Ngày 4/8, Tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển (chúa đảo Tuần Châu) đã ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng LienVietPostBank, trong đó LienVietPostBank sắp xếp và tài trợ cho Tuần Châu 10.000 tỷ đồng để triển khai các dự án. Tuần Châu cũng đón nhận kỷ lục Guiness Việt Nam về cảng biển nhân tạo lớn nhất.
Bên lề sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với chúa đảo Tuần Châu.
Thưa ông, việc nhận 10.000 tỷ đồng của LienVietPostBank có tác dụng thế nào với Tập đoàn Tuần Châu?
Đây là động lực, nhưng với tôi đây không phải là tất cả. Đây là dự hợp tác của 2 doanh nghiệp, của Tuần Châu với LienVietPostBank, của 2 cá nhân. Ở Việt Nam chúng ta sống bằng niềm tin và chữ tín, nhưng niềm tin trong giới doanh nhân gần đây bị mai một rất nhiều. Tôi tôn trọng chữ tín cao hơn là 10.000 tỷ đồng.
10.000 tỷ đồng giữa hai bên sẽ có sự tính toán kỹ lưỡng. Trong tư duy của tôi, tôi không bao giờ đặt tiền lên trước hết. Tôi muốn nhắn gửi nhà đầu tư trẻ rằng, chúng ta cũng không nên đặt tiền lên hàng đầu mà hãy bắt đầu từ ý tưởng. Khi ta có ý tưởng tốt, sẽ có dự án tốt, khi có dự án tốt cần tính đến mối quan hệ xã hội, tận dụng những công nghệ KHKT, những dữ liệu xã hội để phát triển.
Ông Đào Hồng Tuyển cho biết, trong tư duy của mình, ông không bao giờ đặt đồng tiền lên trước hết. |
Quan điểm của tôi, người càng thông minh càng chuẩn bị kỹ lưỡng và cuối cùng mới là đồng tiền. Khi sử dụng đồng tiền thì hết sức chắt chiu, tính toán để tạo ra nhiều tiền hơn.
Sự hợp tác của hai bên chúng tôi là hợp tác hai chiều. LienVietPostBank cần tiêu tiền và chúng tôi cần sử dụng tiền. 10.000 tỷ đồng, hiện các dự án của Tuần Châu chưa sử dụng đến nguồn vốn này, và chúng tôi ký là để tính toán cho cơ hội trong tương lai.
Ông tính toán thế nào với các dự án ở Hạ Long?
Tôi thấy khai thác vịnh Hạ Long hiện nay rất phí phạm. Chúng tôi đã đầu tư vào Tuần Châu 17 năm, chúng tôi sẽ nỗ lực và tiếp tục thiết lập các kỷ lục khác.
Ước mong của tôi là kinh doanh Vịnh Hạ Long 24/24 giờ. Chúng tôi có kế hoạch nếu được Unesco cho phép, được chính phủ cho phép, sẽ kéo điện ra vịnh Hạ Long để trình diễn thực cảnh trên Vịnh, đưa các dịch vụ ra Vịnh để Hạ Long ngày cũng như đêm, nâng cao giá trị của Vịnh. Chúng ta có tiền, chúng ta sẽ làm được nhiều thứ tốt đẹp hơn.
Quan điểm của tôi khác người khác. Đào Hồng Tuyển không quản lý Vịnh Hạ Long, tập đoàn Tuần Châu không quản lý Vịnh Hạ Long. Chúng tôi muốn bỏ trí tuệ, tiền bạc, công nghệ để phát triển Vịnh Hạ Long nhằm chia sẻ lợi ích với Nhà nước. Để chiếu sáng Vịnh Hạ Long, trình diễn, thậm chí bắn pháo hoa vào mỗi cuối tuần ở Vịnh Hạ Long, tôi ước tính sẽ đầu tư vào đó 5.000 tỷ đồng.
Ông muốn được Nhà nước tạo điều kiện thế nào?
Chúng tôi không quan tâm nhiều đến cơ chế, đến ưu đãi, mà quan tâm đến dự án tốt lành, đến văn hóa địa phương, con người nơi đó có cần mình, có yêu mình hay không. Đó cũng thứ mà doanh nhân, doanh nghiệp có bản lĩnh cần.
Suốt 17 năm qua, tôi khẳng định tôi chưa nhận và không nhận bất kỳ ưu đãi nào. Tôi cho rằng đã là doanh nghiệp có bản lĩnh cần biết cảm thông, chia sẻ với các nhà lãnh đạo địa phương. Chỉ mong rằng, tất cả mọi điều không nằm ngoài quy định của luật pháp.
Với tự tin như vậy, ông nghĩ mình sẽ chiến thắng trong cạnh tranh ở Hạ Long hiện nay?
Chúng tôi rất né tránh đến vấn đề cạnh tranh hay hạ thấp nhau trong kinh doanh. Tất cả nhà đầu tư tâm huyết với Hạ Long, với Quảng Ninh chúng tôi đều hoan nghênh. Mỗi người có 1 ý tưởng để đưa Hạ Long tốt đẹp hơn là điều rất tốt. Tôi khẳng định lại, trong tôi không có suy nghĩ cạnh tranh, giành giật, tôi rất coi thường điều đó. Tôi muốn các nhà đầu tư hợp tác cùng nhau để phát triển.
Tuần Châu của ông có lợi thế gì?
Chúng tôi có 17 năm đầu tư, có công nghệ và có tiền. Mỗi người có một lợi thế khác nhau, như tôi đây biết kinh doanh, biết kiếm tiền, còn các bạn có lợi thế khác. Tôi không thấy ai là đối thủ để cạnh tranh, mà tất cả đều là bạn. Ai muốn thành công thì cùng nhau phấn đấu. Nếu phấn đấu cảm thấy không vượt lên thì hợp tác, không muốn hợp tác thì phải rút lui, đó là quy luật.
Theo Tiền Phong