Trong quá trình phỏng vấn hơn 100 triệu phú, thuộc đủ mọi ngành nghề, tầng lớp, tác giả Jaime Tardy, của trang tin tài chính Daily Worth tại Mỹ đã nhận ra rằng những người giàu có kiếm được 1 triệu USD đầu tiên theo những cách rất khác nhau, như tự mở công ty để đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản. Nhưng đây cũng không phải những cách duy nhất để trở thành triệu phú. Một số người đơn giản là tiêu ít hơn những gì họ kiếm được và dành dụm số còn lại.
Nhưng trước khi có thể đạt tới mốc 1 triệu USD, có một điều chúng ta cần hiểu rõ và hiểu đúng về bí mật vươn tới sự giàu có, mà sau đây là 5 điều cần được giải mã.
Phần đông triệu phú đều xuất thân như những người bình thường.
Triệu phú thông minh hơn người thường
Thường khi nhắc đến một triệu phú, người ta có xu hướng cho rằng đây hẳn phải là những người giỏi hơn, thông minh hơn những người khác để có thể phát đạt như vậy. Nhưng thường thì nhận xét này không đúng. Triệu phú cũng chỉ là những người bình thường.
Dù họ đã đạt được những thành tích xuất sắc, các triệu phú vẫn mắc sai lầm như bất kỳ ai. Họ có thể mắc lỗi chính tả, từng ngập đầu trong nợ nần và phải tìm lối thoát ra. Họ từng có những ý tưởng và thất bại trong kinh doanh. Thực tế là hầu hết những người mà Jaime Tardy phỏng vấn đều phải leo từng bước trên bậc thang danh vọng, và nếm trải không ít thất bại.
Thay vì có trí thông minh hơn người, điều mà hầu hết các triệu phú đều có đó là sự khéo léo trong việc đề ra các mục tiêu cho bản thân và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó, mà không viện lý do này hay lý do khác cho thất bại. Các triệu phú cũng phải xử lý những chi phí phát sinh bất ngờ, như sửa chữa đường ống nước bị rò rỉ, phí bảo hiểm tăng hay trục trặc xe cộ. Họ đơn giản là tiếp tục tiến lên phía trước bất chấp những trở ngại phải đối mặt.
Các triệu phú may mắn hơn người thường
Các triệu phú đều may mắn hơn chúng ta, phải không? Họ trúng độc đắc, thắng lớn ngay khi vừa khởi nghiệp kinh doanh hay được hưởng những mức lương khổng lồ khi tìm được những công việc trong mơ…Sự thật thì không phải vậy.
May mắn không phải một yếu tố để đạt được thành công. Thay vào đó những người thực sự thành công tự tạo may mắn cho mình. Dù sao thì một ý tưởng đáng giá “triệu đô” cũng sẽ chẳng là gì nếu không được triển khai.
Bobby Casey, cựu sáng lập công ty bảo vệ tài sản Global Wealth Protection cho biết, ông khởi nghiệp với doanh nghiệp đầu tiên là sản xuất xe đạp cho những siêu thị như Wal-Mart – một công ty sau đó giúp ông thu về hơn 6 triệu USD. “Tôi đã tới ít nhất 60 cửa hàng trước khi tìm được một công ty nói rằng: “OK, chúng tôi sẽ thuê anh. Anh đòi giá bao nhiêu?”
Tại thời điểm đó, ông Casey không có chút tiền nào – thực sự là “có tài sản ròng âm” như cách ông miêu tả. “Tôi ôm một đống nợ thẻ tín dụng…lái xe khắp nơi mỗi chuyến vài tuần chỉ để nghe những tiếng từ chối, không, không, không, không”. Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông dừng lại trước khi đến cửa hàng thứ 60 đó. Casey khẳng định “Tôi không bao giờ dừng lại trước khi tới 300 cửa hàng”.
Casey cho biết chính sự lao động chăm chỉ, chứ không phải may mắn, đã giúp ông vượt ngưỡng 1 triệu USD. Sau khi được một cửa hàng chấp thuận, ông làm việc tới 12 giờ mỗi ngày, tại nhiều cửa hàng khác nhau, để lắp ráp các phụ tùng xe đạp cho kỳ Giáng sinh. Và sau 12 năm làm việc, đến năm 2008, ông mới bán công ty lắp ráp xe đạp của mình.
Ngôi nhà "bình dân" Warren Buffett vẫn đang sống kể từ năm 1958.
