Phí hành lý là khoản tiền không thể bỏ qua của các hãng hàng không. Ảnh: NYT |
Hành khách đi máy bay không ai thích phải trả tiền cho hành lý hay tách cà phê phục vụ trên hành trình, nhưng các hãng hàng không lại thích thu những khoản phí như vậy. Theo khảo sát mới nhất do Idea Works Company (IWC), công ty chuyên hỗ trợ hàng không thống kê thu nhập, ngành hàng không thế giới đã có thêm 31,5 tỷ USD doanh thu ngoài tiền vé trong năm 2013, cao gấp 11 lần so với 6 năm trước (đã điều chỉnh theo lạm phát).
Gần một nửa chi phí này do người dùng phải trả trực tiếp cho hãng hàng không. Ví dụ với Mỹ, khoảng 25% tiền phụ thu đến từ hành lý và 10% là các dịch vụ trên máy bay (bán đồ uống, chọn chỗ trước...). Một số hãng hàng không bán thêm các gói khách sạn, thuê xe và chương trình bảo hiểm, chiếm 5% tổng doanh thu phụ phí.
Các khoản phí tăng nhanh hơn giá vé, trở thành yếu tố giúp hàng không hoạt động có lãi. Nếu tính cả đợt giảm 10% năm 2009 vì suy thoái kinh tế, giá vé máy bay chỉ tăng 4% trong cùng kỳ.
Ba hãng hàng không đứng đầu Mỹ là United Airlines (UAL), Delta Air Lines (DAL) và American Airlines (AAL) đứng đầu danh sách đơn vị kiếm được nhiều nhất từ phụ phí năm 2013, trong đó UAL thu về 5,7 tỷ USD.
Phụ phí chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của các hãng hàng không giá rẻ. Khoảng 38% số tiền Spirit Airlines (Mỹ) kiếm được nhờ các khoản tiền như in vé lên máy bay tại phi trường, bán đồ uống (kể cả nước lọc) giữa hành trình...
Jay Sorensen, Chủ tịch IWC cho rằng bây giờ vẫn chưa phải lúc đỉnh cao của các loại phụ phí bay. "Vẫn còn nhiều đất để phát triển trong mảng này", ông nhận định. Theo Jay, phí gửi hành lý còn tăng nữa, đặc biệt giữa các hãng hàng không châu Âu.
Theo VnExpress