Samsung (Hàn Quốc) đang là nhà sản xuất thiết bị di động chiếm thị phần lớn nhất tại Trung Quốc. Cùng với Apple, họ đang là cái gai trong mắt đối với không ít doanh nghiệp sản xuất điện thoại nội địa - những người nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới truyền thông Trung Quốc.
Nỗ lực đáng kể nhất trong việc đưa tin tiêu cực về hàng ngoại thuộc về Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Đơn vị này từng buộc tội Apple và Samsung vì sản phẩm phần cứng kém chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng nghèo nàn và gián điệp điện tử.
Samsung, Apple đang đứng trước nhiều cáo buộc của truyền thông Trung Quốc trong cuộc chiến với những doanh nghiệp nội địa. Ảnh: Chinadaily |
Theo Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu 3 nhà mạng quốc hữu giảm chi trợ giá và quảng cáo dành cho những thiết bị như iPhone, vì cho rằng chính sách này đã giúp Apple hay Samsung thu lợi lớn. Tổng cộng 3 mạng sẽ phải giảm chi phí quảng bá lên tới 6,4 tỷ USD trong 3 năm tới.
Thắt chặt quản lý marketing và trợ giá sẽ làm lợi cho thương hiệu như Lenovo, Coolpad hay Huawei, các đơn vị của Trung Quốc lâu nay vẫn cho ra đời dòng sản phẩm giá rẻ để thu hút khách hàng. Xiaomi, một hãng sản xuất thiết bị di động khác bán hàng loạt sản phẩm cao cấp với giá thấp đang cố vươn lên bằng cách bán thêm dịch vụ kèm điện thoại (ứng dụng cài sẵn có trả phí).
Các công ty công nghệ nước ngoài sẽ muốn đầu tư thêm vào quảng cáo để chống lại những thông tin bất lợi như trên. Tuy nhiên việc này có thể không đơn giản. Trong chương trình tư vấn quyền lợi người tiêu dùng của đài CCTV năm 2013, kênh này chỉ trích chính sách bảo hành và sửa chữa của Apple tại Trung Quốc. Tờ báo chính thống của nước này là People's Daily cũng không đứng ngoài cuộc, khẳng định Apple rút ngắn thời gian bảo hành, phân biệt đối xử với khách hàng Trung Quốc thông qua các chính sách chăm sóc khách hàng và kiêu ngạo phớt lờ các phản ánh của người dùng…
CEO Tim Cook khi đó đã phải xin lỗi trên website của hãng tại Trung Quốc và đề nghị thay thế toàn bộ những mẫu iPhone gặp vấn đề. “Chúng tôi nhận thức rằng sự thiếu liên lạc và giao tiếp đã dẫn đến những nhận định cho rằng Apple kiêu ngạo và không quan tâm hay chú trọng đến phản hồi của khách hàng”, Cook cho biết trong lá thư của mình. “Chúng tôi bày tỏ sự xin lỗi chân thành của mình đến với các mối quan tâm và sự hiểu lầm này của người tiêu dùng”.
Vài tháng sau đó, tiếp tục đến Samsung được CCTV nêu đích danh, phàn nàn về dòng sản phẩm chủ lực của hãng là Galaxy S và Note gặp lỗi tới 30 lần mỗi ngày do vi xử lý bộ nhớ gặp trục trặc. Báo cáo của CCTV dẫn lời một thợ sửa điện thoại không xác định danh tính. Dù lỗi trên có thể bắt gặp trên bất kỳ điện thoại nào do Trung Quốc sản xuất, CCTV không đả động gì đến vấn đề này. Samsung sau đó chỉ cam kết sửa miễn phí cho máy lỗi.
Lee Jin Woo, quản lý quỹ KTB (Hàn Quốc) nói: "Trung Quốc đang cố đưa khách hàng trở về với các công ty nội địa. Họ thừa biết rất cần nuôi sống những doanh nghiệp này để đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định".
Trung Quốc là điểm đến quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp di động quốc tế nào. Bên cạnh vai trò thị trường di động lớn nhất thế giới, nơi đây còn tăng trưởng rất mạnh về lượng máy tiêu thụ. Quý đầu năm 2014, mức tăng trưởng 31% bị đánh giá là chậm lại thì vẫn là con số trong mơ của những thị trường phát triển.
Mới tuần trước, CCTV lại hướng quan tâm về phía Apple. Nhà đài khẳng định iPhone có tính năng theo dõi vị trí người dùng và sẽ gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia. Apple tuyên bố cáo buộc trên không xác đáng. Tháng trước, một bài luận trên tiểu blog thuộc báo People's Daily cho rằng Apple, Microsoft, Google và Facebook liên thủ với nhau trong một chương trình mật của Mỹ nhằm thăm dò Trung Quốc.
Trong khi đó, Google và Facebook bị cấm truy cập bởi cơ quan quản lý nước này. Trung Quốc bắt đầu chặn các ứng dụng nhắn tin trực tuyến nước ngoài như KakaoTalk, Line hồi đầu tháng 7. Đây là tin tốt đối với Tencent, "gã khổng lồ công nghệ" sở hữu ứng dụng WeChat hoạt động như hai đối thủ trên. "Đại gia" ngành bán lẻ trực tuyến Amazon cùng nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử quốc tế khác cũng không có cửa kinh doanh tại đây. Ở Trung Quốc, Alibaba nắm thế độc quyền và đang chuẩn bị cho cuộc IPO lớn nhất lịch sử.
Theo VnExpress