Giới đầu tư vẫn nhớ đến sự nổi lên như vũ bão của ông chủ tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga Yukos và những tham vọng chính trị to lớn của doanh nhân này. Phán quyết yêu cầu Nga bồi thường 50 tỷ USD cho bên nguyên Group Menatep (GML) - một công ty quản lý quỹ liên quan tới Khodorkovsky và Tập đoàn Yukos khiến dư luận lại có dịp bàn đến ông.
Tỷ phú kỷ nguyên Boris Yeltsin
Năm 1997, giới đầu tư trên thế giới xôn xao khi tạp chí Forbes của Mỹ (giờ thuộc một nhóm đầu tư ở Hồng Kông) liệt kê 6 người Nga đầu tiên lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới.
Cái tên Mikhail Khodorkovsky được nhắc đến ở vị trí thứ hai, chỉ sau nhà tài phiệt Boris Berezovsky, với khối tài sản lên tới 2,4 tỷ USD. Trong số 6 ông trùm kinh tế, thường được gọi là oligarkh này, chỉ có Berezovsky lên tiếng bác bỏ số liệu mà Forbes đưa ra. Khodorkovsky và 4 người còn lại im lặng, được xem như thừa nhận là đúng.
Khodorkovsky đã bị kết án 10 năm tù vì tội gian lận, trốn thuế và rửa tiền |
Khi đó, Khodorkovsky được biết đến là người có uy quyền nhờ sự giàu có và mối quan hệ mà nhiều người gọi “như người nhà”, và được coi là thành viên trong một nhóm được gọi là “Gia đình” của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Nó trái ngược với tình cảnh sống gần như lưu vong và những lời phát biểu khá thận trọng của ông trùm này hiện nay.
Hội tụ đầy đủ tố chất của một doanh nhân hàng đầu, Khodorkovsky đã giàu lên nhanh chóng nhờ sự nhạy bén và khả năng chớp thời cơ nhanh có một không hai.
Xuất thân từ một gia đình bình dân, bố mẹ đều làm kỹ sư, nhưng ngay từ khi còn là sinh viên tại Học viện Hóa học Mendeleyve, Khodorkovsky đã cùng bạn học mở công ty mua bán máy tính. Cũng chính nhờ đó, Khodorkovsky có vốn và đã mở và đứng đầu Trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật của thanh niên trước khi biến nó thành ngân hàng thương mại tiến bộ khoa học kỹ thuật và Liên hiệp ngân hàng Menatep vào năm 1987, rồi từ đó thực hiện nhiều phi vụ mua lại cổ phần của các công ty nhà nước được cổ phần hóa với giá rẻ.
Sự giàu có của Khodorkovsky lên đỉnh nhờ chương trình tư hữu các tài sản nhà nước của chính quyền Soviet, với cú thâu tóm công ty dầu mỏ khổng lồ Yukos từ năm 1995 giá vài trăm triệu USD. Đây được xem là một trong những vụ thành công nhất, đẩy Khodorkovsky nổi lên như vũ bão. Cỗ máy in tiền khổng lồ này đã giúp Khodorkovsky trở thành tỷ phú có hàng chục tỷ USD trong tay. Dựa trên những cổ phần ở Yukos, Tạp chí Forbes định giá tài sản của Khodorkovsky là 15 tỷ USD.
Cũng kể từ đó, cái tên Khodorkovsky gắn liền với cái danh ông trùm dầu mỏ, một oligarkh điều khiển một đế chế kinh tế trong lòng đế chế chính trị Nga.
Sau giàu có là tham vọng chính trị
Dưới thời Boris Yeltsin, Khodorkovsky được xem như đã rất thành công nhờ trí thông minh xuất chúng, những mối quan hệ chính trị và khả năng tận dụng những kẽ hở của thời chuyển tiếp. Tuy nhiên, khi ông Putin làm chủ điện Kremli, mọi việc đã không suôn sẻ, nhất là khi tỷ phú này luôn thể hiện tham vọng chính trị nhờ nắm trong tay một lượng tiền rất lớn.
Tỷ phủ này cho hay đã từ bỏ con đường chính trị |
Trái với sự biết điều của các đại gia khác, Khodorkovsky luôn có những phát biểu và hành động công khai tham vọng của mình.
Vụ mua Yukos với giá chỉ 350 triệu USD, trong khi giá thị trường được cho là lên tới hàng tỷ USD, có lẽ là một bước ngoặt về nhiều mặt, là cơ sở để doanh nhân trẻ tuổi sinh năm 1963 này nuôi dưỡng tham vọng chính trị to lớn của mình.
Trước đó, Khodorkovsky từng làm việc như trợ lý của thủ tướng cuối cùng Liên Xô cũ, và tất nhiên là một trong những đầu sỏ chính trị, có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin, tham gia cấp tiền cho hoạt động tái tranh cử của ông Yeltsin năm 1996.
Không chỉ xây dựng các mối quan hệ chính trị, dưới chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin, Khodorkovsky từng tham gia trực tiếp vào bộ máy lãnh đạo với vai trò là Thứ trường Dầu mỏ và Khí đốt Nga từ năm 1993.
Là công dân giàu nhất nước Nga, có một vị thế chính trị ấn tượng, Khodorkovsky được xem là một nhân vật đáng gờm đối với Kremlin dưới thời Putin. Tỷ phú giàu có đẹp trai này không đồng tình với nhiều quan điểm chính thức của lãnh đạo quốc gia Nga, thậm chí đôi khi buột miệng nhấn mạnh về một khả năng tự cầm quyền.
Cái kết 10 năm ngồi tù vì tội gian lận, trốn thuế và rửa tiền và xin khoan hồng vào những giây phút muộn màng được dư luận nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Người ủng hộ thì cho rằng ông bị bỏ tù vì công khai ủng hộ phong trào chống đối chính quyền ở Nga, người không ủng hộ cho rằng, Khodorkovsky đã quá tự tin vào khả năng của mình khi đã xây dựng nên cơ nghiệp lớn thì có thể gánh vác công việc quốc gia.
Đúng sai là tương đối và chưa có kết luận vào thời điểm này. Ván cờ cuộc đời của ông Khodorkovsky vẫn còn ở phía trước. Với nhiều người, tình hình ở Nga dưới thời Putin giai đoạn này đang có nhiều diễn biến mới. Quyết định ân xá cho Khodorkovsky hồi cuối 2013 có tín hiệu cho thấy Tổng thống Nga Putin đã mạnh lên.
Tuy nhiên, sự lún sâu của Nga vào vấn đề Ukraina với vụ cho sáp nhập Crimea hồi tháng 3 và vụ rơi máy bay Malaysia với nghi vấn dính líu quân ly khai cũng như hàng loạt lệnh trừng phạt của Mỹ, EU gần đây lại là dấu hiệu cho thấy sức mạnh này đang bị lung lay. Phán quyết của tòa án ở Hague buộc Nga bồi thường 50 tỷ USD cho vụ Yukos sau phá sản lại khiến dư luận dồn chú ý về Khodorkovsky, cho dù tỷ phú này nói ông không trở lại con đường chính trị.
Theo Vef