Lần đầu tiên cởi mở chia sẻ từ sau sự cố vỡ đường ống Sông Đà lần thứ 9, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) – ông Nguyễn Thành Phương nhận định đây là sự việc hết sức đáng tiếc. "Lần đầu tiên trong suốt 26 năm xây dựng và phát triển, Vinaconex gặp phải sự cố nghiêm trọng đến vậy", lãnh đạo này nhận định.
Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch Vinaconex. Ảnh: Vinaconex |
Trong tâm thư vừa gửi toàn thể nhân viên, chủ tịch Vinaconex kể dự án xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà được cấp phép thực hiện từ năm 2003 và chia làm hai giai đoạn (2005 và 2010). Mỗi giai đoạn là một tuyến ống truyền tải nước sạch DN 1500 – DN 1800, chiều dài 45,8km với công suất 300.000m3 một ngày đêm. Mục tiêu là đến năm 2020, công suất sẽ được nâng thành 1,2 triệu m3 mỗi ngày đêm.
Với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 1.515 tỷ đồng, toàn bộ giai đoạn một thực hiện bằng nguồn tự có của Vinaconex và vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tháng 8/2008 là thời điểm chính thức vận hành chạy thử.
Trong giai đoạn thực hiện, Chủ tịch Vinaconex thừa nhận đã gặp phải gặp không ít khó khăn do “thiếu kinh nghiệm trong thiết kế, sản xuất, thi công, lắp đặt”. Đồng thời, ông cũng chia sẻ lúc bấy giờ, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn áp dụng, thời điểm thi công dự án lại trùng giai đoạn làm đường cao tốc Láng – Hòa Lạc nên chịu nhiều tác động bất lợi qua lại.
Thêm vào đó, “vì là tuyến ống độc đạo, dài nhất Việt Nam tại thời điểm đầu tư, sử dụng vật liệu mới composite cốt sợi thủy tinh, không có thời gian ngừng hoạt động để duy tu, sửa chữa… nên thời gian qua, tuyến ống đã xảy ra một số sự cố đáng tiếc”, ông Phương viết.
Lãnh đạo này cũng cho biết thêm suốt quá trình thực hiện dự án, ý thức việc khó tránh khỏi rủi ro trong quá trình vận hành, Vinaconex đã xin phép Thủ tướng thi công lắp đặt thêm tuyến ống cấp nước giai đoạn II dọc đường cao tốc Láng – Hòa Lạc vào năm 2006. Mục tiêu là đảm bảo an ninh nguồn nước trong thời gian tuyến ống giai đoạn I cần duy tu sửa chữa định kỳ hoặc nếu có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, công cuộc triển khai giai đoạn II của Vinaconex lại bất thành do không thu xếp được nguồn vốn (chủ yếu là vốn vay có hỗ trợ về lãi suất, khoanh nợ) và chưa có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công ích, ông Phương giải thích.
Thừa nhận những lần vỡ đường ống Sông Đà trước đây xuất phát từ sai lầm, khuyết điểm của Vinaconex, vị chủ tịch này chia sẻ công ty đã và đang nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định pháp luật. Ông cũng bày tỏ tha thiết kêu gọi cán bộ Vinaconex tiếp tục nỗ lực sửa chữa sai lầm, khuyết điểm và tiếp tục giữ vững tinh thần vượt qua khó khăn.
Tuyến đường ống nước sông Đà do Tổng công ty cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư với tổng mức khoảng 1.500 tỷ đồng được đưa vào hoạt động từ năm 2008, có công suất 300.000m3 nước/ngày đêm. Trong 6 năm hoạt động, đường ống nước đã 9 lần vỡ hoặc gặp sự cố, ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân ở thủ đô. Vài tháng gần đây, mật độ sự cố ngày càng nhiều. Sau nhiều sự cố, Bộ Xây dựng thanh tra và xác định một số nguyên nhân như chất lượng đường ống không đồng đều, độ bám dính của các lớp cấu tạo chưa tốt. Ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh... Ngoài ra, tuyến ống còn bị ảnh hưởng bởi việc vận hành, khai thác đại lộ Thăng Long, ống làm bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian. Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cũng đã vào cuộc điều tra vụ việc này. |
Theo VNE