Triệu phú thường sống trong xa hoa
Khi nhắc tới giới triệu phú, người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh những người sống trong các biệt thự xa hoa, và lái những chiếc xe đắt tiền. Sự thật là đa số các triệu phú đều sống thanh đạm (hay ít nhất là 57% số những người được Jaime Tardy phỏng vấn). Ngay cả một tỷ phú danh tiếng như Warren Buffett vẫn sống tại Omaha, bang Nebraska, trong ngôi nhà ông mua năm 1958 với giá chỉ 31.500 USD.
Trong hầu hết các trường hợp, triệu phú đạt được những gì họ đang có bởi họ có thói quen tiết kiệm tuyệt vời và sống một cách tằn tiệt. Họ học được cách đưa ra những lựa chọn thông minh, và không dừng lại chỉ vì đã đạt đến mốc 1 triệu USD.
Hầu hết các triệu phú sinh ra đã giàu
Một điều nhiều người lầm tưởng nữa về các triệu phú đó là những người này được sinh ra trên “núi” tiền, hoặc được thừa kế nó. Thực tế lại hoàn toàn không phải vậy. Một khảo sát của quỹ Fidelity Investments cho thấy 86% các triệu phú hiện có đều tự tay tạo dựng sự nghiệp. Trong số hơn 100 triệu phú Tardy phỏng vấn để viết sách, chỉ có 26% nói rằng họ có mối quan hệ với những người quan trọng trước khi trở nên giàu có.
Ví dụ như Dani Johnson, nhà diễn thuyết kiêm tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Những bước đầu tiên tới với sự giàu có” đã khởi nghiệp ở tận cùng sự nghèo đói. Sau khi lớn lên nhờ trợ cấp xã hội và bị lạm dụng từ khi còn nhỏ, 17 tuổi Johnson đã mang thai và sống độc thân. Sau một cuộc hôn nhân ngắn ở tuổi 21, bà lại trở nên vô gia cư và đầm địa nợ.
Sau khi được tham dự một buổi nói chuyện trong đó 4 triệu phú đã nói về cách họ tạo dựng được thu nhập thông qua kinh doanh, Johnson quyết định cũng thử sức. “Suốt cả đời mình tôi đã bị nói rằng tôi chẳng có gì ngoài thất bại, và sẽ không thể làm gì ra hồn. Tôi ngồi đó và nghĩ rằng cho dù mình là người ngu ngốc nhất trong phòng này và phải mất 20 năm tôi mới nhận ra điều này, học được cách họ làm nó ra sao, và cho dù tôi chỉ đạt được 10% thu nhập như họ có, thì tôi vẫn có được cuộc sống tốt hơn là tiếp tục làm công việc đang có ở siêu thị”.
Với Johnson, mấu chốt để đem lại thành công không phải là được sinh ra trên đống tiền, mà là việc sẵn sàng cho bản thân một cơ hội.
Bà khởi nghiệp với việc bán điện thoại trả trước ở ngay thùng sau của xe. Trong 4 ngày đầu, bà bán được 4000 USD sản phẩm, thu lời 2000 USD. Tháng tiếp theo, bà vẫn tiếp tục bán hàng và làm bồi bàn bán thời gian để thu về 6500 USD. Kể từ đó thu nhập của bà “cứ tiếp tục tăng vọt”, Johnson nói. Ngày nay, bà đã quay lại dạy cho những người khác cách để kiếm tiền và tạo dựng thành công, cho dù họ khởi nghiệp ra sao.
Các triệu phú hưởng lương triệu đô
Đúng là nhiều triệu phú đã kiếm được tiền bằng cách gây dựng doanh nghiệp, hay tìm các vị trí lương cao tại các doanh nghiệp. Nhưng đó không phải cách duy nhất để có 1 triệu USD tài sản ròng.
Trong cuốn sách “Nhà giáo triệu phú”, Andrew Hallam đã giải thích cách ông tiết kiệm được hơn 1 triệu USD trước khi nghỉ hưu dù chỉ làm thầy giáo. Ông đã sử dụng những khoản vốn chi phí thấp và một lối sống tiết kiệm có kỷ luật, đầu tư và sống trong phạm vi ngân sách mình có để tiết kiệm được số tiền mà hầu hết mọi đồng nghiệp đều ghen tị.
Bên cạnh việc đầu tư vào cổ phiếu, như Hallam, các triệu phú khác còn tăng thu nhập bằng cách làm thêm hoặc tạo ra các dòng thu nhập khác. Ví dụ, đầu tư vào bất động sản có thể giúp một người làm công ăn lương có thu nhập trung bình có thêm nguồn thu từ việc cho thuê nhà. Đây là một nguồn thu nhập phụ ổn định.
Rõ ràng những người không hưởng lương triệu đô vẫn có thể trở thành triệu phú. Tất cả những gì họ cần là một sự kỷ luật, sáng tạo và hết mình vì mục tiêu đề ra.
Theo Dân trí