Vỡ ống nước Sông Đà: Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc

Thứ hai, 21/07/2014, 08:22
Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án đường ống nước Sông Đà của Tổng công ty Vinaconex thì Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tuyến ống truyền tải nước Sông Đà là một trong những hạng mục công trình chính của dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 01/2006 đến tháng 4/2009 bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng.

Vỡ ống nước Sông Đà: Thanh tra Chính phủ nên vào cuộc
Đường ống Sông Đà vỡ liên tiếp 9 lần.

Sau khoảng 3 năm đầu vận hành ổn định, thì từ tháng 2/2012 đến nay, đường ống đã 9 lần bị vỡ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến nay tần suất vỡ ống xảy ra thường xuyên.

Sau sự cố đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ, Bộ Xây dựng đã kết luận về nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với sự cố này, có ý kiến cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án này.

Theo ông Đỗ Đức Duy – Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Xây dựng, dự án Nhà máy nước Sông Đà là dự án có quy mô đầu tư rất lớn, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của trên 70.000 hộ dân Hà Nội.

Sau một thời gian vận hành ổn định, đã liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống, không chỉ gây thiệt hại về chi phí khắc phục, sửa chữa, làm ảnh hưởng hưởng đến uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư Vinaconex, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố. Rõ ràng, đây là điều mà cả chủ đầu tư, các cơ quan quản lý và đặc biệt là người dân Thủ đô hoàn toàn không mong muốn.

Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.

"Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành", ông Duy nhấn mạnh.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích