Nhà Tư Hường truyền đời thống trị NamABank

Thứ bảy, 29/03/2014, 12:45
Hàng loạt các thay đổi đã diễn ra nhưng điểm không đổi là vị thế vững chắc của gia đình bà Tư Hường - mẹ chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý.    

Quyền lực truyền đời

Sáng 27/3, giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi nhận được thông tin Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) có 3 thành viên HĐQT từ nhiệm và bổ sung thay thế 3 thành viên mới. Trong đó, chủ tịch HĐQT và phó chủ tịch lần lượt là con gái và con rể bà Trần Thị Hường - cố vấn HĐQT ngân hàng - từ nhiệm.

Nhưng sự biến động này không cùng kịch bản thay đổi quyền như ở Sacombank với bóng sáng nhà ông Trầm Bê vừa qua mà chẳng qua chỉ chuyển đổi giữa các thành viên trong gia đình của nữ doanh nhân U80, nữ lão đại gia Tư Hường.

NamABank, Tư-Hương, Trần-Thị-Hường, Á-hậu, Dương-Trương-Thiên-Lý, Tony-Toàn, Nguyễn-Quốc-Toàn, sở-hữu-chéo, thống-trị

Thay thế cho vị trí chủ tịch của con gái bà Hường là Nguyễn Thị Xuân Loan không ai khác chính là ông Nguyễn Quốc Toàn - con trai cả của bà Tư Hường và là chồng của á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Ông Toàn hiện đang nắm một loạt các chức vụ quan trọng trong hệ thống DN thuộc “đế chế” BĐS Hoàn Cầu của gia đình nữ doanh nhân cao tuổi Trần Thị Hường.

Ngoài ra, trong bộ máy HĐQT Nam Á, một người con trai khác của bà Tư Hường là ông Nguyễn Quốc Mỹ vẫn giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT. Với tỷ lệ 3/8 trong HĐQT cùng với tỷ lệ cổ phiếu tại NH không thay đổi, ở mức trên 13%, vị thế của gia đình bà Tư Hường vẫn rất lớn, có thể chi phối hoạt động của NH này.

Thay đổi có chăng là sự phân phối quyền lực trong chính các thành viên trong gia đình với vị thế đang gia tăng của ông Toàn ở cả 2 mảng chính của gia đình là NH và BĐS.

Trước đó, hồi đầu năm 2013, giới đầu tư đã bất ngờ đón nhận thông tin á hậu Dương Trương Thiên Lý thành cổ đông lớn của NamABank với việc sở hữu 14,7 triệu cổ phần, tương đương 4,92% cổ phần của NH này.

NamABank, Tư-Hương, Trần-Thị-Hường, Á-hậu, Dương-Trương-Thiên-Lý, Tony-Toàn, Nguyễn-Quốc-Toàn, sở-hữu-chéo, thống-trị

Năm 2008, á hậu này khi đó mới 22 tuổi đã kết hôn với Việt kiều Canada hơn cô 20 tuổi Tony Toàn, là ông Nguyễn Quốc Toàn - tân Chủ tịch NamABank.

Bên cạnh các con, ông Nguyễn Chấn - chồng bà Hường nắm 3,48% vốn điều lệ, bà Hường nắm 4,96%.

Một DN thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu là TNHH Rồng Thái Bình Dương sở hữu hơn 10% cổ phần của NamABank. Công ty này cũng đang được ông Nguyễn Quốc Toàn dẫn dắt.

Sự thay đổi ở NH thuộc tốp nhỏ Nam Á đang diễn ra. Đó có thể là những thay đổi về quyền lực trong cùng một gia đình và/hoặc có thể là sự “luân chuyển” các vị trí lãnh đạo của các thành viên gia đình nữ doanh nhân nổi tiếng này.

Trước đó ông Nguyễn Quốc Mỹ (con trai) đã nắm chức chủ tịch NamABank, rồi con rể Huỳnh Thanh Chung, trước khi chuyển qua cho bà Nguyễn Thị Xuân Loan (con gái) từ 4/2011.

Gia tăng vị thế chi phối?

Có thể thấy, những thay đổi trong đại hội có một điểm không đổi là vị thế vững chắc của gia đình mẹ chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Điểm đáng chú ý trong đại hội 2014 là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, việc tăng vốn thực hiện trong quý III này.

Theo đó, NamABank sẽ phát hành thêm 100 triệu cổ phần ra công chúng, dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng. Trong đó, 40 triệu cổ phần bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 10:1,333; 5 triệu cp cho cán bộ công nhân viên bằng mệnh giá và 55 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư tự do trong nước.

Vấn đề đặt ra là 55 triệu cổ phần sẽ bán cho ai. Số cổ phần này liệu có thể giúp gia đình bà Tư Hường điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ tại NamABank một cách có lợi nhất?

Nam Á là một NH thuộc tốp nhỏ trên thị trường, việc gia tăng vốn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cổ đông lớn chi phối NH hẳn không muốn vị thế của mình suy giảm. Cái ngưỡng 20% có lẽ sẽ được duy trì và nếu thấp hơn sẽ được các đại gia mua lấp đầy. Một việc hoàn toàn có thể thực hiện được với chiến lược tăng vốn từ tư và nội lực mạnh của các đại gia.

Bà Tư Hường là nữ doanh nhân này đã rất nổi tiếng trên thị trường với hàng loạt các vụ kinh doanh kiếm tiền khổng lồ như hàng loạt các vụ đầu tư xây nhà máy rồi bán như Bia Khánh Hòa (bán cho San Miguel), Nhà máy Sài Gòn Cola (bán cho Coca Cola), Nhà máy nước tăng lực Lipovitan. Nhưng rõ nét nhất về sức mạnh của gia đình bà Hường là ở Tập đoàn Hoàn Cầu với cú đầu tư cả nghìn tỷ vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay và các hạng mục phục vụ cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế giới (Miss Universe) 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Trong 1-2 năm gần đây, lĩnh vực NH có lẽ không còn con gà đẻ trứng vàng như thời kỳ cả nền kinh tế khát vốn cho đầu tư. Tuy nhiên, đây vẫn là một mảnh đất đủ màu mỡ để các đại gia vẫn muốn nắm giữ và duy trì vị thế, quyền lực.

Hiện tượng các thành viên của gia đình đại gia nắm giữ các vị trí nóng hoặc/và chi phí phối NH khá phổ biến ở Việt Nam và thế giới. Đây là một điều bình thường. Điều mà nhiều người quan tâm ở các NH gia đình trị là ở chỗ khoảng rộng sân sau liệu có được kiểm soát chặt chẽ hay không? NH hoạt động không hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận không cao mà sao nhiều đại gia thèm muốn đến vậy?

Theo VEF

Các tin cũ hơn