Dính “bom” nợ đáo hạn
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1 năm 2014. Theo đó, tình hình kinh doanh tại công ty nhà Cường đô la chưa có nhiều cải thiện. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2014 của QCG đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 450 triệu đồng, tương ứng 40,54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm đáng lưu ý trong báo cáo của QCG chính là việc doanh thu giảm rất mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm từ 119,94 tỷ đồng quý 1 năm ngoái xuống còn 41,96 tỷ đồng quý 1 năm nay. Sự sụt giảm này bắt nguồn từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Doanh thu bất động sản giảm từ 109 tỷ đồng quý 1 năm ngoái xuống còn chưa đến 4 tỷ đồng.
Điều này đã được QCG giải trình ngay trong báo cáo. QCG cho biết doanh thu sụt giảm vì trong kỳ phát sinh không có hoạt động bất động sản được ghi nhận. Hoạt động thanh lý căn hộ của công ty này rất khiêm tốn, chỉ đạt hơn 72 triệu đồng.
Doanh thu giảm mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng. Theo QCG, đó là do doanh thu từ hoạt động thủy điện tăng hơn so cùng kỳ năm trước. Còn các hoạt động khác phát sinh không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận trong kỳ.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh của QCG vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong khi đó, QCG vẫn đang loay hoay với khoản nợ khổng lồ. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 1.850,47 tỷ đồng. Riêng khoản vay dài hạn đến hạn trả đã lên tới 161,56 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay lớn 1.4999,25 tỷ đồng sẽ phải thanh toán rải rác từ 30/6/2014 tới 30/6/2015. Có nghĩa, chỉ tháng rưỡi nữa, QCG phải khởi động trả khối nợ “khủng”.
Công ty Quốc Cường Gia Lai đang dính "bom' nợ đáo hạn.
Trong khi đó, khoản vay ngắn hạn cũng không hề nhỏ. Cụ thể, khoản vay 35,34 tỷ đồng tại Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng sẽ đáo hạn vào 26/10 năm nay. Khoản vay này giải ngân từ 28/5 có lãi suất 12 – 12,5%/năm. Khoản vay 18,15 tỷ đồng tại Vietcombank – chi nhánh Gia Lai sẽ kết thúc vào 30/9 năm nay.
Trong thời gian rất ngắn nữa QCG phải thanh toán nợ. Không biết nguồn trả nợ của QCG là gì vì tới cuối quý 1, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của QCG chỉ đạt 60,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với lượng tiền 115,20 tỷ đồng cuối quý 1/2013.
Không chỉ nợ ngân hàng, QCG còn có những giao dịch tiền qua lại phức tạp với cổ đông và những người liên quan. Tại thời điểm cuối quý 1, QCG vẫn còn số dư phải trả cho các cá nhân/tổ chức liên quan 822 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý là khoản phải trả bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc và Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Như Loan) với số tiền lần lượt 306 tỷ đồng và 241 tỷ đồng.
Trả bớt đất cho Đà Nẵng
Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay, tính đến ngày 30/6, tổng cộng các nhà đầu tư và các hộ tái định cư trên địa bàn đang nợ tiền sử dụng đất khoảng 2.300 tỉ đồng. Lãnh đạo TP đã cùng các sở ngành đi kiểm tra thực tế các đơn vị nợ tiền sử dụng đất lớn để phân loại phần nào họ nộp được, phần nào thu hồi bớt diện tích và phần nào có thể tiếp tục gia hạn nợ.
“Qua đó, tổ kiểm tra đã xem xét và sắp đến sẽ trình UBND TP Đà Nẵng thu hồi bớt một số diện tích mà TP chưa giải tỏa được mặt bằng và chưa bàn giao đất cho Công ty cổ phần dây cáp điện Tân Cường Thành. Đồng thời Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã ra làm việc với Đà Nẵng, đồng ý trả tiếp một khoản tiền để công ty này nhận một số đất, và xin trả bớt số đất còn lại cho TP!” – ông Võ Duy Khương cho hay.
Hàng loạt diện tích đất ven biển Đà Nẵng đã được bố trí cho các dự án nhưng qua nhiều
năm vẫn đang bỏ trống, chưa triển khai.
Theo ông Võ Duy Khương, ở khu vực ven biển Đà Nẵng hiện có 29 dự án chậm triển khai (8 dự án FDI và 21 dự án đầu tư trong nước). UBND TP Đà Nẵng đã làm việc với tất cả chủ đầu tư các dự án này, yêu cầu cam kết lộ trình triển khai dự án, chậm nhất đến hết quý 2/2015 phải khởi công xây dựng. Nếu không, UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo HĐND TP thu hồi các dự án này.
Trong số 29 dự án kể trên, có 16 dự án đã ký cam kết với UBND TP Đà Nẵng về lộ trình triển khai. 13 dự án còn lại đã làm cam kết nhưng chưa chính thức ký, trong đó có 02 dự án đang xem xét, điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch; 11 dự án UBND TP Đà Nẵng đã có kế hoạch trong tháng 7 mời các chủ đầu tư lên để ký cam kết chính thức, chậm nhất đến hết tháng 6/2015 không triển khai cũng sẽ bị thu hồi.
Ông Võ Duy Khương nói: “Trong 6 tháng cuối năm 2014, UBND TP Đà Nẵng sẽ mời tất cả chủ đầu tư các dự án này đến làm việc và thực hiện ký cam kết lộ trình triển khai. Đây toàn là các dự án lớn, tiền nhiều, mà tình hình thì do suy thoái kinh tế nên các dự án bất động sản lớn trong cả nước nằm la liệt hết chứ không riêng Đà Nẵng. Cho nên TP cũng phải tính như thế nào đó cho hài hòa!”.
Đặc biệt, ông Võ Duy Khương cho hay, tính đến 30/6/2014, có 32 dự án đã được TP Đà Nẵng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư với số tiền sử dụng đất phát sinh phải nộp cho ngân sách là 1.088 tỉ đồng. Trong đó có 688,9 tỉ đồng nợ (đã tới hạn mà chưa trả được), còn lại xấp xỉ 400 tỉ đồng chưa hết hạn phải nộp. Bên cạnh đó có 11.277 hộ tái định cư nợ tiền sử dụng đất lên đến 1.619 tỉ đồng. Tổng cộng hiện các nhà đầu tư và các hộ tái định cư ở Đà Nẵng đang nợ tiền sử dụng đất khoảng 2.300 tỉ đồng.
Theo Người Đưa Tin