"Theo tôi, điều quan trọng là phải hiểu Bitcoin là công cụ thanh toán diễn ra hoàn toàn ngoài hệ thống ngân hàng. FED đơn giản không có quyền giám sát hay điều tiết Bitcoin", bà cho biết.
Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã hối thúc bà Yellen áp dụng quy định quản lý lên tiền ảo. Ông cho biết nó được sử dụng bởi những "kẻ lừa đảo và hacker để đánh cắp tiền từ người dân Mỹ". Bitcoin là tiền tệ ưa thích cho hoạt động phi pháp quốc tế, điển hình như rửa tiền, theo USA Today.
FED cho biết họ không thể kiểm soát được Bitcoin. |
Tuần này, website mua bán trực tuyến SecondMarket (Mỹ) cũng tuyên bố đang lên kế hoạch ra mắt sàn giao dịch hỗ trợ người dùng Bitcoin, sau khi Mt. Gox – chợ Bitcoin lớn nhất thế giới ngừng hoạt động. Giới phân tích ước tính thiệt hại từ sự cố của Mt. Gox lên tới 400 triệu USD. Không như tiền gửi ngân hàng, Bitcoin không được một tổ chức nào bảo hiểm.
Trong một bức thư tuần này gửi bà Yellen và các quan chức hàng đầu tại Mỹ, ông Manchin cho biết Bitcoin "đã cho phép người dùng tham gia vào các hoạt động bất minh, gây bất ổn lớn cho nền kinh tế”. Đáp lại, bà Yellen cho rằng "kiểm soát Bitcoin không hề dễ, do không có ngân hàng trung ương nào phát hành hay công ty mạng nào kiểm soát".
Trên thế giới, phản ứng của giới chức các nước cũng rất trái ngược. Trong khi Đức công nhận Bitcoin là tiền tệ thì Phần Lan hay Na Uy chỉ coi đây là hàng hóa. Trung Quốc cấm các tổ chức tín dụng nước này giao dịch, bảo lãnh phát hành hay cung cấp bảo hiểm bằng Bitcoin. Còn Thái Lan và Nga cấm sử dụng tiền ảo này để mua bán.
Tại Anh, mua bán Bitcoin phải chịu thuế 20%, do lo ngại nó có thể được dùng để rửa tiền và trốn thuế. Mới nhất, giới chức Nhật Bản cũng đã bắt đầu lên tiếng về việc phải có quy định quản lý Bitcoin, sau khi sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới – Mt. Gox (trụ sở tại Tokyo) ngừng hoạt động.
Theo VnExpress