Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối hành động bất hợp pháp này. Khi bị phóng viên quốc tế chất vấn, Trung Quốc đuối lý.
Bên cạnh việc đưa ra những lời giải thích phi lý, Trung Quốc áp dụng một số biện pháp kinh tế với Việt Nam. Đầu tiên, trong bài báo số ra ngày 9/6, báo South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông đưa tin dựa theo một số nguồn tin ẩn danh từ Trung Quốc lục địa, Chính phủ Trung Quốc tạm thời cấm các công ty quốc doanh của nước này tham gia đấu thầu dự án ở Việt Nam.
Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc được đánh giá là không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Ông Zhang Jie, một chuyên viên đối ngoại ở Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nhận xét tác động của lệnh cấm dự thầu này sẽ “rất hạn chế” ở Việt Nam.
Thương lái Trung Quốc thu mua vải thiều ở Việt Nam. |
Ông Zhang lý giải: “Trung Quốc không thể đe dọa phát triển kinh tế ở Việt Nam vì khối lượng hoạt động của chúng ta ở đó là quá nhỏ bé”.
Ngay sau khi bài báo trên được đăng tải, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng cho biết ông chưa nhận được thông tin này nhưng nếu thông tin này là đúng thì Việt Nam không bị ảnh hưởng vì các nhà thầu Việt Nam đủ khả năng đấu thầu.
Không lâu sau đó, các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khách của các công ty này chủ yếu là người Trung Quốc. Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Lợi xác nhận.
Trước đó, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thiệt hại trước mắt là khá lớn.
|
Ngân hàng Oversea – Chinese Banking Corporation Limited - chi nhánh TP.HCM vừa được chấp thuận tăng vốn. |
Ông Tuấn phân tích với mức chi tiêu trung bình khoảng 500 USD/người, tuy thuộc loại thấp nhưng tổng thu sẽ giảm hơn 500 triệu USD.
Theo thống kế không chính thức, một thời gian ngắn sau khi các công ty lữ hành Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động, doanh thu của nhiều công ty du lịch giảm tới 80%.
Tuy nhiên, đây được đánh giá là cơ hội tốt để Việt Nam mở rộng thị trường du lịch và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Ông Lợi đã đề xuất, thành phố cần tăng cường xúc tiến du lịch khu vực châu Á và khu vực Đông Âu để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho ngành du lịch.
Mặc dù rút tiền ra khỏi một số lĩnh vực tại Việt Nam nhưng dòng vốn Trung Quốc vẫn không ngừng đổ vào thị trường Việt. Trong đó có lĩnh vực quan trọng như ngân hàng.
Ngày 19/6/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 4325/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn được cấp của Ngân hàng Oversea – Chinese Banking Corporation Limited - chi nhánh TP.HCM. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc Ngân hàng Oversea – Chinese Banking Corporation Limited chi nhánh TP.HCM tăng vốn được cấp từ 25 triệu USD lên 31 triệu USD.
Trước đó 4 năm, ngày 25/3/2010, ngân hàng này đã thay đổi mức vốn được cấp từ 15 triệu USD lên mức 19 triệu USD.
Tuy nhiên, nông sản mới là mặt hàng hấp dẫn thương lái Trung Quốc nhất. Giữa tháng 6, khi vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đến ngày thu hoạch, thương lái Trung Quốc đổ về Bắc Giang để thu mua vải. Thương lái Trung Quốc thường trả giá cao hơn so với thị trường.
Mặc dù chưa rõ số tiền thương lái Trung Quốc bỏ ra để thu gom vải trong mùa vụ 2014 nhưng chắc chắn đây sẽ là con số tương đối lớn.
Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, trong tổng sản lượng vải thiều của huyện có tới 40% được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo VTC News