầu tư chiến lược không tham gia Ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết Petrolimex là tập đoàn quy mô lớn, đã thực hiện bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài (IPO) vào cuối tháng 7/2011. Theo ông Bảo, do thời điểm đó thị trường có nhiều yếu tố không thuận lợi cho IPO nên hiện Nhà nước vẫn còn nắm giữ hơn 94% cổ phần tại Petrolimex. Theo lộ trình đã được phê duyệt từ nay đến hết năm 2015, vốn nhà nước tại Petrolimex sẽ tiếp tục được bán, đưa về tỉ lệ 75%. Có rất nhiều nhà đầu tư chiến lược, các đối tác muốn tham gia bỏ vốn vào Petrolimex. Tuy nhiên, bán quá ít thì nhà đầu tư chiến lược không muốn tham gia. “Qua tiếp xúc cho thấy họ thường muốn nắm giữ mức cổ phần từ 20% trở lên. Với mức cổ phần bán cho cán bộ công nhân viên như hiện nay và cổ phần Nhà nước nắm giữ 75% thì sẽ không còn cổ phần để bán ra bên ngoài. Do đó, chúng tôi còn muốn đề xuất Nhà nước nắm giữ thấp hơn mức 75% như lộ trình đã đặt ra” - ông Bảo cho biết. |
Theo Tuổi Trẻ